Trận lụt tồi tệ nhất lịch sử ở Seoul vào tối 8/8 khiến Thị trưởng Oh Se Hoon trở thành tâm điểm chú ý, nhưng không phải theo cách mà ông mong đợi.
Trong những ngày qua, ông Oh liên tục bận rộn đến thăm những khu vực bị thiệt hại, đồng thời chủ trì các cuộc họp ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, sự chú ý của công chúng vẫn hướng đến phát ngôn của thị trưởng hơn một năm trước.
“Ga Gangnam phải hứng chịu lũ quét trong cảnh mưa xối xả. Tuy nhiên, cư dân trong khu vực không cần lo lắng", Thị trưởng Oh Se Hoon nói khi đến thăm điểm xây dựng đường hầm chống lũ lụt mới ở Seocho-gu vào năm ngoái.
Đường hầm này đã được hoàn thành vào tháng 7, với nhiệm vụ dẫn nước mưa ở các khu vực gần bến xe buýt Nambu thoát trực tiếp ra một con suối gần đó. Trên lý thuyết, đường hầm này có thể giúp ngăn lũ lụt.
Thị trưởng Oh tuyên bố đường hầm có khả năng xử lý lượng mưa lên tới 85 mm/giờ. Do đó, Gangnam được cho là sẽ an toàn trước những trận mưa lớn vốn chỉ xảy ra “một lần trong 20 năm”.
Tuy nhiên, hôm 8/8, các khu vực phía nam Seoul, bao gồm Gangnam-gu và Seocho-gu, có thời điểm hứng chịu lượng mưa hơn 100 mm/giờ, khiến các kế hoạch dự phòng của thành phố trở nên lỗi thời.
Báo Korea Herald nhận định việc khu Gangnam ngập lụt chính là "cái tát" cho vị thị trưởng, khi tình hình đi ngược lại những tuyên bố tự tin và các chính sách của ông này.
Mưa lớn khiến khu Gangnam, Seoul ngập nặng. Ảnh: Yonhap. |
Bên cạnh đó, các nguồn thạo tin cũng tiết lộ ngân sách dành cho các vấn đề liên quan đến lũ lụt và bảo trì cơ sở xử lý nước thải của thủ đô Seoul cũng bị cắt giảm 18% so với năm trước.
"Oseidon" và cơn ác mộng tái diễn
Ngày 8/8 là lần thứ hai ông Oh trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng ở Seoul trong nhiệm kỳ thị trưởng. Thậm chí, ông từng được gọi với biệt danh không mấy hay ho “Oseidon”, vì thất bại trong loạt mưa lũ vào đầu những năm 2010.
Biệt danh "Oseidon", giống như sự kết hợp giữa họ của thị trưởng và vị thần đại dương của Hy Lạp Poseidon, xuất hiện như một lời chế giễu, ám chỉ việc những trận lũ tồi tệ nhất ở Seoul thường xảy ra vào nhiệm kỳ của ông Oh. Thị trưởng Seoul cũng từng công khai đề cập đến biệt danh này.
Trở lại tháng 9/2010, khi ông Oh vừa tái nhậm chức thị trưởng thành phố, khu vực xung quanh Gwanghwamun Plaza ở Jung-gu, trung tâm Seoul, đã bị ngập hoàn toàn.
Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn vào mùa hè năm 2011 khi khu vực miền Trung Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, khiến 69 người chết và 8 người mất tích. Trong số những người chết có 16 công dân thiệt mạng do lở đất ở núi Umyeonsan, Seocho-gu.
Sau thảm kịch, ông Oh chịu chỉ trích vì cắt giảm ngân sách chống thiên tai của thành phố trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, xuống còn 1/10 mức trước đó.
Thị trưởng thành phố Seoul Oh Se Hoon thăm một nơi bị ảnh hưởng sau trận lũ hôm 8/8. Ảnh: Korea Herald. |
Cắt giảm ngân sách
Theo chính quyền thành phố, năm 2022, Seoul đã cắt giảm 46,7 tỷ won (35,7 triệu USD) ngân sách cho các cơ sở xử lý nước thải và 42,9 tỷ won (32,9 triệu USD) ngân sách kiểm soát lũ lụt và duy trì sông suối. Cơ sở vật chất tại các trung tâm xử lý nước thải rất quan trọng, vì các thành phố lớn thường sử dụng hệ thống này để thoát lượng nước khổng lồ trong trường hợp lũ lụt.
Tổng cộng, Seoul đã phân bổ 420,2 tỷ won cho các dự án này, giảm so với 509,8 tỷ won vào năm trước.
Chính quyền thành phố đã cố gắng xoa dịu những lời chỉ trích, với lý lẽ rằng ngân sách đã giảm kể từ năm 2020 khi người tiền nhiệm của ông Oh, cựu Thị trưởng Park Won-soon, nắm quyền, vì hầu hết dự án lớn đã đến giai đoạn hoàn thành.
Ngoài ra, Seoul cho biết hội đồng thành phố, vào thời điểm đó do đảng Dân chủ đối lập (đảng đối thủ của ông Oh) kiểm soát, đã cắt giảm 24,8 tỷ won (19,05 triệu USD) ngân sách liên quan đến lũ lụt. Và trên thực tế, chính quyền ông Oh đã bổ sung 29,2 tỷ won.
Cầu thang dẫn vào một ngôi nhà bán hầm ở Seoul, nơi hai phụ nữ và một bé gái 13 tuổi chết hôm 8/8 sau trận lũ lụt lớn. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2021 do hội đồng thành phố công bố, chính quyền Seoul đã cắt giảm các khoản ứng phó với lũ lụt trước khi có sự can thiệp từ hội đồng. Nói cách khác, Seoul đã giảm ngân sách từ trước, và hội đồng thành phố tiếp tục cắt giảm thêm.
Do đó, trên các phương tiện truyền thông xã hội, người dân đang tranh luận về trách nhiệm của Thị trưởng Oh Se Hoon. Dư luận cho rằng ông Oh phải chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó, ít nhất là đối với trận lũ vừa qua.
“Biệt danh Oseidon không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là vì thị trưởng thực sự tạo điều kiện cho lũ lụt, (chẳng hạn bằng cách) cắt giảm ngân sách, tu sửa vỉa hè theo dự án ‘Design Seoul’ khiến nước đầy lên", theo một ý kiến trên Twitter nhận được gần 3.800 lượt "thích" và 13.300 lượt chia sẻ tính đến 10/8.
Trớ trêu thay, tình huống ngày 8/8 đã được các chuyên gia dự đoán gần một năm trước, khi mưa lớn trút xuống khu vực miền Trung.
Cụ thể, trong một báo cáo do Hội đồng thành phố Seoul ủy quyền, các nhà nghiên cứu đã phân tích ngân sách năm 2022 của thành phố và cảnh báo về những tác động tiềm ẩn của việc cắt giảm ngân sách, đặc biệt là khoản chi cho các nhà máy xử lý nước thải.
Họ chỉ ra rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo trì, thay thế và sửa chữa các cơ sở đã xuống cấp.
“Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp không được sửa chữa và cải thiện một cách hợp lý do vấn đề kinh phí, sẽ có những mối đe dọa nghiêm trọng cho sự an toàn của người dân. (Thành phố) phải đảm bảo rằng việc cắt giảm ngân sách không hạn chế các dự án đang triển khai”, báo cáo viết.