Trận động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 đã khiến hơn 45.000 người thiệt mạng tính đến ngày 17/2 và con số chưa dừng lại. Lúc này, câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho thảm họa đang đè nặng lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự thất vọng và giận dữ phần lớn tập trung vào quá trình cứu hộ và viện trợ chậm trễ. Song sự tức giận ngày càng tăng cao khi người dân và các chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi về việc thực thi tiêu chuẩn an toàn xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi các tòa nhà mới xây lại dễ đổ sập sau trận động đất.
Theo Washington Post, dù không thể ngăn chặn động đất, Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra có thể tránh được phần lớn sự tàn phá nếu làm tốt công tác dự phòng. Tại Mexico, Nhật Bản và California, chính quyền đã giảm thiểu đáng kể tác động của động đất bằng cách xác định mối nguy hiểm, xây dựng công trình an toàn và giáo dục về an toàn động đất.
Trong khi đó, suốt nhiều thập niên, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bỏ qua các hoạt động quản lý thiên tai, quy hoạch đô thị, xây dựng, phân tích nguy cơ và quản lý thảm họa.
Hiện tượng sập “pancake”
Theo ông Ziggy Lubkowski - giáo sư thỉnh giảng về lĩnh vực địa kỹ thuật và kỹ thuật chống động đất tại Đại học College London (Anh), thông thường các kỹ sư sẽ thiết kế những tòa nhà có vật liệu mang tính đàn hồi và hấp thụ năng lượng từ trận động đất thông qua các vết nứt của dầm hoặc chuyển động trong các bộ cách ly địa chấn.
“Mỗi quốc gia có quy chuẩn xây dựng khác nhau. Các quy định trong bộ quy chuẩn phụ thuộc vào vị trí tòa nhà, điều kiện mặt bằng và cách sử dụng tòa nhà. Tất cả khía cạnh này cần được xem xét trong quá trình thiết kế, xây dựng và bảo trì”, ông chia sẻ với Zing.
Ông Ziggy Lubkowski có hơn 30 năm kinh nghiệm về kỹ thuật dân dụng, địa kỹ thuật và kỹ thuật chống động đất. Ông từng tham gia vào các nhiệm vụ thực địa sau động đất ở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Chile. Ngoài ra, hiện ông cũng là giáo sư thỉnh giảng về lĩnh vực này tại Đại học College London (Anh). Ảnh: UCL. |
Trong bài viết trên Science Media Center, ông Lubkowski cho hay quy chuẩn xây dựng liên quan tới động đất lần đầu xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng năm 1975. Sau trận động đất Kocaeli năm 1999, bộ quy chuẩn này thay đổi. Các quy chuẩn hiện tại được cập nhật thường xuyên và nhất quán với các bộ quy chuẩn hiệu quả nhất từ châu Âu, Nhật Bản hoặc Mỹ.
“Các phương pháp thiết kế có thể là cách tốt nhất để chống chọi với động đất, nhưng điều cần lưu ý là phải có phương pháp xây dựng phù hợp, kết hợp với công tác giám sát đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn”, ông Lubkowski viết.
Giải thích con số thương vong lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, một số chuyên gia kỹ thuật địa chấn Nhật Bản chỉ ra nguyên nhân chính nằm ở hiện tượng sập “pancake”, theo NHK.
Ông Kusunoki Koichi - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất của Đại học Tokyo - cho biết trận động đất hôm 6/2 khiến nhiều tòa nhà thấp và trung tầng sụp đổ ngay lập tức do các cột trụ bị lung lay.
Chuyên gia Nhật nói hiện tượng sập "pancake" là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ sập thẳng xuống sau động đất. Ảnh: Reuters. |
Đầu tiên, những đợt rung lắc dữ dội khiến các cột trụ của tòa nhà nhiều tầng bị gãy, dẫn đến việc từng tầng bị sập chồng lên nhau giống như bánh pancake. Khi hiện tượng này xảy ra, những người bên trong không có thời gian thoát ra ngoài, vị chuyên gia cho biết.
"Đây là hiện tượng rất nguy hiểm được gọi là sập ‘pancake’, trong đó toàn bộ tòa nhà tự sập thẳng xuống”, ông lý giải.
Đồng nhận định, ông Lubkowski cho hay hiện tượng sập “pancake” xảy ra khi các cột bị nứt, gãy giòn và không thể chịu tải trọng của công trình.
“Do đó, chúng ta nên đặt mục tiêu thiết kế tòa nhà có dầm yếu và cột khỏe. Dầm có thể bị hư hại nhưng đảm bảo tòa nhà còn nguyên vẹn”, giáo sư Đại học College London lưu ý.
Sau thảm họa này, ông Lubkowski cho hay các chuyên gia có trình độ sẽ điều tra chuyên sâu về trận động đất để đánh giá hoạt động của tất cả tòa nhà và cơ sở hạ tầng.
Vị chuyên gia dẫn chứng các nhóm như EEFIT có trụ sở tại Vương quốc Anh có thể điều tra thiệt hại do động đất và chuyển kết luận đến các bên liên quan khác.
Bài học từ những sai sót
Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu nhiều trận động đất mạnh trong thế kỷ qua. Trận động đất 7,8 độ tấn công Erzincan - thành phố ở phía đông Anatolia - vào năm 1939 và cướp đi sinh mạng khoảng 33.000 người.
Sau thảm kịch này, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thực hiện một số luật và quy định về quản lý thảm họa trong năm 1959 và 1988. Những quy định này chủ yếu tập trung vào quản lý khủng hoảng và không có nhiều hiệu quả giảm thiểu rủi ro.
Đến năm 1999, trận động đất ở Golcuk (tỉnh Kocaeli) mạnh 7,4 độ khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng. Theo Washington Post, luật xây dựng lỏng lẻo cùng công trình kém chất lượng khiến con số tử vong tăng cao. Hàng nghìn vụ kiện đã được đệ trình chống lại hàng loạt nhà thầu.
Trận động đất năm 1999 dường như là bước ngoặt trong quản lý thiên tai và giám sát xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ liên minh do ông Bulent Ecevit từ đảng Dân chủ cánh tả (DSP) lãnh đạo đã cải tổ tổ chức nhân đạo Trăng lưỡi liềm đỏ (Kizilay). Chính phủ áp dụng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu cho những tổ chức tương tự và đánh thuế động đất chi trả cho hoạt động phát triển dịch vụ khẩn cấp.
Dẫu vậy, những chỉ trích liên quan tới trận động đất, theo sau là suy thoái kinh tế, khiến chính phủ của ông Ecevit thất bại trong cuộc bầu cử năm 2002. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền kể từ đó.
AKP tiếp tục giải quyết những thiếu sót trong quản lý thảm họa sau trận động đất Golcuk và một trận khác cùng năm. Năm 2004, nước này thành lập Đội Cứu hộ Y tế Quốc gia (UMKE) nhằm tăng cường nỗ lực cứu hộ và giảm thương vong, cũng như củng cố sức chống chịu thiên tai.
Vào năm 2009, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) được thành lập với mục tiêu ưu tiên thiên về giảm thiểu rủi ro hơn là quản lý khủng hoảng.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng nỗ lực giải quyết vấn đề xây dựng kém chất lượng, thông qua luật an toàn xây dựng mới vào năm 2007, và sau đó là luật bổ sung vào năm 2018.
Người phụ nữ được giải cứu khỏi đống đổ nát hôm 14/2 ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các biện pháp này bỏ qua gốc rễ của vấn đề - đó là thiếu sót trong quy hoạch cơ sở hạ tầng và đô thị. Trong nửa sau của thế kỷ XX, dòng người di cư từ vùng nông thôn lên thành phố dẫn đến lượng lớn người sống trong gecekondus (dạng nhà ổ chuột) ở ngoại vi đô thị. Những ngôi nhà này không có khả năng chống chọi với động đất.
Trong các thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố ven biển Izmir có lượng gecekondus cao nhất cả nước. Các chuyên gia cảnh báo nếu không có thay đổi lớn, thành phố có thể đối mặt với thảm họa trong trường hợp có động đất lớn. Trước đó, một trận động đất mạnh trung bình cũng đủ để cướp đi sinh mạng của 119 người vào năm 2020.
Tới tận năm 2019 - tròn 2 thập niên sau trận động đất Golcuk, chính phủ thông báo kế hoạch di dời 1,5 triệu ngôi nhà dễ bị tổn thương do động đất trong vòng 5 năm. Động thái này được đánh giá là chậm trễ.
Không chỉ vậy, thay vì ưu tiên quá trình chuyển đổi này, giai đoạn đầu trong sáng kiến chuyển đổi đô thị của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung mở các khu đất trống nhằm xây dựng và phá bỏ các tòa nhà, thay thế bằng tòa cao hơn.
Hơn nữa, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng đủ các quy định an toàn dành riêng cho tòa nhà cao tầng mới. Họ cũng định kỳ tổ chức "ân xá xây dựng" kể từ những năm 1960, trong đó công ty xây dựng và chủ sở hữu tòa nhà thiếu chứng nhận an toàn được miễn trừ trả phí phạt.
Tất cả điều trên phần nào dẫn đến hậu quả thảm khốc hiện nay. Các biện pháp quản lý thiên tai thực hiện từ năm 1999 cũng là chưa đủ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 36 giờ để huy động 3.000 quân nhân tham gia cứu trợ, trong khi năm 1999 chỉ cần 90 phút.
Sau những đau đớn và mất mát này, Washington Post cho rằng điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ cần học hỏi từ những sai sót, tập trung vào áp dụng quy hoạch đô thị, chính sách xây dựng và thực tiễn quản lý thảm họa.
Điều này đặc biệt cấp thiết khi các chuyên gia dự báo Istanbul - thành phố có hơn 15 triệu dân - khả năng cao đối mặt với động đất trên 7 độ vào năm 2030.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.