Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện về võ sĩ quyền anh Việt Nam đầu tiên dự Á vận hội

Thể thao không chỉ là câu chuyện giữa thắng và thua. Mỗi trận đấu lớn đều được ấp ủ bằng tình yêu cùng lòng tự hào dân tộc. Để có được vinh quang, nhiều mồ hôi và máu đã đổ xuống.

Nhà văn Ma Văn Kháng được xem là một hiện tượng của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX. Vào đầu những năm 1970, ông tạo được tiếng vang trên văn đàn với những truyện ngắn ấn tượng về cuộc sống của người dân vùng cao Tây Bắc. Miền sơn cước hoang sơ ấy, đặc biệt là mảnh đất Lào Cai, đã hiện lên trong trang viết của Ma Văn Kháng một cách thật giản dị, mà thấm đẫm tình người.

Mang bút danh gợi nhớ đến những người con sinh ra từ núi, nhưng nhà văn lại sinh trưởng ở Hà Nội. Sau Tây Bắc, thủ đô là mảnh đất thứ hai gợi cho ông nhiều cảm hứng sáng tác. Nhắc đến Hà Nội trong văn Ma Văn Kháng người ta nhớ ngay đến Mùa lá rụng trong vườn, lấy bối cảnh thời mở cửa cuối những năm 80, đầu những năm 90. Nhưng những câu chuyện về Hà Nội của nhà văn ông vẫn chưa dừng lại ở đó.

Võ sĩ lên đài là một tiểu thuyết khác viết về Hà Nội của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác phẩm đưa chúng ta đến không gian mang đậm chất hoài cổ của đất kinh kì những năm 1950.

Khi ấy, quyền anh đang là môn thể thao được ưa chuộng. Không chỉ dừng lại ở những trận so găng nghẹt thở, trong những trang sách nhỏ còn chứa đựng tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc lớn lao của một võ sĩ.

Dù là ai cũng phải ngẩng cao đầu

Võ sĩ lên đài là câu chuyện về chàng võ sĩ trẻ tuổi Phạm Xuân Nhân. Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống về quyền anh, với người cha từng là một tay đấm bốc khá cừ. Từ nhỏ, cậu bé Nhân đã bộc lộ niềm đam mê với thể thao. Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến, mái nhà nhỏ của Nhân tan tác. Mẹ mất, bị lạc khỏi bố và em trai, phải mất mấy năm trời Nhân mới được đoàn tụ với gia đình.

Trở về Hà Nội, cậu thiếu niên ấy chỉ mong được yên ổn học hành. Nhưng thái độ của đám con cái các quan Tây làm Nhân cảm thấy không thể ngồi yên. Đây là đất của người Việt, nước của người Việt, nhưng chúng ta không có quyền phản kháng trước người Tây. Chỉ khi đứng trên võ đài, Nhân và những người bạn mới có thể khẳng khái thách đấu với những con người da trắng, mắt xanh đang giày xéo lên quê hương mình. Đó là lý do lớn nhất để Nhân học đấm bốc.

Vo si len dai anh 1
Tiểu thuyết Võ sĩ lên đài của nhà văn Ma Văn Kháng. 

Thành công nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Đam mê và những tố chất thiên bẩm chưa đủ để thành công, đặc biệt là với thể thao. Khi quyết định trở thành một võ sĩ quyền anh để rửa mối nhục bị áp bức, Nhân biết mình phải cố gắng rất nhiều. Những buổi tập cường độ cao như rút hết sức lực của chàng trai trẻ. Trên người Nhân lúc nào cũng đầy vết bầm tím.

Thế nhưng, chàng thanh niên ấy vẫn kiên cường luyện tập. Tập phản xạ, luyện sự dẻo dai, tập sức bền… Vừa đấm bao cát, Nhân vừa cắn miếng săm ôtô để luyện cho quai hàm thật cứng. Ở đời, dục tốc thì bất đạt, luyện tập bền bỉ mới mong giành được thành quả dài lâu. Thể thao và sàn tập đã dạy cho những chàng thiếu niên nhiều đạo lý làm người.

Được sự dạy bảo tận tình của võ sư nổi tiếng Vĩnh Nguyên cùng với chí thép, tinh thần thượng võ và yêu nước, Nhân tiến bộ từng ngày. Cậu đã đánh bại nhiều võ sĩ có tiếng. Trong đó có cả những tay đấm người Pháp có vóc dáng to cao cùng thể lực sung mãn.

Chỉ vài tháng sau khi nước nhà giành độc lập, chàng thanh niên ấy trở thành vận động viên quyền anh đầu tiên của Việt Nam tham dự Á vận hội được tổ chức tại Philippines. Chiến đấu bằng tình yêu nước và chiến thắng để giành vinh quang cho dân tộc. Nhân đã sống những ngày tháng thật huy hoàng của tuổi trẻ.

Quyền anh và câu chuyện của một thời

Vào những năm 20 của thế kỉ trước, người Pháp đã mang quyền anh đến mảnh đất thuộc địa xa xôi. Khi ấy, đây là môn thể thao quý tộc, chủ yếu dành cho con cái tướng lĩnh và quan lại người Pháp luyện tập và thưởng thức.

Nhiều võ sĩ nước ngoài đã tới Việt Nam thi đấu với mục đích trình diễn cho người Pháp thưởng thức. Các trận đấu quyền anh được tổ chức trong nhà hát, long trọng chẳng kém những buổi biểu diễn thính phòng.

Vo si len dai anh 2
Giờ đây, quyền anh vẫn là môn thể thao được nhiều bạn trẻ yêu thích. 

Dần dần người Việt cũng bắt đầu luyện tập và xem thi đấu quyền anh. Nó được coi là một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe và tự vệ. Đến cuối những năm 1930, đã có nhiều võ sĩ quyền anh nghiệp dư người Việt ở Hà Nội đứng lên võ đài thi đấu. Trong lòng nhiều người dân Hà thành lúc bấy giờ, đã có một tình yêu dành cho quyền anh. Người ta nô nức rủ nhau đi xem thi đấu, rồi xôn xao bình luận.

Tiểu thuyết Võ sĩ lên đài của nhà văn Ma Văn Kháng phần nào đã tái hiện được bầu không khí hồ hởi, vui tươi ấy. Nhà văn tâm sự rằng: sau nhiều năm rời xa Hà Nội để lên Tây Bắc dạy học, niềm thương mến với mảnh đất quê hương đã thôi thúc ông viết một điều gì đó thật mới mẻ và khác biệt.

Cuộc gặp gỡ với võ sĩ quyền anh nổi tiếng Phạm Xuân Nhàn, người đã từng vô địch quốc gia và là vận động viên Việt Nam tham dự Á vận hội năm 1954 tại Manila, Philippines đã thôi thúc nhà văn Ma Văn Kháng viết tiểu thuyết này.

Đọc Võ sĩ lên đài, độc giả còn có cơ hội ghé thăm một Hà Nội cổ kính. Ở đó, có những cái tên đã lùi vào dĩ vãng như: nhà thương Đồn Thủy, phố Găm-bét-ta, vườn hoa Canh Nông hay đường Cổ Ngư… Thời nào cũng vậy, ở mảnh đất văn hiến nghìn năm tuổi luôn không thiếu những con người tài hoa.



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm