Ý nghĩa biểu tượng ấy không chỉ ẩn chứa trong đó vẻ đẹp độc đáo hay sự thú vị của một cây cầu quay duy nhất mà còn nằm ở việc cây cầu được xây dựng bởi chính những đồng tiền chắt chiu của người dân Đà thành.
Trắng đêm xem cầu quay
Lần đầu đến Đà Nẵng, sau mấy ngày bố trí lịch đi hết các danh thắng như: Cáp treo Bà Nà, tượng Phật bà trên Bán đảo Sơn Trà, du ngoạn Cù Lao Chàm rồi về tắm biển Mỹ Khê, tôi hào hứng khoe lịch trình đã đi thì anh bạn công tác ở Sở GTVT Thành phố nói: “Ông đi đâu tôi không biết nhưng đến Đà Nẵng mà chưa thức đêm xem cầu quay thì đừng vội khoe!”. Dù đã nghe tiếng cây cầu này từ lâu, nhưng nghĩ đến chuyện đêm lang thang ra giữa sông xem cầu quay khiến tôi có vẻ lừng chừng nhưng anh bạn đã nói chắc nịch: “Đêm nay tôi sẽ đưa ông đi xem cầu quay”.
Trong lúc chờ đợi, anh bạn thủ thỉ câu chuyện về cầu quay mà theo anh nó như một “báu vật sông Hàn”. Anh bảo, nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và nhắc đến sông Hàn thì lại không thể không nhắc đến cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam. Cầu quay sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố. Dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một cách hoàn mỹ nhất trong không gian cầu quay lộng gió và mát rượi. Cầu sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía Đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hóa của TP Đà Nẵng hiện đại.
Dầm cầu quay ngang 90o quanh trục và sau đó nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. |
Đêm trôi qua thật nhanh khi kim đồng hồ chỉ gần đến số 12. Chúng tôi cùng nhau lững thững ra phía cầu. Cầu sông Hàn ban ngày trông sừng sững với những cột dây văng là thế mà về đêm trở nên vô cùng mềm mại. Khi chúng tôi đến, đã có nhiều đôi bạn trẻ cũng như du khách tập trung hai bên cầu. Khoảng hơn 1h đêm, tôi bắt đầu thấy thân cầu như đang rùng rình chuyển động.
Và thật lạ, phần giữa cầu bắt đầu tách ra làm đôi. Bệ đỡ của trục quay nằm ở phần chính giữa cầu. Dầm cầu cứ vậy quay ngang 90o quanh trục và sau đó nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Một cảnh tượng lạ lùng, độc đáo khiến mọi người chứng kiến đều chăm chú dõi theo. Không ít người vội vã tìm cho mình góc ảnh đẹp nhất để lưu lại kỷ niệm đứng trên chiếc cầu quay duy nhất, chỉ có trên sông Hàn.
Anh bạn đi cùng bảo, khoảng 4 giờ sau cầu sẽ quay trở lại như cũ để phục vụ giao thông trên cầu. Vì thế, để có được những điều thú vị ấy, nhiều người đã phải thức trắng đêm để vận hành cầu, đảm bảo giao thông và phục vụ khách du lịch.
Dân góp tiền xây cầu
Ít ai biết, cầu sông Hàn có thể hoàn thành là do nhân dân Đà Nẵng góp tiền xây. Vì thế, khi khánh thành cây cầu này, đã có rất đông người dân đến chứng kiến và chung hưởng niềm vui. Ngày 29/3/2000, khi tấm băng đỏ được cắt thì dòng người lên tới con số hàng vạn đã ào lên trung tâm cầu để chứng kiến cảnh ráp nối những nhịp quay với toàn bộ cây cầu.
Trong những phút lịch sử đó, ông Vũ Kim Chung, khi ấy còn là Tổng Giám đốc Tổng công ty XDCT giao thông 1 (Cienco1) đã thốt lên: “Đây chính là cuộc thử tải lớn nhất để chứng minh độ bền của cầu”.
Từ vị trí nằm dọc dòng sông trước sự chuyển động của mâm quay, cả khối mặt cầu nặng trên 100 tấn đã khớp vào đúng vị trí, hết 18 phút, với một góc quay 90o. Mọi người ôm nhau, bắt tay nhau trong niềm vui khôn tả. Kể từ giờ phút ấy, hai bờ Đông và Tây TP Đà Nẵng được nối bởi cầu sông Hàn, với chiều dài là 446m, rộng 15m.
Ông Cấn Hồng Lai, ngày đó là Phó Giám đốc điều hành, phụ trách trực tiếp kỹ thuật công nghệ xây dựng cầu sông Hàn (nay là Tổng Giám đốc Cienco 1) cho biết, tổng mức đầu tư công trình chỉ khoảng 44 tỷ đồng. Vốn liếng ngày đó rất thiếu, Đà Nẵng đã huy động mọi nguồn nhưng vẫn rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, thành phố đã có sáng kiến huy động sức dân, kêu gọi người dân chung tay đóng góp để xây dựng cây cầu độc đáo, có một không hai của thành phố. Và thật bất ngờ, lãnh đạo thành phố vừa ra lời kêu gọi đã nườm nượp người đến quyên góp, ủng hộ tiền xây cầu. Tổng số tiền do người dân đóng góp khi đó lên đến gần 7 tỷ đồng.
Thi công thần tốc
Cầu quay sông Hàn cũng là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Ông Tạ Đình Bảy - nguyên Giám đốc Công ty cầu 12 cho biết, cầu sông Hàn hoàn thành trong vòng 19 tháng, chưa phải là cây cầu lớn như Chương Dương, Phú Lương và một số cây cầu khác mà Công ty cầu 12 thi công, nhưng đây lại là cây cầu thi công trong điều kiện địa hình phức tạp. Sông sâu, lòng sông còn vướng bom mìn, sắt thép do chiến tranh để lại. Đặc biệt là trụ số 6 có đường kính 19m, trên mâm quay và 2 nhịp dầm sắt dài 122m, trên mặt cầu đặt 1 tháp treo cáp cao 125m.
Đơn vị thi công đã phải dùng búa khoan nhồi, cắm xuống lòng sông tất cả 72 cọc nhồi, 40 cọc cốt thép, đã tính toán chi tiết cho từng vành đai cọc ván thép để bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân viên thi công. 19 tháng thi công, họ đã chịu 4 trận đại hồng thủy (1998 - 1999). Nhưng với kinh nghiệm của một nhà thầu dày dạn kinh nghiệm, trên 200 cán bộ, công nhân Công ty cầu 12 ở sông Hàn đã khắc phục vượt qua. Trong 14 mố trụ, riêng năm 1999, đơn vị đã thi công với tốc độ thần tốc khi hoàn thành xong 10 trụ vượt sông.
Cẩn thận hơn, ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy còn là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng còn yêu cầu lãnh đạo công ty cam kết, bảo đảm phương án phải thật an toàn. Tinh thần sáng tạo, sự tính toán chính xác, cộng ý chí của Công ty cầu 12 đã chiến thắng bão lũ. Phương án dùng kích thông tâm kết hợp dùng thép phi 38 đưa thủ tháp cao 125m lắp ráp đúng vị trí đã tiết kiệm khoảng 10 lần chi phí cho thành phố so với phương án của các chuyên gia Trung Quốc.
Từ khi có cầu Sông Hàn, từ trung tâm thành phố, qua đường Lê Duẩn chỉ mất 5 phút xe máy đã sang đến Bán đảo Sơn Trà, rút ngắn một chặng đường vòng 15 - 16km.
Giờ đây, trên sông Hàn đã có nhiều cây cầu mới bắc qua như: Cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Thuận Phước… nhưng cầu sông Hàn vẫn là một điểm nhấn và là biểu tượng không thể phai nhòa trong tâm trí người dân Đà Nẵng và du khách bốn phương.