Tháng 6/2016, Robin Woods lái xe từ nhà ở Maryland tới thăm một người đàn ông tên Mark Stevens tại Amherst, Massachusetts. Hàng chục năm qua, họ luôn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại và thư từ, nhưng chưa một lần gặp mặt.
Trước cuộc gặp gỡ ấy, bên trong Robin Woods là trộn rộn nhiều cảm xúc. Có chút e dè pha lẫn phấn khích, ông chầm chậm gõ cửa, và trước mặt ông là người đàn ông gầy gò đeo kính lão, có mái tóc bạc trắng.
Chỉ vài phút sau, ông Woods, 54 tuổi, và ông Stevens, 66 tuổi, đã ngồi trong phòng khách trò chuyện rôm rả. Câu chuyện của họ xoay quay chủ đề là sách và diễn ra thật tự nhiên. Nhưng sau nếu không biết hết câu chuyện về họ, người ta không thể hiểu được tại sao với cả 2 con người này, gặp được nhau tưởng chừng là điều không thể.
Cơ duyên của sách
12 năm trước, họ biết nhau qua lá thư đầu tiên về một cuốn sách. Nhưng đó cũng là lúc Robin Woods đang ngồi tù ở Jessup, Maryland, với bản án 16 năm vì tội ăn cắp.
Trong nhà tù tăm tối, với hành trang kiến thức hạn hẹp, ông Woods lật giở từng trang bách khoa toàn thư 2,5 triệu chữ của ĐH Merriam-Webster, cố gắng ngốn ngấu khối lượng kiến thức đồ sộ trong đó. Một bữa nọ, Woods ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ “lãnh tụ Turkic Toghril Beg tiến vào Baghdad (Iraq) năm 1955”. Ông biết, con số chính xác phải là năm 1055.
Sau nhiều lần trăn trở, Woods quyết định viết thư cho biên tập viên cuốn sách là Mark A. Steven. Ông không dám chắc lá thư của mình có đến được tay Stevens hay không, nhưng ông vẫn muốn thử. Trong thư, ông chỉ nói về lỗi sai mà không tiết lộ rằng cuốn bách khoa thư này chính là đại diện cho quá trình tự học đầy trắc trở của mình.
Lá thư đầu tiên ông Woods gửi cho ông Stevens năm 2004. |
Tuổi thơ mù chữ
Robin Woods sinh ra và lớn lên trong một khu dân cư ở Cumberland, bang Maryland, một trong những vùng đô thị nghèo nhất nước Mỹ. Ông vào tù sau một lần nổ súng bắn vào nhà một người phụ nữ. Khi đó Woods còn trẻ, thù đời và gần như là mù chữ. “Từ nhỏ đến lớn tôi chẳng hề đọc một cuốn sách nào” - ông kể lại.
Liền mạch hồi tưởng, Robin Woods nhớ rằng hồi nhỏ ông từng học hành rất chăm chỉ, nhưng thường xuyên bị bạn bè bắt nạt vì là người gốc Phi. Lớn lên một chút, ông nhen nhóm nỗi căm thù trường lớp vì thường xuyên bị phạt và bắt làm việc vặt. “Tôi chẳng học được gì ở trường” - ông kể lại. Đến bậc trung học, Robin vẫn thường xuyên phải cúi đầu xấu hổ mỗi khi giáo viên yêu cầu đọc bài.
“Người ta nói rằng để nuôi dạy một đứa trẻ cần nỗ lực của cả cộng đồng. Và cũng cần cả cộng đồng để hủy diệt một đứa trẻ” – ông Woods cay đắng nói. Hết bậc phổ thông, Robin bỏ học. Rồi dính vào những rắc rối và ngồi tù.
Một ngày nọ, một tù nhân đẩy xe chở sách đi qua xà lim của Woods. Vì quá buồn chán, ông quyết định mượn cuốn Tự truyện của Malcolm X và Người Sicily của Mario Puzo. Nhưng cả 2 cuốn sách đều rất khó đọc với một người như Woods. “Tôi phải bỏ qua rất nhiều từ vì tôi không hiểu chúng” - ông Woods nhớ lại. Ông mất 5 phút để đọc mỗi trang sách.
Ở trang thứ 6 cuốn Người Sicily, ông bị chấn động khi đọc tới đoạn mô tả một gã cô hồn. “Tôi nhớ mình đã khóc” - Woods kể, nhưng không phải vì nội dung cuốn sách mà vì ông đã đọc sách thành công.
Kể từ đó, cứ mỗi sáng sớm, Woods lại cố thuộc lòng nhiều từ ngữ trong cuốn từ điển mượn được của trại giam để bổ sung kiến thức và từ ngữ. “Tâm trí tôi tự do lúc đó, như thể tôi có thể trốn thoát khỏi nhà tù”.
Ông Woods giữ thói quen đọc sách trong tù vào mỗi buổi sáng sớm. |
Tự hào với thư viện nhỏ
Woods được trả tự do trong một khoảng thời gian ngắn. Năm 1987, ông trở về Cumberland, sống trong một túp lều nhỏ và thỉnh thoảng làm giúp một nhân viên lao công văn phòng.
Thời điểm đó, sách mở mang tâm trí cho Woods nhưng không giúp ông tránh khỏi rắc rối. Trong một đêm, ông nhậu say bí tỉ và leo lên một chiếc xe hơi, lấy cắp máy vi tính, máy đánh chữ và một số điện thoại từ chính nơi ông đã làm việc. Một lần nữa, Woods lại bị bắt giam.
Năm 1991, Woods tham gia vào cuộc bạo động nghiêm trọng trong nhà tù. Một số sĩ quan cai ngục bị thương, vài tù nhân bị lực lượng an ninh bắn chết. Woods bị phát hiện cầm dao và lĩnh thêm án tù 7 năm nữa.
Dẫu vậy, bản án nặng nề vẫn không tước đi của ông thói quen đọc sách. Sau chấn song nhà tù và chịu hàng loạt quy định ngặt nghèo, Woods vẫn lập được một thư viện nhỏ cho mình. “Nhiều tù nhân thích sưu tập giày Nike. Tôi chỉ đi một đôi giày nhưng có số sách trị giá 800-900 USD” - ông tự hào kể.
Đó cũng là lúc ông quyết định viết thư phản hồi về sai sót trong cuốn bách khoa toàn thư. Và điều không tưởng chính là khi ông Woods nhận được phản hồi của biên tập viên Stevens, trong đó kèm theo lời đề nghị ông hãy kiểm định thêm cuốn sách.
Sung sướng đến trào nước mắt, ông Woods tiếp tục lần giở từng câu chữ trong cuốn sách, và đều đặn báo các lỗi sai. “Tôi làm như vậy với tư cách là một người bạn, chứ không phải là một nhà phê bình” - ông giải thích trong thư.
Lá thư phản hồi của ông Stevens. |
Năm 2005, ông Woods nhận được thông báo sẽ bị chuyển tới một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Baltimore và không được mang sách theo. Ông quyết định tuyệt thực để phản đối. “Tôi nổi điên lên và không ăn uống gì cả” - ông viết cho ông Stevens. “Tôi trông giống như một xác chết biết đi vậy. Nhưng tôi cứng đầu và sẽ không bỏ cuộc”.
Vào thời điểm đó, ông sụt 31 kg. “Người tôi bốc mùi kinh tởm. Cơ thể bạn tự đầu độc nó bởi nó đang tự ăn chính nó” - ông giải thích. Một ngày, lãnh đạo hệ thống nhà tù bang Maryland đến phòng giam gặp Woods để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông vì Woods đã viết thư cho giám đốc nhà tù và giải thích về tình trạng của mình.
Sau đó, vị giám đốc phải đưa ra một thỏa thuận với ông Woods. Nếu Woods ngừng tuyệt thực và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà tù trong vòng một năm, ông sẽ được trả tự do.
“Tôi cảm thấy mình giống như một đứa trẻ hào hứng thoát khỏi trường cấp ba. Cả thế giới đang chờ đón tôi” - ông Woods viết cho ông Stevens hồi cuối năm 2006. Tháng 1/2007, sau 18 năm ngồi tù, Robin Woods đã bước ra khỏi nhà tù Maryland ở Jessup. Khi đó trong túi ông có 50 USD.
Dùng pháp luật lấy lại công bằng
Woods quay trở lại Cumberland và được một mục sư địa phương cho ở nhờ. Cứ vài tháng ông lại gọi điện trò chuyện với ông Stevens. Các cuộc điện đàm ấy vẫn cứ tiếp diễn, và họ quyết định gặp nhau sau 12 năm quen biết.
Trong những ngày gặp gỡ ngắn ngủi, họ đi chơi, xem kịch và thăm ngôi nhà của nhà văn Emily Dickinson. Nhưng khi trở về nhà, Woods phát hiện căn hộ đã bị đột nhập. Cửa sổ mở toang, và khoản tiền tiết kiệm 500 USD cùng một số đồ đạc đã không cánh mà bay.
Woods nổi điên lên và thầm mong kẻ trộm chưa rời đi để ông báo thù. Nhưng cuối cùng ông quyết định gọi cảnh sát. “Giờ tôi phải dựa vào pháp luật để lấy lại công bằng. Thật là thơ mộng. Giờ tôi đã hiểu cảm giác khi bị xâm phạm là như thế nào” - Woods viết.
Dẫu vậy, sự tự do và một tình bạn đẹp cùng cuộc sống yên ổn vẫn không khiến Woods hài lòng. Đối với ông, cuộc sống ở Cumberland nhỏ bé hơn nhiều so với thế giới rộng lớn ông từng mơ tưởng đằng sau song sắt.
Chia sẻ với nỗi lòng của người bạn đặc biệt, ông Stevens đã gửi cho Robin Woods đoạn trích trong cuốn The once and future king của T.H. White như một lời nhắn nhủ ý nhị: “Điều tuyệt vời nhất của nỗi buồn là bạn có thể học được nhiều điều từ đó - Merlyn nói trong cuốn tiểu thuyết - Đó là điều không bao giờ ngừng lại. Bạn có thể già yếu đi, cơ thể run rẩy. Bạn có thể thức trắng đêm lắng nghe những rối loạn trong mạch máu. Bạn có thể thương nhớ tình yêu của đời mình.”
“Chỉ có một điều duy nhất lúc đó là học hỏi. Hãy tìm hiểu tại sao thế giới chuyển động và điều gì làm nó chuyển động. Đó là điều duy nhất làm bộ não chúng ta không bao giờ kiệt quệ, không bao giờ bị tổn thương, không bao giờ sợ hãi hay mất lòng tin, và không bao giờ hối tiếc”.