Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện về Alfred Nobel

Vốn dĩ thiên tài hóa học này là người dễ bị tổn thương. Việc phát minh ra kíp nổ khiến ông gặp không ít trở ngại.

Có một chất tên là Nitroglycerin. Nó được nhà hóa học người Italy Ascanio Sobrero phát hiện ra vào năm 1846. Ngày xưa, dầu được gọi là “chất lỏng gây cháy”, theo đó, Nitroglycerin được gọi là “chất lỏng gây nổ”.

Đúng như tên gọi, sức mạnh của chất nổ này rất khủng khiếp, nó có thể cắt phăng một ngọn núi, hay đập tan những phiến đá lớn. Ngay cả những đường hầm cũng được tạo ra một cách dễ dàng. Nhờ có Nitroglycerin, loài người sở hữu sức mạnh thay đổi cả hình dạng Trái Đất theo suy nghĩ của họ.

Tuy nhiên, Nitroglycerin lại tồn tại một nhược điểm vô cùng lớn. Chỉ cần tác động một lượng nhiệt, hay một dao động đủ lớn cũng có thể khiến nó phát nổ. Vậy nên, đối với con người, việc sử dụng Nitroglycerin là một điều quá đỗi nguy hiểm. [...]

19 năm sau, vào năm 1865, Nitroglycerin lại một lần nữa thu hút sự chú ý của nhân loại.

Đó là phát minh “kíp nổ”. […] Người chế tạo ra kíp nổ này chính là Alfred Nobel. Khi ấy ông 32 tuổi.

Nhờ vào phát minh này, Nitroglycerin trở thành thứ có ích đối với nhân loại, xưởng sản xuất của Nobel cũng vì thế mà liên tục nhận được đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, sự nguy hiểm của Nitroglycerin thì không thể thay đổi được. Trong quá trình vận chuyển, chỉ cần làm rơi bình Nitroglycerin là có thể tạo ra một vụ nổ lớn!

Chẳng những vậy, chỉ sự rung lắc của xe ngựa thôi cũng đủ làm nên một vụ nổ lớn như thế! Ngay cả xưởng sản xuất của Nobel cũng từng phát nổ và cướp đi người em trai của ông.

[…]

Nobel đã không từ bỏ Nitroglycerin. Ông liều mạng nghiên cứu phương pháp sử dụng Nitroglycerin một cách an toàn và cuối cùng đã phát triển được một sản phẩm mới.

Nitroglycerin đã được ông trộn cùng một loại đất giống như đất sét gọi là “đất tảo cát” để giúp an toàn hơn trong khi vận chuyển. Do được trộn với đất nên hình dạng cũng có thể thay đổi, nó được tạo thành hình trụ dài, bên trong chứa một kíp nổ gọi là “nắp nổ”.

Bằng cách đó, mìn đã được tạo ra. […]

Một lần nữa, nó lại khiến cả thế giới chấn động! Thuận tiện cho việc vận chuyển, chỉ cần cho vào một kẽ nhỏ cũng có thể tạo ra vụ nổ, dễ sử dụng.

Xưởng sản xuất của Nobel một lần nữa lại ngập tràn những yêu cầu đặt hàng, sau đó ông còn cho xây dựng nhiều nhà máy sản xuất mìn khắp nơi trên toàn thế giới. Và đương nhiên, cũng theo đó mà ông ngày một trở nên giàu có.

Người ta cho rằng vào thời đó, Nobel chính là người giàu nhất thế giới.

Thuở thiếu thời, do công ty của cha phá sản, gia đình ly tán, ông đã phải sống một cuộc sống đầy cơ cực. Nhưng với phát minh mìn nổ vào năm mới 33 tuổi, ông đã có trong tay một cuộc sống chẳng còn vướng bận đến tiền bạc nữa.

Khi đạt đến đỉnh của sự thành công như thế, Nobel của chúng ta sẽ có vẻ mặt như thế nào nhỉ…?

Không thể ngờ rằng đó lại là một vẻ mặt không nói nên lời.

Vốn dĩ Nobel là một người dễ bị tổn thương và buồn bã, đột nhiên trở nên giàu có trong phút chốc khiến ông gặp không ít trở ngại, ông ngày càng trở nên suy sụp.

Vậy rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra với ông?

Năm 1888, anh trai Nobel qua đời. Lúc đó, có một tờ báo đã hiểu nhầm rằng người chết là Nobel và đưa ra bài ký sự với tiêu đề Người buôn cái chết đã qua đời. Nobel đã vô cùng sốc khi đọc được bài báo đó.

Quả thực, mìn nổ đã được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh. Thậm chí, Nobel còn chế tạo ra những vũ khí mạnh hơn thế rất nhiều, nếu chỉ nhìn vào những điều đó thì có lẽ cũng không khó hiểu khi mọi người truyền tai nhau rằng: “Nobel là kẻ buôn bán cái chết”.

Nhưng Nobel không tạo ra mìn nổ như một thứ để giết người, cả việc phát triển vũ khí cũng là do ông đã cho rằng nếu có nhiều đất nước cùng sở hữu vũ khí mạnh thì họ sẽ giảm việc sử dụng chúng.

Ngoài ra, Nobel còn từng bị hai người phụ nữ chối bỏ tình cảm, nên trái tim của ông đã dần trở nên yếu đuối.

Nobel đã có lần chia sẻ về thuốc nổ - phát minh lớn nhất trong cuộc đời ông: “Nó đã trở thành một thứ công cụ giết người ngớ ngẩn”.

Còn bàn về cuộc đời mình, ông thậm chí đã phải thốt lên rằng: “Thà tôi bị giết ngay từ lúc vừa được sinh ra còn hơn”.

Không chỉ những phát minh mà Nobel còn cho rằng cuộc đời mình cũng chính là một thất bại, năm 60 tuổi ông mắc bệnh tim và 63 tuổi ông đã ra đi mãi mãi.

Thực ra, vào thời đó, con người đã tìm ra thuốc chữa bệnh tim, nhưng Nobel đã từ chối dùng thuốc. Nghe nói rằng đó là vì loại thuốc đó được bào chế từ Nitroglycerin - nguyên liệu chính để tạo ra thuốc nổ.

Khi biết mình không thể chống chọi với căn bệnh tim lâu hơn được nữa, Nobel đã lập “di chúc” ghi lại cách dùng số tiền khổng lồ của mình.

“Mọi người hãy dùng số tiền mà tôi để lại, hàng năm trao giải thưởng cho những người đã có cống hiến lớn lao trong các lĩnh vực: Vật lý học, Hóa học, Sinh vật, Y học, Văn học và Hòa bình”.

Đó chính là giải Nobel - giải thưởng được lập ra theo di nguyện này, một giải thưởng mà ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe qua.

Masato Oono/ Ehomebooks/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY