Các diễn giả của chương trình là nhà báo Trương Anh Ngọc, dịch giả Lê Đình Chi, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình cùng sự chia sẻ của khán giả đã làm rõ hơn về đời sống tình cảm của nhân vật vĩ đại nước Pháp.
Napoleon đại đế - cuốn sách đồ sộ về con người, sự nghiệp của nhân vật lịch sử vĩ đại nước Pháp. |
Khi được khán giả yêu cầu nói về tình cảm mà Napoleon dành cho Josephine, nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định, ban đầu ông đến với người phụ nữ hơn mình sáu tuổi là vụ lợi, với mong muốn bà là cây cầu nối ông tới giới thượng lưu.
Lúc họ gặp nhau, Josephine đã có một đời chồng và hai đứa con. Sau khi chồng bà là tướng Alexandre de Bauharnais chết, Josephine thành góa phụ, có quan hệ với nhiều nhân vật trong giới quý tộc, chính trị.
Nhưng sau đó, mối quan hệ của họ trở thành tình cảm thực sự. “Ông nghĩ về bà khắp nơi. Ông thường viết thư cho bà sau mỗi trận đánh. Ban đầu họ gọi nhau là bạn, coi nhau là bạn thân thôi, sau đó đổi thành người tình. Có ngày ông viết cho bà 4, 5 lá thư” – Trương Anh Ngọc nói.
Năm 1796, hôn lễ của Napoleon (26 tuổi) với góa phụ Josephine (33 tuổi) được tổ chức tại Paris. Mẹ của Napoleon không đồng ý với mối tình của hai người, bởi bà không tán đồng với tư cách, lối sống phóng khoáng của Josephine, và bà hơn ông 6 tuổi.
Napoleon có thể đánh thắng tất cả, trở thành thống chế ở châu Âu, nhưng không thắng được mẹ, và không thắng được định kiến của gia đình ông về Josephine.
Thư từ và các trang hồi ký cho thấy Napoleon ghen tuông khủng khiếp khi yêu Josephine. Ông có nhiều gián điệp, họ thường báo cho ông giờ này Josephine mặc gì, ở đâu, đi gặp ai…
Thường cho người theo dõi vợ, nhưng Napoleon lại luôn mềm lòng trước bà. Dịch giả Lê Đình Chi kể giai thoại, sau một trận đánh, Napoleon trở về, giận dữ vì Josephine ngoại tình. Đêm hôm đó Josephine đập cửa phòng ông, khóc, nhưng ông mặc kệ. Đêm hôm sau vẫn tái diễn cảnh đó, rồi đến đêm thứ ba, ông mở cửa phòng, và hiểu rằng đời mình gắn bó với người phụ nữ ấy.
Tranh vẽ Josephine, người vợ đầu của Napoleon. |
Napoleon yêu Josephine thực sự, nhưng một ngày ông tới gặp bà và nói: “Nàng yêu mến, ta rất yêu nàng, nhưng ta không thể tiếp tục cuộc hôn nhân với nàng nữa, bởi nước Pháp cần một hoàng tử”. Josephine không thể sinh con cho Napoleon nữa, vì thế họ ly hôn để Napoleon lấy con gái của vua nước Áo.
Giảng viên Hoàng Ánh cũng là người say mê tìm hiểu Napoleon. Bà cho biết thời trẻ đi du học đã đọc hết các cuốn sách về Napoleon trong các thư viện thành phố nơi mình được đặt chân tới, nhưng ấn tượng nhất với cuốn sách về cuộc tình giữa Napoleon và Josephine.
Lý giải về việc tại sao vị đại đế toàn tài, người chinh phạt cả châu Âu lại say mê người phụ nữ già hơn, và không chung thủy với mình, bà Hoàng Ánh đưa ra hai lý do. Thứ nhất, Josephine là người đầu tiên đưa Napoleon tới giới quý tộc, là người thuyết phục giới được cho là tinh hoa ấy chấp nhận ông.
“Ông không có hình thức, là dân nhà quê, nhà ông rất nghèo. Ông học pháo binh vì ngành đó được nuôi ăn ở, được phát miễn phí quân phục, không phải mua quần áo” – bà giải thích.
Napoleon không có phong cách của con nhà quý tộc, mà thời đó xã hội đánh giá con người qua phong cách, tầng lớp xuất thân. Trong khi đó Josephine là quý tộc lâu đời, cha là bá tước, có điền sản lâu năm.
Bà có mọi mối quan hệ trong giới thượng lưu, trong khi ông không có bất cứ cánh cửa nào để mở vào giới ấy. Ngay buổi đầu tiên Napoleon gặp Josephine trong buổi tiếp đón đầu tiên của bà, ông chỉ có áo lành, còn quần thì rách, bởi quần đội chỉ phát áo mới mà không phát quần.
“Vị thống chế giàu có quyền lực lấy một người đàn bà già, có hai con riêng, và vô số tình nhân… là điều có lý. Bà thuyết phục cả giới thượng lưu chấp nhận Napoleon…Làm sao mà không yêu cho được người đầu tiên dạy mình cách cầm một ly rượu vang như nào cho được” – giảng viên Hoàng Ánh chí sẻ.
Không chỉ là một người quý tộc, với hấp lực mãnh liệt, Josephine có vị trí quan trọng với Napoleon bởi ông là người mê tín, xung quanh luôn có nhiều nhà chiêm tính. Napoleon luôn tin rằng Josephine chính là ngôi sao may mắn của cuộc đời ông.
Thực tế cũng chứng minh, từ khi gắn bó với Josephine, Napoleon trở thành người bất khả chiến bại, chinh phạt khắp châu Âu, trở thành đại đế của nước Pháp. Nhưng từ khi ly hôn bà để lấy Marie Louise, các cuộc chiến của ông đều thất bại, dần dần tiến tới lụi bại.
Cuối đời, khi đi lưu đày ở Anh, trong phút lâm chung, những từ mà Napoleon viết đều có tên người vợ đầu, người tình yêu dấu của mình: “Nước Pháp, quân đội, Josephine”.
Sách Napoleon đại đế là hồi ký dày dặn được viết dựa trên tư liệu từ 33.000 bức thư mới được công bố gần đây của Napoleon. Sách mang tới cái nhìn toàn diện về nhân cách và hoài bão của ông: tháo vát toàn tài, quyết đoán, vị tha, và với mối quan hệ với người vợ Josephine không mấy chuẩn mực của mình.
Tác giả sách Andrew Robert là một sử gia, đã lần theo nhân vật của mình để đưa người đọc qua 53 trong số 60 chiến trường mà Napoleon có mặt. Ông khai quật từ đó những tư liệu lưu trữ, với nhãn quan lịch sử, chính trị nhạy bén đã mang tới một cuốn tiểu sử đồ sộ, sâu sắc.