Trả lời báo chí ngày 26/12, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, tại buổi làm việc giữa Nhật Bản và Việt Nam trước đó bàn về tên cầu, phía nước bạn mong muốn được đặt tên cầu là “Hữu nghị Việt-Nhật”. Trước nguyện vọng này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội.
Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, đa số đại biểu cho rằng, đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là “Nhật Tân”.
Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật, trên bảng ghi tên cầu, ngoài tên “Nhật Tân” ở trên, trên biển chỉ dẫn còn có thêm tên “Hữu nghị Việt-Nhật” bên dưới. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã đúc bảng tên cầu bằng đồng và gắn ở hai đầu.
Về công tác phân luồng trước ngày khai trương, thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết đã chỉ đạo Phòng CSGT Hà Nội tiến hành phân làn đường từ xa trên vành đai 2, đường Âu Cơ, Lạc Long Quân để tránh ùn tắc. Theo đó, trên chiếc cầu dây văng lớn nhất Việt Nam sẽ không cho phép các loại xe tải lưu thông qua.
Các phương tiện là xe tải, container sẽ di chuyển qua cầu Thăng Long. Còn ôtô, xe buýt, xe khách sẽ di chuyển vào 6 làn theo chỉ dẫn, dải phân cách. Xe máy sẽ lưu thông qua 2 làn đường gom và không được di chuyển vào làn đường chính.
Cầu Nhật Tân sẽ có thêm một tên khác là cầu "Hữu nghị Việt - Nhật". Ảnh: Mạnh Thắng. |
Nhận định lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trên cầu này lớn, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Ban Quản lý Dự án 85 thực hiện đầu tư xây dựng cầu vượt nhẹ để tăng cường năng lực giao thông tại nút giao Phú Thượng.
Cầu vượt nhẹ này sẽ vượt 2 cụm đèn đỏ, nằm chính giữa đường Âu Cơ, vượt đường Lạc Long Quân và đường kết nối cầu Nhật Tân. Công trình này sẽ triển khai trong năm 2015 với nguồn vốn là vốn dư của cầu Nhật Tân, trong quá trình đấu thầu có tiết kiệm được một khoản tiền và Bộ đã đề xuất Chính phủ cũng như xin phép phía Nhật Bản đồng ý sử dụng vốn này cho cầu vượt Phú Thượng.
Thứ trưởng Trường cho biết, đây là một trong số rất ít cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn được áp dụng công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng tại Việt Nam như hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép.
Trước lo lắng về độ an toàn khi lưu thông trên cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam, ông Trường khẳng định người tham gia giao thông hoàn toàn có thể yên tâm, đặc biệt các phương tiện là xe máy, sẽ được đảm bảo an toàn cao bởi cây cầu được thiết kế, thẩm định dây văng theo công nghệ của Nhật Bản và Đức. Các đơn vị này đã tính toán sức gió, thử động rung lắc khi gặp gió lớn.
"Sẽ không có chuyện, khi xảy ra bão, giõ lớn các phương tiện sẽ bị cấm lưu thông giống như cầu bãi cháy (Quảng Ninh)", thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Trả lời báo chí về phản ánh của người dân tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh về việc di chuyển khó khăn do thiếu hầm chui trên cao tốc Nội Bài – Nhật Tân, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết cơ bản đã giải quyết xong đường rút ngắn khoảng cách sang hầm chui. Ban quản lý dự án 85 đã cam kết giải quyết một số hộ ở cuối thôn cách xa 200 m còn lại.