Sáng 5/3, nhiều người thân, hàng xóm đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Phan Đình Hồng (57 tuổi, thôn Tiến Lập, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) có con trai mất tích trong vụ chìm tàu hàng ở Nhật Bản.
"Hy vọng sẽ có phép màu"
Từ khi nghe tin, ông Hồng như người mất hồn, không thiết ăn uống. Khách tới thăm, người cha có khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc trắng ra tiếp nhưng trầm ngâm.
Ông Hồng như chết lặng từ khi nghe tin con gặp nạn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Người thân cho hay gia đình ông Hồng làm nông nghiệp, có hoàn cảnh khá khó khăn. Ông có 4 người con, Phan Hồng Quân là con thứ hai. Sau khi học hết cấp 3, Quân đi tàu chở hàng để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Sau đó, Quân học thêm lên cao đẳng để có bằng thủy thủ. Cách đây khoảng 1 năm, gia đình đã phải vay mượn 100 triệu cho Quân đi lao động trên tàu chở hàng Guo Xing 1 của Trung Quốc.
Quân sau đó nhận được mức lương hơn 20 triệu mỗi tháng và gửi về cho gia đình.
Bà Trần Thị Phượng (60 tuổi) cho biết quá trình làm việc xa nhà, con trai thường xuyên điện thoại qua Facebook để trò chuyện với người thân trong gia đình.
Như thường lệ, 20h30 ngày 29/2, Quân điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, anh em trong gia đình và cho hay công việc vẫn ổn.
Người thân, bà con lối xóm ngóng chờ tin tức về Quân. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Nhưng chỉ hơn 2 tiếng sau, tàu Guo Xing 1 đâm va vào một tàu cá của Nhật Bản và bị chìm. Quân cùng 13 người trên tàu mất tích.
Chiều một ngày sau, gia đình mới nhận được tin dữ từ cơ quan chức năng báo về. “Chúng tôi nghe tin như sét đánh ngang tai...”, bà Phượng kể.
Ông Phạm Đình Ngọc (55 tuổi, chú ruột Quân) chia sẻ gia đình giờ chỉ hy vọng Quân tai qua nạn khỏi và bình an trở về.
"Mong cơ quan chức năng có động thái tích cực tìm kiếm cháu và những người cùng gặp nạn", ông nói.
Tại thôn Xuân Quang, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, gia đình ông Nguyễn Văn Thau cũng đang đứng ngồi không yên khi có con trai Nguyễn Văn Trưởng (28 tuổi) cũng đi trên tàu Guo Xing 1 và bị mất tích sau tai nạn.
Mấy ngày nay, ông Thau ngồi bần thần trong nhà. Mỗi khi có chương trình thời sự, người cha liền chăm chăm vào màn hình để nghe ngóng tin tức liên quan đến con trai mình.
Nguyễn Văn Khởi (25 tuổi, em trai thuyền viên Trưởng) cho biết gia đình có 4 chị em. Mẹ mất sớm, 2 chị lớn đã lập gia đình, còn Khởi và anh trai ở cùng bố.
Đợt này, anh Trưởng mới đi tàu hàng được chưa đầy 8 tháng. Trước hôm gặp nạn, nam thủy thủ vẫn thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của mọi người. Từ hôm hay tin, ngày nào người thân, bà con lối xóm cũng túc trực ở gia đình ông Thau ngóng tin.
"Dù biết cơ hội sống sót rất mong manh nhưng ai cũng hy vọng sẽ có một phép màu để anh trai em bình an trở về", Khởi nói.
5 thủy thủ Việt Nam mất tích
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xác nhận vào lúc 22h35 ngày 29/2, tàu chở hàng Guo Xing 1 bị chìm sau khi đâm va vào một tàu cá ở ngoài khơi tỉnh Aomori, thuộc vùng biển đông bắc Nhật Bản.
Tàu Guo Xing 1 đang trên đường đưa 3.150 tấn sắt vụn từ thành phố Hachinohe, tỉnh Aomori, Nhật Bản đến Hàn Quốc.
Tàu chở hàng Guo Xing 1. Ảnh: Fleetmon. |
Thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có Guo Xing 1 có 14 thủy thủ, trong đó có 6 người mang quốc tịch Việt Nam, 7 người Trung Quốc và 1 người Philippines. Trong số này, chỉ có một thủy thủ Việt Nam, tên là Nguyễn Văn Hải (34 tuổi, quê Hải Phòng) được một tàu khác đang hoạt động gần khu vực xảy ra tai nạn cứu thoát.
5 thủy thủ Việt Nam khác trên tàu hàng này vẫn đang mất tích. Họ gồm: Phan Hồng Quân (29 tuổi), Nguyễn Việt Khánh (30 tuổi), Nguyễn Văn Trưởng (28 tuổi, cùng quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Thảo (30 tuổi, quê Nghệ An) và Hồ Quang Thọ (40 tuổi, quê Bình Định).