Theo đúng thủ tục, các câu hỏi được đặt ra tại các phiên điều trần công khai phải theo mức độ thâm niên, vì vậy, do là thành viên mới nhất của ủy ban, tôi là người cuối cùng đặt câu hỏi cho Pompeo.
Trong suốt các phiên điều trần, tôi nghe các đồng nghiệp hỏi Pompeo nhiều câu hỏi, liên quan đến các vấn đề thông thường, từ chia sẻ và thu thập thông tin tình báo đến ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ và nước ngoài.
Cuối cùng khi đến lượt tôi, tôi tập trung vào một chủ đề mà dường như khiến Pompeo và những người khác trong ủy ban đều ngạc nhiên. Tôi muốn biết việc ông ấy công khai bác bỏ bản chất khoa học về biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của ông ấy ở cấp cao nhất trong bộ máy tình báo của Mỹ.
Các chuyên gia cánh hữu từ Fox đến Quỹ Di sản thích thú gọi những câu hỏi của tôi là “ngu ngốc”, “lố bịch” và “không có cơ sở”. Rõ ràng là họ cảm thấy mối quan tâm của tôi không liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng họ đã nhầm. Đây là về tính khách quan trong phân tích chứ không phải chính trị hóa thông tin tình báo.
Bà Kamala Harris. Nguồn: Cleveland. |
CIA đã đưa ra một bản đánh giá công khai về mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Những tuyên bố trước đây của Pompeo hoàn toàn không đếm xỉa gì đến bản đánh giá của CIA.
Ông ấy sẽ cung cấp thông tin cho tổng thống bằng cách nào? Liệu ông ấy có xem trọng quan điểm cá nhân của mình hơn những phát hiện của các chuyên gia CIA khi nói đến biến đổi khí hậu không - và, nếu có, vậy thì những mối đe dọa thảm khốc khác đối với quốc gia của chúng ta thì sao?
Biến đổi khí hậu có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Một số người đơn thuần xem đó là một vấn đề về môi trường. Họ chỉ ra sự phá hủy môi trường sống, các tảng băng tan và hàng loạt giống loài sẽ tuyệt chủng vào thời gian tới. Những người khác coi đó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi thế giới phải có không khí sạch và nước sạch.
Ngoài ra, họ còn nhìn nhận biến đổi khí hậu trên khía cạnh kinh tế: hỏi thăm nông dân về mức độ phức tạp của công việc mà họ làm, rằng họ chú ý đến các kiểu thời tiết một cách chính xác và đều đặn ra sao, rằng một vụ thu hoạch thành công và một vụ mùa thất bại có khác biệt nhỏ như nào. Và bạn sẽ hiểu rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự thay đổi khó lường của khí hậu là điều không thể ngó lơ.
Nhưng khi bạn trò chuyện với các tướng lĩnh, các thành viên cấp cao của cộng đồng tình báo hay chuyên gia về các cuộc xung đột quốc tế, bạn sẽ thấy họ coi biến đổi khí hậu như một mối đe dọa an ninh quốc gia - một “mối đe dọa nhân đôi” làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị, tạo điều kiện để kích động bạo lực, tuyệt vọng, thậm chí là khủng bố. Khí hậu thất thường, không ổn định sẽ tạo ra một thế giới thất thường, không ổn định.
Ví dụ, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến hạn hán. Hạn hán sẽ gây ra nạn đói. Nạn đói sẽ khiến những người đói khổ phải bỏ nhà đi để kiếm sống. Dòng người di dời ồ ạt sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng tị nạn. Các cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ gây ra căng thẳng và bất ổn xuyên biên giới.
Biến đổi khí hậu cũng gia tăng nguy cơ những đại dịch toàn cầu chết người sẽ ảnh hưởng đến Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh báo cáo rằng, từ năm 2006 đến năm 2016, số người Mỹ bị nhiễm các bệnh như West Nile, Zika và Lyme đã tăng hơn gấp ba lần.
Khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao, dịch bệnh càng phát triển mạnh mẽ ở các vùng của Mỹ, nơi mà trước đây dịch bệnh không thể tồn tại. Trên thực tế, CDC đã xác định được chín loại nhiễm trùng chưa từng xuất hiện trước đây ở Mỹ.
Sự thật cay đắng ở đây là biến đổi khí hậu sẽ gây ra sự bất ổn và tuyệt vọng khủng khiếp. Điều đó sẽ khiến an ninh quốc gia của Mỹ gặp nguy hiểm. Đây là lý do tại sao cựu giám đốc CIA John Brennan từng nói rằng, khi các nhà phân tích của CIA tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa hơn khiến những bất ổn trên thế giới gia tăng, một trong những nguyên nhân mà họ chỉ ra là biến đổi khí hậu.
Đây là lý do trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, biến đổi khí hậu được xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia có mức độ ưu tiên cao nhất.
Đây là lý do Lầu Năm Góc đi tiên phong trong việc gia tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các chiến lược bảo vệ hàng chục căn cứ quân sự sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Đây cũng là lý do tôi không ngần ngại đặt câu hỏi cho người sẽ trở thành giám đốc CIA về cách thức và để xem liệu biến đổi khí hậu có phải một yếu tố nằm trong chiến lược bảo vệ người dân Mỹ của ông ấy hay không.
Đây không phải những thứ nằm trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay lấy bối cảnh trong tương lai xa. Khủng hoảng do khí hậu đang gia tăng.
Chẳng hạn, vào cuối năm 2017, trữ lượng nước ở Cape Town, Nam Phi quá ít nên thành phố hơn ba triệu dân và lớn thứ hai ở Nam Phi này có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Cư dân ở đây bắt đầu tắm bằng xô để sử dụng lại phần nước đó cho máy giặt. Nông dân đã phải bỏ khoảng một phần tư số cây trồng.
Đây là vấn đề mà chúng ta cũng sẽ phải đối mặt ở quê nhà và là vấn đề an ninh quốc gia mà chúng ta phải chuẩn bị đối phó. Chúng ta cần xây dựng một chiến lược an ninh nguồn nước đa dạng để đảm bảo nguồn cung cấp nước bền vững và ổn định.