Người dân đi mua sắm ở khu phố SoHo của Manhattan vào ngày 11/1. Ảnh: New York Times. |
Ở New York, một bí ẩn đã gây chú ý thành phố này: Tuyết ở đâu?
Wall Street Journal dẫn lời các nhà khí tượng học cho biết tuyết đã không rơi trên khắp thành phố New York trong 326 ngày, làm tan biến những giấc mơ về một Giáng sinh phủ đầy tuyết trắng.
Hình ảnh mùa đông lý tưởng ở New York đã gợi lên cảnh Quảng trường Thời đại và Công viên Trung tâm của Manhattan được phủ đầy tuyết. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã không xuất hiện vào năm nay, theo AFP.
Ngày 29/1 không có tuyết đồng nghĩa với việc thành phố này đã phá kỷ lục 50 năm về trận tuyết rơi đầu tiên muộn nhất trong mùa đông. Đã 50 năm kể từ khi thành phố chờ đợi trận tuyết rơi đầu tiên trong mùa dài như vậy, New York Times cho biết. Nó cũng gần đạt kỷ lục về chuỗi ngày liên tiếp dài nhất mà tuyết không rơi ở mức độ có thể đo lường được.
Mối quan hệ yêu - ghét với tuyết
Chuỗi ngày không có tuyết này đã khiến người dân New York bối rối, với việc một số đặt câu hỏi về mối quan hệ yêu - ghét của họ với với tuyết.
“Thật sự rất buồn. Về cơ bản, chúng tôi không thích nhìn thấy tuyết. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang rất nhớ nó”, Anne Hansen, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho biết.
Thay vì chứng kiến tuyết vào mùa đông năm nay, thành phố này lại có rất nhiều mưa, buộc người dân phải thay thế giày đi trên tuyết bằng ô. Ở New York, đợt tuyết đầu mùa thường xuất hiện vào khoảng giữa tháng 12. Mùa trước, nó đến vào đêm Giáng sinh.
Lần cuối cùng thành phố New York chứng kiến một mùa đông không có tuyết trong thời gian dài như vậy là vào năm 1973. Ảnh: New York Times. |
Trẻ em thường được nghỉ học, và nhiều nhân viên văn phòng thường được nghỉ làm khi tuyết rơi dày. Trẻ em sẽ lấy xe trượt tuyết của chúng và đi đến dốc cỏ gần nhất, trong khi người lớn sẽ trượt tuyết quanh các công viên chính.
“Bạn ở nhà và uống cacao nóng. Tuyết rất đẹp và lũ chó rất thích nó”, nhà làm phim Renata Romain nói.
Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng khi tuyết chuyển sang màu nâu vàng, rác chất đống trên vỉa hè và việc đi lại trở nên nguy hiểm.
“Tuyết nhìn thì đẹp vào ngày đầu tiên, nhưng sau đó thì trở nên bẩn và tôi không thích”, cô Romain nói thêm.
Các nhà khí tượng học định nghĩa tuyết rơi ở thành phố New York là tuyết có độ dày ít nhất 2,5 mm ở Công viên Trung tâm. Tuyết đã lác đác rơi hôm 25/1, nhưng không đủ để đo lường.
"Hạn hán tuyết"
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết thời gian lâu nhất mà cư dân phải đợi để chứng kiến tuyết có thể đo được là đến ngày 29/1, một kỷ lục được thiết lập vào năm 1973. Ngày 29/1 không có tuyết cũng đồng nghĩa với thời gian chờ đợi lâu nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1869.
New York cũng đang tiến gần đến chuỗi ngày liên tiếp không có tuyết dài nhất. Kỷ lục hiện tại là 332, kết thúc vào ngày 15/12/2020. Tính đến 29/1, AFP cho biết đó đã là ngày thứ 326 không có tuyết rơi.
Accuweather đã gọi thời kỳ này là “hạn hán tuyết”. “Điều này rất bất thường”, nhà khí tượng học Nelson Vaz của NWS nhận định.
Tuyết dày tới một mét đã đổ xuống Buffalo, bang New York, gần biên giới Canada, hồi tháng 12/2022, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng. Tuy nhiên, thành phố New York và các khu vực ven biển Đại Tây Dương lân cận lại chứng kiến lượng mưa với nhiệt độ ôn hòa.
Người dân New York mâu thuẫn về việc tuyết không rơi. Họ không muốn vấp phải những rắc rối khi dọn tuyết, nhưng lại nhớ những cơ hội giải trí mà tuyết tạo ra. Ảnh: New York Times. |
“Nếu đó là điềm báo về biến đổi khí hậu, thì đó không phải là điều đáng mừng”, Rachel Reuben nói vào một ngày thứ bảy dịu mát bất thường khi cô dắt chó đi dạo ở Công viên Trung tâm.
Cô cho biết nhiều người New York đã nói rằng mặc dù có những niềm vui nhỏ nhoi khi không phải xúc tuyết hay đi bộ qua những con đường phủ đầy tuyết, thời tiết ấm áp này có vẻ kỳ lạ, New York Times đưa tin.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến mùa đông ấm hơn và ngắn hơn. “Thật là bối rối”, cô Hansen nói về những ngày dịu mát gần đây có vẻ giống mùa thu hơn.
New York chưa bao giờ trải qua một mùa lạnh mà không có tuyết. Khi tháng 2 thường là tháng có tuyết rơi nhiều nhất, tuyết có thể sớm bao trùm thành phố này.
“Đó là điều làm nên New York, phải không?”, bà Romain đặt câu hỏi.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.