Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Câu nói gây phẫn nộ của tổng thống Hàn Quốc khi đến nhà bán hầm

Seoul đã tuyên bố chuyển một số gia đình ra khỏi những căn nhà bán hầm sau trận lũ lịch sử cướp đi nhiều sinh mạng, song nhiều người hoài nghi cam kết này không đi kèm hành động.

"Tôi không hiểu tại sao người dân ở đây không sơ tán trước", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói khi đến căn nhà bán hầm nơi những người dân đã thiệt mạng vì trận lũ tối 8/8.

13 sinh mạng bị tước đoạt trong trận lũ lịch sử đã buộc chính quyền Seoul chấm dứt sự tồn tại của những căn nhà bán hầm (banjiha) chật chội giữa lòng thành phố.

Banjiha được xây dựng từ những năm 1970 để làm nơi trú ẩn trong các cuộc không kích, giữa lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng trớ trêu thay, trận lũ đêm 8/8 đã biến nơi này thành mồ chôn của nhiều sinh mạng, trong đó có một gia đình 3 người bị mắc kẹt trong căn nhà bán hầm tại quận Gwanak, phía nam Seoul.

"Trong tương lai, các tầng hầm và bán hầm tại Seoul sẽ không được phép dùng để ở", chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố vào ngày 10/8.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lời hứa này đã bỏ qua nhiều vấn đề lớn hơn tồn tại bên ngoài những bức tường trong tầng hầm, chẳng hạn chi phí sinh hoạt tăng vọt, hay những trận lũ và nắng nóng bất thường do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Vào tối 8/8, trận mưa lớn nhất trong hơn 100 năm ở Seoul đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực trũng thấp phía nam sông Hàn, cuốn trôi ôtô và buộc hàng trăm người phải sơ tán. Tính đến ngày 12/8, 13 người đã thiệt mạng, theo CNN.

Không còn lựa chọn

Trên thị trường nhà ở nổi tiếng đắt đỏ tại Seoul, nhà bán hầm là một trong những lựa chọn có chi phí hợp lý nhất. Nói cách khác, đây là nơi sinh sống "lý tưởng" của nhiều người trẻ và những người có thu nhập thấp.

Những căn banjiha này thường nhỏ, tối tăm và dễ bị nấm mốc trong mùa hè ẩm ướt, giống như những gì được lột tả trong bộ phim “Parasite” của đạo diễn Bong Joon Ho.

nha ban ham o Seoul anh 1

Một căn hộ bán hầm bị nhấn chìm ở phường Silim (thủ đô Seoul của Hàn Quốc) sau trận mưa kỷ lục ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Sau khi bộ phim đoạt giải Oscar 2019 và gây tiếng vang lớn, những căn nhà bán hầm trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng ở một trong những thành phố giàu nhất thế giới.

Theo Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Thành phố và Môi trường Hàn Quốc Choi Eun Yeong, banjiha được xây dựng lần đầu vào những năm 1970 để làm hầm trú ẩn không kích. Trong những thập kỷ tiếp theo, Seoul ngày càng hiện đại hóa và thu hút người nhập cư từ các vùng nông thôn. Diện tích hạn hẹp buộc chính phủ cho phép cư dân sử dụng các tầng hầm làm nơi ở, mặc dù chúng "không được xây dựng cho mục đích này", bà Choi nói.

Banjiha từ lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế, chẳng hạn hệ thống thông gió và thoát nước kém, rò rỉ nước, thiếu lối thoát hiểm, nhiều côn trùng và dễ tiếp xúc với vi khuẩn.

Tuy nhiên, mức giá thấp vẫn là một điểm hấp dẫn lớn khi Seoul ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt với những người trẻ đang chịu cảnh mức lương trì trệ, giá nhà tăng và thị trường việc làm bão hòa.

Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, chạm mốc 1,26 tỷ won (963.000 USD) vào tháng 1 năm nay. Nếu so với thu nhập, một căn hộ ở Seoul thậm chí khó chi trả hơn ở New York, Tokyo và Singapore.

Vào năm 2010 và 2011, mối lo ngại liên quan đến banjiha được đặt lên hàng đầu sau trận lũ nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng. Một năm sau đó, chính quyền thành phố ban lệnh cấm banjiha ở "khu vực thường xuyên ngập lụt".

Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công. Sau khi điều luật được thông qua, hơn 40.000 căn nhà bán hầm vẫn được xây dựng thêm.

Các quan chức một lần nữa tuyên bố xử lý vấn đề này sau khi bộ phim "Parasite" khiến banjiha trở thành tâm điểm chú ý, song lời hứa này cũng sớm bị lãng quên khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Choi nói.

Tính đến năm 2020, trung tâm thành phố Seoul vẫn có hơn 200.000 căn hộ banjiha, chiếm khoảng 5% tổng số hộ gia đình, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc.

Mối nguy kép

Trong vụ gia đình thiệt mạng ở quận Gwanak, ông Choi Tae Young, người đứng đầu Trụ sở Phòng cháy và Thảm họa thủ đô Seoul, cho biết nạn nhân không thể thoát khỏi căn hộ do nước tích tụ bên ngoài cửa nhà.

Một ngày sau thảm họa, cảnh sát và đội cứu hộ đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến nơi ở của những người thiệt mạng để kiểm tra tòa nhà và hỏi thăm một số cư dân tại đây. Các bức ảnh cho thấy tổng thống ngồi xổm trên đường phố, nhìn qua cửa sổ tầng trệt thấy căn hộ ở tầng hầm vẫn còn ngập nước.

"Tôi không hiểu tại sao người dân ở đây không sơ tán trước", ông Yoon nói. Phát ngôn này đã bị chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội sau đó.

nha ban ham o Seoul anh 2

Một khu chợ truyền thống ở Seoul, Hàn Quốc, sau trận mưa lịch sử. Ảnh: Reuters.

"Nước tràn vào ngay lập tức", một người dân trả lời.

“Nước dâng lên chỉ sau chưa đầy 10-15 phút”, một người khác nói và nhấn mạnh các nạn nhân “sống rất khó khăn”.

Trước tình hình đó, vào ngày 10/8, chính quyền thành phố tuyên bố loại bỏ banjiha có giấy phép xây dựng trong thời hạn 10-20 năm. Những người thuê nhà sẽ được hỗ trợ chuyển vào các khu nhà công cộng hoặc giảm giá khi mua nhà. Các căn nhà bán hầm sau đó sẽ được chuyển đổi để sử dụng cho mục đích khác.

Tuy nhiên, bà Choi tỏ ra hoài nghi với cam kết này. Nhà nghiên cứu môi trường đô thị cho rằng đề xuất này quá tham vọng và thiếu chi tiết.

“Trên thực tế, tôi nghĩ khả năng cao nó sẽ chỉ là một tuyên bố và không được thực hiện”, bà nói.

Mưa đã ngớt ở Seoul, nhưng các chuyên gia cảnh báo kiểu thời tiết cực đoan, khó đoán này sẽ ập đến dữ dội và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Phó giám đốc Văn phòng báo chí Cục Khí tượng Hàn Quốc Park Jung Min cho biết khủng hoảng khí hậu đang "làm tăng nhiệt độ Trái Đất và đại dương, đồng nghĩa lượng hơi nước tích tụ trong không khí ngày càng lớn”.

Và thông thường, những người nghèo nhất sẽ nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Những người có cuộc sống khó khăn hoặc thể chất ốm yếu sẽ dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai", Tổng thống Yoon cho biết hôm 10/8. "Chỉ khi họ được an toàn, Đại Hàn Dân Quốc mới được an toàn".

Trong khi đó, bà Choi chia sẻ tại Seoul, cư dân banjiha đang phải đối mặt với nguy cơ kép - lũ lụt và sóng nhiệt.

“Những thay đổi do khủng hoảng khí hậu mang lại gần như thảm khốc, đặc biệt với những người dễ bị tổn thương nhất, vì nơi ở của họ không đủ điều kiện ứng phó”, bà nói.

Đường phố Seoul hóa sông, nhiều người thiệt mạng Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vừa hứng chịu đợt mưa kỷ lục trong hơn 80 năm qua, khiến ít nhất 8 người chết, hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng.

Báo Hàn: Gangnam ngập lụt là cái tát với thị trưởng Seoul

Người dân Seoul tranh luận việc trận lũ vừa qua là “vận xui” với Thị trưởng Oh Se Hoon hay kết cục cho sự tự mãn về khả năng chống lũ của người đứng đầu chính quyền thành phố.

Người Việt ở Seoul: 'Tôi đã phải bơi về nhà giữa mưa lũ lịch sử'

Người Việt tại Seoul (Hàn Quốc) cho biết nhiều khu vực ở đây bị ngập lụt nghiêm trọng trong đợt mưa kỷ lục vào tối 8/8, thậm chí có người còn phải “bơi về nhà”.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm