Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện về những nốt lặng trong bản nhạc ‘Tuổi trẻ'

Bạn có nhớ lần gần đây nhất bản thân cảm thấy buồn bã, cô độc và tuyệt vọng là khi nào không?

Hãy thử nhớ lại. Khi đó cuộc sống của bạn tồi tệ lắm, có phải không? Bạn đã từng có suy nghĩ tiêu cực, đã từng muốn được chết đi chốc lát hay chưa?

Và giờ thì, hãy nhìn về bản thân ở thời điểm hiện tại. Mọi khủng hoảng hay đau buồn ấy đều đã qua cả rồi đúng không?

Tất cả những cô độc, bất an, khổ đau hay tuyệt vọng - dẫu cho chúng từng to tát, ghê gớm và khủng khiếp đến mấy, dẫu cho chúng ta đã vật vã chống chọi đến thế nào, thì rồi, cũng sẽ đến lúc trôi qua.

Đó là thông điệp mà cuốn sách Càng trường thành, càng cô đơn muốn gửi gắm tới các bạn trẻ đang dò dẫm bước đi từng bước một dưới khúc đường mang tên “Thanh xuân” - khúc đường hầm xe lửa tối tăm khiến người ta vừa hổn hển vừa muốn phóng đi như điên dại.

Càng trưởng thành, càng cô đơn là tập hợp những lát cắt nhỏ đa hình về nỗi buồn trong cuộc sống người trẻ hiện nay: là một ngày cả thế giới chẳng có lấy một ai hiểu mình, khi bỗng dưng bị người tình bỏ rơi rồi ngay cả người bạn thân nhất cũng bỏ rơi.

Rồi khi thất bại hết lần này đến lần khác, khi mơ quá lâu để rồi ngã đau điếng, tự dìm mình trong những giấc ngủ dài triền miên không tìm thấy lối thoát, loay hoay với sự mâu thuẫn trong bản ngã của chính mình, để đến khi đã đi qua hết những tan vỡ chia ly mới vỡ lẽ ra bản chất tàn nhẫn của thời gian…

Thế hệ này, ai cũng có lúc cảm thấy lạc lõng và cho rằng dường như cả thế giới chẳng có lấy một người hiểu mình:

“Nói cho tôi nghe, tại sao trưởng thành lại cô đơn và bất lực đến thế? Cả cậu và tôi, chúng ta đều tự tay nhốt mình vào khoảng không gian lặng thinh được bao bọc bởi lớp kính kín mít, rắn chắc này. Ừ, rõ ràng là chúng ta tự mình chui vào trong hộp kính rồi chốt cửa lại, vậy hà cớ gì tôi và cậu lại thấy ấm ức, tủi thân và lạc lõng nhường ấy? Đã chọn cách sống trong lớp kính cách âm kiên cố tới vậy, sao còn cố hét lớn, đòi hỏi những người bên ngoài phải nghe thấy lời mình muốn nói? Chúng ta là những đứa trẻ thật vô lý, phải không?”

Xuyên suốt cuốn sách là sự cô đơn, những nỗi ám ảnh khi người trẻ tự nhủ mình không còn có thể tin tưởng vào một người nào xung quanh.  Là cảm giác loay hoay, không lối thoát trong chính thế giới quan của riêng mình.

Ra sức phủ nhận nỗi buồn, gồng mình tỏ ra mạnh mẽ và “chẳng cần ai cả”, cố tỏ ra mình hiểu rõ về quy luật cuộc sống hơn tất cả, tuy vậy, sâu thẳm bên trong họ vẫn luôn khao khát được thấu hiểu và yêu thương.

sach Cang truong thanh cang co don cua Vy Cam anh 1
Sách Càng trưởng thành, càng cô đơn của tác giả Vy Cầm.

Những năm trở lại đây, lớp người trẻ bị miêu tả là một “thế hệ sống ảo”, khi đa phần họ bị cuốn đi theo cơn bão công nghệ thời kì đất nước hội nhập mà “không kịp suy nghĩ”. Mạng xã hội có mặt tốt nhất định, nhưng cũng không thiếu những mặt trái…

“Hai mươi tuổi, tôi nghĩ mình gặp vấn đề với mạng xã hội. Tôi lập nên rất nhiều tài khoản cá nhân, với mỗi tài khoản ảo tôi lại là một-tôi-khác-hẳn. Cũng giống như việc tùy từng môi trường, chúng ta lại là một ai đó thật “khác”.

Này, thậm chí có nhiều khi tôi không còn biết đâu mới thật sự là mình nữa, thật đáng sợ. Mỗi lúc như thế, tôi thường chọn cách khóa lại tất cả mớ tài khoản mạng xã hội ảo đó một thời gian, tuy vậy, điều làm tôi sợ hãi nhất chính là tôi không tài nào trốn tránh được bất cứ điều gì. Phải, bất-cứ-điều-gì.”

Càng trưởng thành, càng cô đơn kể những câu chuyện khác nhau về người trẻ và vô số giấc mộng đã bị cuộc sống trưởng thành “quăng” cho một cái bạt tai như sấm nổ ì ùng.

Điều tác giả muốn gửi gắm sau mỗi câu chuyện, không phải là khiến cho độc giả trẻ thêm tuyệt vọng sau những buồn bã, mà là để nhận thức được rằng, trưởng thành không phải con đường rải hoa êm ái như nhiều người vẫn ôm mộng, thế nhưng, trưởng thành cũng không phải chỉ có bế tắc và tuyệt vọng. Dù có đau buồn đến mấy thì chúng ta vẫn còn cơ hội đứng dậy, chỉ là chúng ta có muốn nắm bắt hay không: “Còn trẻ, còn hy vọng!”

Để trưởng thành thực sự, chúng ta ai cũng phải chịu đựng nỗi buồn và sự cô đơn của tuổi trẻ. Cô đơn làm chúng ta mạnh mẽ, nỗi buồn khiến chúng ta trưởng thành.

Ừ thì dẫu cho, đó có thể là một sự trưởng thành gượng ép không hề mong muốn.  Và khi đã thấu được ý nghĩa của nỗi buồn, người ta có thể hiểu được rằng, để trưởng thành thực sự, hơn hết cần phải biết nâng niu và trân trọng những nỗi buồn tuổi trẻ, chứ không phải tìm cách trốn tránh, lấp liếm hay muốn xóa sạch chúng đi không vết tích.

 

Đi tìm phía sau ký ức

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, gặp được những người bạn cùng chia ngọt sẻ bùi, viết nên hồi ức đẹp để khi cô đơn nhất, lục lọi ký ức và bất chợt mỉm cười, đó mới là may mắn.


Trịnh Dung

Bạn có thể quan tâm