Cuốn sách Mẹ tôi kể về người phụ nữ trong các gia đình trí thức nổi tiếng. Sách do chính những người con viết về mẹ mình, nên chứa đựng những câu chuyện đầy chân thực mà lay động lòng người. Bức tượng đài huyền thoại mẹ như thước phim quay chậm để người đọc vừa cảm nhận, vừa hình dung về không khí thời đại và về những người mẹ Việt Nam.
Được sự đồng ý của NXB Phụ Nữ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
Dưới đây là câu chuyện về bà Tống Thị Trừng - vợ của danh họa Nguyễn Phan Chánh, do con gái họ là nhà văn Nguyệt Tú viết.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh (trái) và vợ - bà Tống Thị Trừng. |
Gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ 19 tuổi
Nhật ký của cha tôi còn ghi lại chuyến đò dọc sông Lam Giang về Thuận Hòa (nay là Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) gặp cố ngoại, ông ngoại để ăn hỏi mẹ tôi.
Theo gia phả, cụ tổ bên ngoại tôi là tướng võ giỏi đời vua Lê Lợi, có công đánh giặc Minh, được phong tướng quân. Bà ngoại mất từ năm mẹ tôi lên mười tuổi, ông ngoại nhà nho nghèo chỉ nuôi nổi hai cậu. Mẹ là con gái đầu về Hà Tĩnh ở với cụ cố ngoại. Có mấy nhà giàu dạm hỏi mẹ. Nhưng cố ngoại, ông ngoại đã gả mẹ tôi cho cha - một giáo viên nghèo nổi tiếng được học trò thương.
Cố chỉ nuôi mẹ chứ không đủ tiền cho đi học. Mãi đến lúc lấy cha tôi, mẹ mới học chữ quốc ngữ. Tôi nhớ mãi chuyện mẹ tôi tập viết bằng mấy câu thơ Kiều lúc cha tôi mới ra Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời".
Mẹ tôi không được đi học, không hiểu nhiều về đam mê hội họa của cha tôi nhưng vẫn động viên ông bỏ nghề giáo viên ở Huế để ra Hà Nội học vẽ. Suốt năm năm cha tôi học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mẹ tôi thay chồng nuôi mẹ, nuôi con.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã mang lại vinh quang cho hội họa Việt Nam trên thế giới. Ông được giới phương Tây đánh giá là một trong những người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam. Nhưng ít ai biết được cha tôi bắt đầu theo nghề hội họa ở tuổi ba mươi ba. Ông là người duy nhất ở Trung kỳ thi đỗ vào Cao đẳng Đông Dương khóa I. Khi ấy ông đã có vợ con nhưng vẫn bỏ nghề dạy học với thu nhập ổn định để đi học vẽ.
Toàn bộ gánh nặng gia đình đè nặng lên vai mẹ tôi khi bà mới mười chín tuổi. Cha hơn mẹ mười bốn tuổi. Lúc về nhà chồng, mẹ tôi mới mười sáu tuổi. Cha tôi rất hiếu thảo với mẹ già. Sống với bà nội, cha tránh những cử chỉ âu yếm mẹ trước mặt bà. Cha rất lo mẹ sơ ý làm bà không vừa lòng. Một lần, tôi thấy bà giận mẹ. Bà chẳng nói câu nào, cứ lấy hai nắm tay đấm vào ngực mình. Cha mẹ hoảng hốt. Cha lúng túng chạy ra chạy vào, giữ tay bà rồi mắng mẹ. Cha vội vàng thay mẹ xin lỗi bà. Chưa lúc nào tôi thấy cha buồn đến thế.
Mẹ bị mắng oan, ôm tôi vào lòng. Cả hai mẹ con đều khóc. Nước mắt mẹ rơi lã chã trên tóc tôi. Bà yêu tôi nhưng rất khó tính với con dâu. Mẹ cố chịu đựng, mẹ bảo tôi: "Mẹ rất thương bà vì mẹ biết bà đau khổ nhiều. Ông nội mất sớm, một mình bà “cắn cổ tơi, cổ nón” lên chợ trên, xuống chợ dưới nuôi cha và chú con ăn học". Mẹ lại dặn: "Đừng làm điều chi bà buồn".
Mẹ dặn tôi như vậy nhưng tôi biết mẹ rất buồn. Cha đưa gia đình về Hà Tĩnh rồi trở ra Hà Nội dạy tiếp đến hết năm. Để mẹ tôi thu xếp làm nhà, cha đều đặn gửi những tờ bạc giấy Đông Dương về. Một đồng bạc giấy vào mùa sưu thuế lên đến tám quan tiền kẽm, không phải bảy quan như những năm trước. Mỗi phiên chợ tỉnh, nhà bà nội tôi nhộn nhịp người đến đổi tiền. Nông dân ở vùng quê vác trên vai những quan tiền kẽm ra tỉnh đổi lấy bạc Đông Dương để nộp sưu thuế. Một đồng bạc giấy chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Thế mà đổi ra thành tiền kẽm được một vác nặng.
Bà nội nói: "Vất vả lúc này, nhưng đến lúc trả công thợ lại lợi. Mỗi đồng bạc dôi ra được một quan tiền".
Tôi rất thích ngồi xem mẹ đếm tiền kẽm. Tôi chẻ lạt giang xâu tiền giúp mẹ. Chẳng mấy chốc, những vác tiền kẽm chất đầy góc nhà. Có nhiều tiền là thích. Nhưng tiền cũng gây nhiều chuyện không vui trong gia đình. Mỗi lần dì, cậu tôi đến chơi, bà nội thường xét nét. Bà theo dõi xem có mất quan tiền nào không. Những lúc đó, tôi thương mẹ, giận bà. Dì và cậu đều nghèo. Cậu tôi làm thợ may ở phố dưới. Lần ra thăm chúng tôi ở Hà Nội, cậu mua được một chiếc máy khâu. Bà nội có lần nói: "Máy này mua bằng tiền của con tôi".
Cậu tôi nghe được, phẫn chí bán máy khâu. Cậu bỏ sang Lào may thuê một thời gian. Mẹ buồn lắm. Tôi cảm thấy thật bất công với mẹ. Tuy không nói ra nhưng trong lòng, tôi đứng về phía mẹ. Còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết tình yêu của cha đối với mẹ.
Có một điều tôi không ngờ đến. Hơn bốn chục năm sau, khi mẹ tôi đã mất, trong một buổi ra thăm cha ở nhà số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi thấy cha lúi húi giở một cuốn sổ nhỏ. Những trang giấy đã ố vàng. Hàng chữ ghi hầu như đã phai hết mực. Nhưng những nét vẽ còn nguyên hình một người con gái đang gánh hàng xén. Cô gái mặc chiếc váy lụa đen dài gần đến gót chân, thắt lưng duyên dáng, áo cánh trắng hở cổ yếm. Gương mặt cô gái bầu bầu, đôi mắt đen như đang nhìn tôi. Cha cười vui, bảo tôi: "Con biết ai đây không? Thầy vẽ mẹ con đó. Mà lại vẽ trộm!"
Cha cẩn thận giở từng tờ giấy, e ngại giấy rách. Ánh mắt thường ngày hay nhìn thẳng vào người đối diện, hôm nay lại có vẻ đăm chiêu. Người mải suy tư theo một ý tưởng hay đang trở về một hồi ức xa xăm? Tờ giấy này chồng lên tờ giấy khác. Những bức phác họa bao nhiêu lần cha ngắm và vẽ. Hình cô gái từ xa đi vào chợ. Hình cô gái bước chân lên thềm. Hình cô đang gánh hàng xén. Có hình cô đang ngồi sau gánh hàng: gương lược, kim chỉ, bấc đèn...
Bức tranh Cô hàng xén nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh vẽ chính người vợ tảo tần mà ông yêu thương. |
Cha kể lại, nhà bà tôi gần chợ. Hằng ngày đứng sau chiếc mành tre nhà bà, ông nhìn thấy một cô hàng xén đi qua. Cô gái rất xinh. Nước da trắng, chiếc mũi dọc dừa, mắt lá răm, dáng người thon thả của cô làm xiêu lòng cha. Cha rút sổ tay, phác họa trộm hình cô gái. Những hôm phiên chợ vắng bóng cô, cha thấy nhớ. Dò hỏi, cha tôi biết ông thân sinh của cô gái cũng là một thi sinh hay chữ. Mồ côi mẹ, cô gái sống với bà ngoại. Cha tôi xin bà tôi nhờ người mối mai.
Tôi biết cha rất yêu mẹ mới giữ được cuốn sổ nhỏ ấy. Sau bao lần tản cư trong hai cuộc kháng chiến, nhiều lần chuyển nhà, cuốn sổ vẫn không bị thất lạc. Hình ảnh mẹ tôi đã trở lại trong bức tranh nổi tiếng Cô hàng xén. Bức tranh này được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước vào những năm 60.
Các o, dì tôi kể lại: "Cha cháu đeo đuổi mãi mới lấy được mẹ cháu. Trai làng tức còn đặt vè: 'Khen cho con bướm dài râu/ Thấy vườn hoa rậm, bướm đâm đầu bướm vô".
"Con cố gắng lên! Mẹ tin các con học được"
Cha tôi cho rằng con gái không cần học nhiều. Sau khi cha tôi thôi dạy học trường Mỹ thuật Đông Dương và trường Bưởi ở Hà Nội, về quê vẽ tranh, kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi phải nghỉ học ở nhà trông em, và giúp mẹ. Một lần hai mẹ con xay lúa giã gạo khuya, mẹ bảo: “Con phải nghỉ học, mẹ thương con lắm. Các dì học ở Huế về nghỉ hè, mẹ gửi con lên các dì tập đan, tập thêu. Không học được chữ, con phải học lấy những cái đó”.
Dì Hồ Cầm đưa cho tôi mấy sợi chỉ màu với vuông vải trắng để thêu mùi xoa. Bên góc khăn, dì đã vẽ một bông hoa nho nhỏ. Dì Hải Đường giúp tôi dịch cuốn Sách hồng (Livres roses) bằng tiếng Pháp, cha mua. Các dì dạy tôi đan mũ, đan khăn. Tôi vừa học vừa ngắm các dì. Tôi mơ ước được vào Huế học trường nữ sinh Đồng Khánh như các dì.
Tôi không ngờ có ngày mình lại được tiếp tục đi học. Năm tôi mười một tuổi, em Quang, em trai kế tôi lên năm. Trước khi đi vẽ xa cha dặn mẹ: "Mình ở nhà nhớ lo xin học cho thằng Quang".
Bận suốt ngày lại không biết phải xin học ở đâu, mẹ bảo tôi: "Con dẫn em đi xem nơi nào có trường tư xin cho em con học".
Mẹ giấu cha xin cho tôi học lớp bên cạnh lớp em.
Vừa đi học tôi vừa phải giúp mẹ làm hàng xáo lo cuộc sống gia đình. Gà vừa gáy ran: “Cúc cục cù cu”, mẹ đã choàng dậy. Chít vội chiếc khăn vuông lên đầu, mẹ sang xã Văn Yên bên kia sông đong thóc về giã, bán gạo cho người trong xóm, người trên phố. Trước kia mẹ bán vải trong chợ nhưng cha bảo: "Mẹ các con nhẹ dạ, thương người, bán hết vải nhưng không thu được tiền".
Tôi thường dậy trước mẹ. Vừa học bài, tôi vừa đun ấm nước chè xanh, nấu nồi cơm gạo đỏ trộn khoai khô cho mẹ ăn vội. Thức ăn có rau nhút với nồi cá nục kho khế.
Vì tôi nghỉ học một năm nên cha phải làm giấy bớt tuổi cho tôi để được vào lớp nhất. Tháng đầu tiên tôi học khá vất vả, mẹ nhắc nhở tôi: "Con cố gắng lên. Mẹ tin con sẽ học được".
Mẹ nói đúng. Vài tháng sau tôi đuổi kịp các bạn rồi dần dần vượt lên. Hôm thi tiểu học tôi rất hồi hộp, mẹ tôi cũng vậy. Nhà có quả mít chín mẹ nhất định không cho ăn ngay. Mẹ nói phải thi xong đã. Mấy hôm sau chú tôi ở phố Hoàn Thị chạy xuống bảo: "Tuệ đỗ rồi, đỗ đầu".
Gia đình họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, trong đó họa sĩ đứng ngoài cùng bên trái, bà Tống Thị Trừng - vợ họa sĩ (ngoài cùng bên phải), nhà văn Nguyệt Tú - con gái lớn họa sĩ (đứng sau, mặc áo dài trắng). |
Mẹ tôi mừng nhất, hơn cả tôi. Cả thị xã ai cũng biết tôi đỗ đầu tỉnh. Vốn đất hiếu học, lần đầu có con gái đỗ đầu tỉnh, bà con rất tự hào. Cha đi vẽ ở Đức Thọ về rất vui. Nhưng lúc ăn cơm, nghe mẹ bàn chuyện cho tôi tiếp tục ra Hà Nội hay vào Huế học, cha cắt ngang: "Thôi, con gái học rứa đủ rồi, cho Tuệ đi học xa, một mình mẹ nó phải trông nom cả ba đứa nhỏ, lại còn đi chợ, làm răng nổi".
Cha vẫn đi vẽ xa nhà. Ông thường đi rất lâu, có khi vài tháng mới về. Một lần, đang ngồi sàng gạo, mẹ bảo tôi: "Cha đi vắng rồi, theo mẹ nghĩ, con cứ nên đi Huế thi. Con trai hay con gái, đứa nào học được, cứ cho học. Dì Phước sẽ bảo lãnh cho con. Con vào đó thi, mẹ yên tâm hơn".
Dì Phước là chị họ của mẹ. Dì đang dạy tiểu học ở trường Đồng Khánh, Huế. Tôi ngước mắt nhìn mẹ đầy biết ơn. Nhưng tôi lo: “Tiền đâu mà đi, còn ăn ở, tàu xe từ đây vào Huế”. Mẹ không nói gì lẳng lặng vào nhà kho. Một lúc sau, bà đi ra, hai chiếc mâm đồng to đội trên đầu. Tuy còn bé, tôi cũng biết mâm đồng là của dự trữ trong nhà. Chúng được dùng khi giỗ Tết và đem cầm bán khi cần. Bà đem hai chiếc mâm đồng sang hàng xóm, cầm được hai tờ giấy bạc Đông Dương và năm hào: "Thế này cũng đủ. Con đi ô tô ra Vinh hết năm hào, còn hai đồng mua vé tàu hỏa vào Huế".
Mẹ chuẩn bị hành lý cho tôi: "Ăn đường con khỏi lo. Đến Vinh con vào nhà dì Nghĩa. Thế nào dì cũng nắm cho con một mo cơm".
Mẹ và các em tiễn tôi ra tận bến xe: "Con cứ đi thi, nếu không đỗ thì cũng đi cho biết Huế".
Lúc lên xe, tôi còn cười chào mẹ. Nhưng đến hàng cây ngô đồng đầu thị xã, tôi ứa nước mắt, thương mẹ, thương em.
Tôi thi đỗ đầu vào trường Đồng Khánh, với học bổng toàn phần.
...
Mùa hè năm học đầu tiên. Tôi về nhà: đi tàu từ Huế về Vinh, rồi ô tô khách đưa tôi từ Vinh về Hà Tĩnh. Gần đến thị xã, trông thấy hàng cây ngô đồng quen thuộc, tôi hồi hộp, xốn xang. Sắp được gặp những gương mặt thân yêu! Cha đi vẽ vắng hay ở nhà, mẹ có khỏe không, các em có ngoan không...?
Tôi ứa nước mắt khi thấy các em lao ra đón. Mẹ khỏe, cha vẫn đi vẽ. Các em được đi học và học giỏi...