Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu Phú Mỹ, TP.HCM đổ nợ

Dự án BOT cầu Phú Mỹ có tổng mức đầu tư cũ là 1.806 tỷ đồng, nhưng sắp tới sẽ điều chỉnh tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và quận 7, TP.HCM) đưa vào sử dụng cách đây hơn bốn năm, dự kiến thời gian thu phí 26 năm. Thế nhưng tổng mức đầu tư dự án đang được điều chỉnh tăng, dẫn tới việc mức thu phí sẽ tăng, thời gian thu phí dự án kéo dài thêm. Đây là cây cầu đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao), chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (gọi tắt là PMC), gồm liên danh năm bên: tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Bộ Xây dựng), công ty Đầu tư và phát triển xây dựng (Invesco), công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII), công ty cổ phần bêtông Châu Thới và công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Thanh Danh. UBND thành phố là đơn vị ký hợp đồng BOT, Thủ tướng ra quyết định bảo lãnh vốn vay cho dự án.

Xe cộ lưu thông qua cầu Phú Mỹ (quận 7 - quân 2), TP.HCM chiều 3/1

Liên tục đội giá

Năm 2004, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cầu Phú Mỹ với tổng mức đầu tư là 1.806 tỷ đồng (làm tròn số), dự kiến công trình hoàn thành năm 2007 (thực tế hoàn thành tháng 9/2009). Trong quá trình thiết kế và thi công dự án, UBND thành phố có yêu cầu bổ sung thiết kế kỹ thuật cầu tăng hệ số chống ảnh hưởng của sóng thần và dư chấn động đất, PMC đề xuất điều chỉnh vốn lên 2.176 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng nước ngoài trong thời gian thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng xem xét về đề xuất lại tổng mức đầu tư nêu trên, tháng 4/2007 UBND thành phố ra quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư mới xây cầu Phú Mỹ là 2.077 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này mới chỉ là tạm tính. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, cần phải có thẩm tra của Bộ Xây dựng mới xác định tổng mức đầu tư thật sự của dự án.

 

Chi phí vẫn tăng lên hằng ngày

Ngày 23/11/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc bảo lãnh khoản vay nước ngoài cho dự án BOT cầu Phú Mỹ. Theo PMC, dự án cầu Phú Mỹ vay ngân hàng SG (Pháp) 93 triệu USD, gồm 60 triệu USD vay tín dụng xuất khẩu với lãi suất 5,61%/năm, 33 triệu USD vay tín dụng thương mại với lãi suất 7,2%/năm.

Trong thư gửi lãnh đạo thành phố và các sở ngành TP.HCM, tiến sĩ Karthryn Vagneur (Quỹ Vietnam Equity Holdings & Vietnam Property Holdings) cho biết, chi phí lãi vay phát sinh do các khoản vay để bổ sung cho các chi phí đầu tư, các chi phí này vẫn tăng lên hằng ngày. Các cơ quan chức năng cần thương lượng với PMC để dứt điểm (tổng mức đầu tư) càng sớm càng tốt. Nếu không thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận cầu Phú Mỹ là một dự án hạ tầng thất bại, điều này gây nên những quan ngại về rủi ro cho việc đầu tư vào các dự án hạ tầng trong tương lai ở Việt Nam

Gần một năm rưỡi sau khi cầu Phú Mỹ khánh thành, tháng 2/2011, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thông báo kết quả thẩm tra dự toán tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ là 3.293 tỷ đồng. Cũng trong năm 2011, mỗi sở của TP.HCM lại đưa ra một số liệu khác nhau về tổng mức đầu tư. Sở Xây dựng thành phố cho rằng, tổng mức đầu tư là 2.941 tỷ đồng, Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố là 2.382 tỷ đồng, còn Sở Giao thông vận tải thành phố là 1.873 tỷ đồng (chưa tính thuế, trượt giá ngoại tệ, lãi vay).

Trước tình hình đó, UBND thành phố tiếp tục giao cho cơ quan kiểm toán độc lập. Đến tháng 5/2013, đơn vị kiểm toán xác định tổng mức đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ là 3.250 tỷ đồng. Theo giải trình của PMC, sở dĩ tổng mức đầu tư tăng cao là do tăng thêm tiền đền bù giải tỏa, lãi vay trong thời gian xây dựng (464,5 tỷ đồng), trượt giá ngoại tệ (637,5 tỷ đồng)...

Thu không đạt kế hoạch dự tính

Ông Nguyễn Thành Thái - Tổng giám đốc PMC cho biết, nếu tính theo phương án có tổng mức đầu tư cũ là 1.806 tỷ đồng thì khoản thu phí của cầu Phú Mỹ hằng năm vẫn không đủ trả lãi vay và nợ. Cụ thể, năm 2012 thu thực tế là 95 tỷ đồng, trong khi theo phương án tài chính của hợp đồng, mức thu phải đạt 158 tỷ đồng. Năm 2013 là 102 tỷ đồng, trong khi phương án tài chính mức thu phải đạt 180 tỷ đồng. PMC dự kiến mức thu trong hai năm tới sẽ vẫn thấp hơn so với phương án tài chính cũ.

Theo PMC, sở dĩ mức thu phí trong những năm qua và trong hai năm tới còn thấp là do tuyến đường kết nối với cầu Phú Mỹ chưa được hoàn thành như dự tính, do thành phố không cho phép thu xe máy như trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Tình hình kinh tế ảm đạm của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lưu lượng xe qua cầu Phú Mỹ, đặc biệt là việc thành phố không tổ chức phân luồng giao thông cho xe tải về cầu Phú Mỹ để bảo đảm mức thu phí.

PMC còn cho rằng, dù mức thu phí có đạt như trong phương án tài chính thì số tiền thu được vẫn không đủ để trả lãi và nợ. Nguyên nhân là lạm phát cao, lúc vay ngoại tệ xây dựng cầu Phú Mỹ thì tỉ giá 15.500 đồng/USD, nay tăng lên hơn 21.000 đồng/USD, tỉ giá euro từ 20.502 đồng/euro nay tăng lên 28.685 đồng/euro.

Cầu Phú Mỹ nhìn từ trên cao.

Không thực hiện đúng cam kết

Theo PMC, hợp đồng BOT giữa UBND TP.HCM (bên A) và PMC (bên B) ký ngày 7/2/2005, bên A có trách nhiệm thực hiện hạn chế xe tải nặng toàn bộ phía trong tuyến đường vành đai phía đông thành phố. Xe tải nặng từ cụm cảng, khu chế xuất, khu công nghiệp chủ yếu đi trực tiếp ra đường vành đai phía đông thành phố, hạn chế tối đa việc đi xuyên qua trung tâm thành phố. Tất cả hành trình đi vào những cụm công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm hàng hóa, vận chuyển vật liệu xây dựng đều phải đi ban đêm, hoặc phải có giải pháp cụ thể cho những hành trình cấp bách, ngoại trừ một số khu vực cần đường vành đai được thành phố cho phép lưu thông. Hạn chế tối đa đối với lưu thông xe tải nặng qua các cầu Khánh Hội, Kênh Tẻ, kể cả đường hầm Thủ Thiêm (nay là đường hầm sông Sài Gòn). Cầu Phú Mỹ nằm trên đường vành đai phía đông thành phố sẽ đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường vành đai phía đông.

Tuy nhiên theo PMC, sau khi cầu Phú Mỹ thông xe, Sở Giao thông vận tải không phân luồng giao thông theo hướng trên, vì sợ gây kẹt xe qua cầu Phú Mỹ. Đồng thời, trong phương án tài chính của hợp đồng BOT cho phép PMC thu phí xe máy với mức giá 2.000 đồng/lượt, nhưng thực tế Hội đồng Nhân dân TP.HCM không duyệt thu phí xe máy. PMC còn nói, trong hợp đồng BOT, UBND thành phố cam kết hoàn thành đồng bộ toàn đường vành đai phía đông với cầu Phú Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho xe lưu thông vào cầu Phú Mỹ, nhưng bốn năm qua kể từ khi cầu Phú Mỹ thông xe, đến nay thành phố vẫn chưa thực hiện dự án nối thông tuyến đường này.

Mức thu phí sẽ tăng

Nếu không có gì thay đổi, dự án BOT cầu Phú Mỹ sẽ được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo PMC, để đảm bảo hoàn vốn thì phải tính đến phương án tài chính mới, nghĩa là sẽ phải điều chỉnh tăng mức phí hoặc có thể kéo dài thời gian thu phí lên 40 năm.

Nhằm tăng lượng xe về cầu Phú Mỹ, PMC đề nghị thành phố giao cho liên doanh PMC và công ty cổ phần đầu tư phát triển địa ốc Tây Bắc thực hiện tiếp hai dự án, là dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc (quận 9) và dự án làm đường từ cầu Rạch Chiếc (quận 9) ra đến xa lộ Hà Nội. Hai dự án này kết nối với đường vành đai phía đông với cầu Phú Mỹ. Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, dù chưa có hai dự án này thì thực tế vẫn còn nhiều tuyến đường nối thông đến cầu Phú Mỹ nhưng lượng xe qua cầu vẫn không nhiều. Ông Cường nói chỉ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe mới có thêm lượng xe lưu thông qua cầu Phú Mỹ.

Ông Bùi Xuân Cường còn cho biết,  thành phố đã chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ. PMC sẽ trình lại phương án tài chính hoàn vốn cho công trình này với mức thu phí tăng bao nhiêu, thời gian thu phí kéo dài ra sao. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng thành phố sẽ đàm phán với PMC để điều chỉnh hợp đồng BOT. Ông Cường nhấn mạnh việc tăng thu phí không chỉ do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, Bộ Tài chính cũng vừa có thông tư cho phép tăng mức phí từ ngày 1/1/2014.

Hãy để doanh nghiệp tự vay vốn đầu tư

Theo GS.TS Phạm Xuân Mai ( đại học Bách khoa TP.HCM): Nhà nước chỉ nên bảo lãnh vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua, hoặc ở những dự án khắc phục thiên tai, bão lụt... gây ảnh hưởng đến đông đảo người dân. Còn ở đây, dự án cầu Phú Mỹ chỉ là một chiếc cầu bình thường như cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, nên không nhất thiết Nhà nước bảo lãnh vốn vay cho công ty cổ phần. Điều quan trọng là hãy để doanh nghiệp tự vay vốn đầu tư và chịu trách nhiệm về lời, lỗ của mình.

Trong trường hợp cầu Phú Mỹ, cơ quan nhà nước bảo lãnh vốn vay phải chịu trách nhiệm khi nguồn thu phí cầu Phú Mỹ quá thấp so với phương án tài chính thu hồi vốn. Theo tôi, sở dĩ xảy ra vấn đề này là do chiếc cầu xây dựng trên tuyến đường vành đai 2 - không phải là tuyến đường trục nối từ trung tâm thành phố ra đường vành đai - nên rất ít xe lưu thông qua cầu Phú Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu thật sự của người dân là mong muốn xây dựng các công trình cầu đường huyết mạch từ trung tâm thành phố hướng ra ngoại thành, nhằm tạo điều kiện cho xe thoát nhanh như cầu Sài Gòn 2 hoặc đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Có thể nói, vốn đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ lúc đầu là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng sau đó tăng lên khoảng 3.200 tỷ đồng là điều không hiểu nổi. Trong một dự án đầu tư, bên cạnh vốn đầu tư xây lắp, vốn đền bù giải tỏa... còn có dự phòng phí với tỉ lệ khoảng 10%, nhằm bù đắp những chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Như vậy đây là trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án đầu tư tính toán không đầy đủ các chi phí trong dự án.

 

 

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm