Vào lúc sáng sớm ngày 26/9/1983, hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô phát hiện nhiều vật thể bay từ Mỹ. Dữ liệu máy tính cho thấy chúng là những quả tên lửa hạt nhân. Trong trường hợp như thế, quân đội Liên Xô có quyền bắn trả tên lửa về phía Mỹ.
Nhưng Stanislav Petrov, người sĩ quan có nhiệm vụ theo dõi những vụ phóng tên lửa của các nước thù địch hôm đó, đã quyết định không báo cáo vụ việc lên sĩ quan cấp trên.
Đó là một hành động vi phạm kỷ luật quân đội, nghĩa là không làm đúng trách nhiệm của quân nhân. Nhưng có lẽ hành động của Petrov đã cứu cả thế giới. Nếu ông báo cáo sự việc, Liên Xô sẽ đáp trả Mỹ bằng tên lửa hạt nhân và chiến tranh sẽ bùng nổ. Do Liên Xô và Mỹ là hai siêu cường với rất nhiều đồng minh, rất có thể cuộc chiến giữa họ sẽ châm ngòi cho đại chiến thế giới lần thứ ba.
Stanislav Petrov, người theo dõi tên lửa trong ngày 26/9/1983. Ảnh: BBC. |
“Tôi có đủ cơ sở để chứng minh đó là một vụ tấn công bằng tên lửa. Nếu tôi gửi báo cáo lên cấp trên, chắc chắn không ai phản bác lệnh bắn tên lửa về phía Mỹ để trả đũa”, Petrov nói với BBC.
Petrov – người đã về hưu với quân hàm trung tá và đang sống trong một thành phố nhỏ gần thủ đô Moscow – là một thành viên trong một đội chuyên gia công nghệ thông tin được đào tạo kỹ lưỡng để phục vụ trong một trung tâm cảnh báo sớm tên lửa của Liên Xô. Căn cứ này nằm khá gần thủ đô Moscow. Quá trình đào tạo của ông rất khắc nghiệt, còn những mệnh lệnh dành cho ông rất rõ ràng.
Nhiệm vụ của Petrov là báo cáo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa lên giới lãnh đạo chính trị và quân đội Xô viết. Trong bầu không khí chính trị năm 1983, việc Liên Xô đáp trả vụ bắn tên lửa từ Mỹ là hành động chắc chắn xảy ra.
Vì thế, khi cảnh báo những quả tên lửa từ Mỹ bay về phía Liên Xô xuất hiện, Petrov gần như hóa đá trong phút chốc.
“Còi báo động vang lên, nhưng tôi vẫn ngồi trên ghế trong vài giây. Tôi nhìn vào màn hình lớn màu đỏ với từ ‘phóng’ trên đó”, ông kể.
Hệ thống báo với Petrov rằng mức độ tin cậy của cảnh báo đang đạt mức cao nhất, nghĩa là máy tính khẳng định chắc chắn Mỹ vừa phóng tên lửa.
“Một phút sau còi lại vang lên. Quả tên lửa thứ hai đã rời khỏi bệ phóng của Mỹ. Sau đó họ tiếp tục phóng quả tên lửa thứ ba, thứ tư và thứ năm”, Petrov hồi tưởng.
Máy tính đổi nội dung báo động từ "phóng tên lửa" sang “tấn công bằng tên lửa". Petrov đốt vài điếu thuốc trong lúc suy tính.
“Quân đội không quy định chúng tôi phải suy nghĩ bao lâu trước khi báo cáo một vụ tấn công. Song chúng tôi biết mỗi giây trì hoãn đều là khoảng thời gian quý giá. Chúng tôi phải báo cáo sự việc lên giới lãnh đạo chính trị và quân sự ngay lập tức. Tất cả những việc tôi phải làm là tới vị trí của điện thoại, quay số trực tiếp tới những chỉ huy hàng đầu. Song tôi không thể cử động. Tôi cảm thấy như tôi đang ngồi trên một chảo rán nóng”, ông thừa nhận.
Chính phủ Liên Xô quy định rằng nếu kẻ thù tấn công Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân, quân đội Xô viết sẽ đáp trả bằng tên lửa hạt nhân. Ảnh: AP. |
Mặc dù bản chất của vụ tấn công dường như đã rõ ràng, Petrov vẫn cảm thấy hoài nghi về một số điểm. Ngoài một số chuyên gia công nghệ thông tin như ông, Liên Xô còn có chuyên gia khác để theo dõi lực lượng tên lửa của Mỹ. Một số nhân viên vận hành radar vệ tinh nói với ông rằng họ không thấy bất kỳ quả tên lửa nào trên bầu trời Liên Xô. Nhưng họ chỉ là những người thuộc bộ phận hỗ trợ. Quân đội quy định rất rõ ràng quyết định phải dựa trên số liệu của máy tính, nghĩa là ông phải là người ra quyết định.
Điều khiến Petrov nghi ngờ là mức độ mạnh và rõ ràng của cảnh báo.
“Chúng tôi có 28 hoặc 29 cấp độ an ninh. Sau khi xác định mục tiêu, chúng tôi phải xem mục tiêu thuộc cấp độ an ninh nào. Trong trường hợp này, tôi không tin vào cảnh báo của máy tính”, ông giải thích.
Petrov gọi sĩ quan trực tại trụ sở của quân đội Liên Xô và báo cáo rằng sự cố máy tính đã xảy ra, nhưng không hề nói tới cảnh báo tên lửa. Nếu ông phán đoán sai, rất có thể một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra trên lãnh thổ Liên Xô vài phút sau đó. Nhưng nếu ông phán đoán đúng thì ông đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ.
“23 phút sau tôi nhận ra rằng chẳng quả tên lửa nào rơi xuống đất. Nếu Mỹ thực sự tấn công Liên Xô, chắc chắn tên lửa đã nổ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm”, ông vừa nói vừa mỉm cười.
Giờ đây, sau 30 năm, Petrov vẫn nghĩ rằng khả năng ông phán đoán đúng hôm ấy chỉ là 50%. Ông thừa nhận rằng ông chưa bao giờ chắc chắn rằng máy tính đã cảnh báo sai.
“Tôi là sĩ quan duy nhất trong nhóm theo dõi tên lửa học từ trường dân sự. Tất cả đồng nghiệp của tôi đều là quân nhân chuyên nghiệp nên họ tuân thủ mệnh lệnh một cách nghiêm ngặt. Vì thế, tôi tin rằng, nếu hôm đó một sĩ quan khác trực, chắc chắn anh ta sẽ ban bố lệnh báo động”, ông lập luận.
Vài ngày sau cấp trên khiển khách Petrov, nhưng không phải về việc ông bỏ qua cảnh báo tên lửa của máy tính, mà do những sai phạm trong sổ trực ban.
“Tôi đã giữ bí mật trong 10 năm. Thật xấu hổ khi hệ thống máy tính của quân đội Liên Xô cảnh báo sai trong trường hợp ấy”, ông nói.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, câu chuyện của Petrov đã xuất hiện trên nhiều tờ báo và ông nhận nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng cựu sĩ quan không nghĩ ông là một anh hùng.
“Đó là công việc của tôi. Nhưng thế giới đã may mắn vì hôm đó tôi là người trực”, ông nhận xét.