Có lẽ ít con sông nào trên dải đất hình chữ S có nhiều cầu như sông Hàn. Chỉ chưa tới 8km, đã có đến 6 chiếc cầu vắt ngang là: Cầu Thuận Phước, sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tiên Sơn và mới nhất là cầu Rồng vừa được đưa vào khai thác đầu năm 2013.
Trước đây, hễ nhắc đến cầu ở Đà Nẵng, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến cầu quay sông Hàn. Đây là cây cầu độc nhất ở nước ta có thể quay được nhịp giữa với góc 90 độ. Đặc biệt, cầu sông Hàn còn là cây cầu đầu tiên được làm bằng kinh phí do chính người dân Đà Nẵng tích cóp xây dựng. Chính vì vậy, cùng với danh thắng Ngũ Hành Sơn, cầu quay trong nhiều năm được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng. Thế nhưng, giờ đây đến với Đà Nẵng, du khách không thể bỏ qua một cây cầu thú vị khác là cầu Rồng.
Hình dáng cây cầu được mô phỏng theo hình tượng con rồng thời Lý, gửi gắm ước vọng vươn lên mạnh mẽ của thành phố trẻ, với tâm thế hướng ra Biển Đông. |
Dù là đơn vị quản lý rất nhiều những cây cầu trên địa bàn thành phố nhưng khi nhắc đến cầu Rồng, ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng không giấu được niềm hứng khởi.
Theo ông Dũng, dù có thiết kế phức tạp với nhiều hạng mục phụ trợ như: Đài quan sát, hệ thống phun nước, phun lửa… nhưng trong suốt quá trình thi công và quản lý, sử dụng cây cầu này đều khá thuận lợi.
Cầu Rồng có thiết kế hết sức độc đáo về kiến trúc, kết cấu chịu lực cũng như giải pháp thi công. Hình dáng cây cầu được mô phỏng theo hình tượng con rồng thời Lý, gửi gắm ước vọng vươn lên mạnh mẽ của thành phố trẻ, với tâm thế vươn ra Biển Đông. Chính vì vậy, cầu Rồng đã trở thành một điểm nhấn cảnh quan độc đáo, là biểu tượng kiến trúc mới của thành phố ven sông Hàn.
“Mới đây, Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ đăng ký với Guinness để xác nhận con rồng bằng thép trên cầu Rồng là nặng và dài nhất thế giới. Tổ chức này đang trong giai đoạn hoàn thiện thẩm định, xét duyệt. Nếu được công nhận, cầu Rồng sẽ là công trình thứ hai của thành phố được xác nhận có nhiều kỷ lục thế giới, sau cáp treo Bà Nà”, ông Dũng hào hứng cho biết.
Những cái nhất của cầu Rồng
Kỹ sư Nguyễn Duy Thắng - Trưởng Phòng kỹ thuật vật tư thiết bị thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), người trực tiếp phụ trách kỹ thuật tại công trình cầu Rồng, tâm sự cầu Rồng thu hút được sự quan tâm, chú ý nhất của giới làm cầu bởi nó có kiến trúc độc đáo, phức tạp và được áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới.
“Trong suốt quá trình xây dựng, chúng tôi liên tục nhận nhiều cuộc điện thoại hoặc đến tận nơi để được tận mắt chiêm ngưỡng những công nghệ lần đầu tiên được các thợ cầu Việt Nam áp dụng ”, anh Thắng nói.
Ý tưởng xây dựng cầu Rồng được xác định không chỉ phục vụ đi lại mà còn mang ý nghĩa văn hóa, du lịch, biểu tượng cho một thành phố đang bay lên trên sông Hàn. Có thể nói, cầu Rồng là công trình có thiết kế độc nhất vô nhị trên thế giới về kiến trúc, kết cấu chịu lực và giải pháp thi công. Cũng chính vì độ khó của nó mà nhiều kỷ lục về thi công đã được thiết lập.
Trong đó, có thể kể đến là nhịp vòm thép khẩu độ lớn đến 200m, lớn nhất tại Việt Nam tính cho đến nay. Bên cạnh đó, cầu Rồng có mặt cắt ngang đơn lớn nhất Việt Nam, lên đến 37,5m.
Không dừng lại ở đó, cây cầu này còn có thiết kế phức hợp dầm, vòm, có dây treo dầm bê tông dự ứng lực cộng với dầm thép liên hợp có thanh căng dự ứng lực, hố móng sâu và rộng nhất Việt Nam. Kết cấu vòm được tổ hợp từ 5 ống đơn tạo hình thân rồng đặc biệt nhất thế giới.
Một kỷ lục nữa không thể không nhắc tới của cây cầu này là việc liên kết các mối nối dầm phải sử dụng tới 3.762 con bu lông cường độ cao.
Khi thi công cầu, để đổ một hố móng, thường phải làm theo đợt, khoảng 3 - 4 lượt và mỗi lượt cách nhau tới một tuần. Tuy nhiên, cầu Rồng lần đầu tiên được áp dụng công nghệ đổ bê tông bịt đáy một lần liên tục, với 6.300 khối bê tông và được đổ trong vòng 36 tiếng. Nhờ áp dụng công nghệ này nên tiến độ công trình đã được đẩy lên nhanh chóng.
Một điểm khác biệt nữa của cầu Rồng so với những cây cầu có vòm khác là các vòm thép của cây cầu này không nhồi bê tông, khiến cho kết cầu toàn bộ cầu được giảm đi rõ rệt.
Cầu Rồng được khởi công vào ngày 19/7/2009 và hoàn thành ngày 29/3, đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những cây cầu có vẻ đẹp quyến rũ bởi kiến trúc độc đáo với phần nhịp thép có hình dáng một con rồng dài 560m, nặng gần 9.000 tấn, được thiết kế hiện đại, xây dựng theo các công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế.