Ca sĩ Đức Phúc, quán quân Giọng hát Việt năm 2015, vừa ra mắt cuốn tự truyện với tựa đề I belive I can fly do Đào Trung Uyên và Võ Thu Hương chấp bút.
Cuốn sách được ví như một câu chuyện cổ tích về chú “vịt con” xấu xí nhưng có tâm hồn sơn ca. Nhiều câu chuyện, những điều mà khán giả chưa biết về học trò của ca sĩ Mỹ Tâm được tiết lộ trong tự truyện.
Được sự đồng ý của đơn vị xuất bản là Saigon Books, Zing.vn gửi tới độc giả một số trích đoạn của cuốn sách.
Chóe vừa học xong học kỳ 2 của lớp 2 thì bố mẹ chuyển Chóe sang học Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) ở gần nhà để Chóe không phải “phiêu bạt” ở nhà ông bà ngoại nữa. Tóm lại là bố mẹ không chịu được cảnh sống xa Chóe. Từ bé, Chóe đã có sức hút ghê gớm như thế!
Thực lòng mà nói, Chóe vẫn thích ở cùng ông bà ngoại hơn, vì ở đó Chóe như hoàng tử nhỏ, chẳng phải động tay việc gì, còn từ ngày sum họp hẳn với bố mẹ, Chóe việc gì cũng phải động tay.
Chuyện là thời gian này, bố mẹ thường về nhà muộn vì bận việc. Bố bận lái xe còn mẹ bận đi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, bế em cho nhà một cô em chồng. Vậy nên, mẹ tập cho Chóe đi chợ, nấu ăn, và giao luôn nhiệm vụ đón em Hà từ nhà trẻ về. Chóe ngoan ngoãn tiếp nhận các nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng này vì hiểu rằng như thế là đỡ đần bố mẹ. Chóe còn suy nghĩ rất sâu sắc rằng dù có chuyện đi chợ, nấu ăn thì cũng phải làm thật tốt, vì nếu không làm thì hai anh em nhịn đói à?
Đức Phúc hồi bé có tên ở nhà là Chóe. |
Từ ngày ấy, cuộc đời Chóe gắn với 4 nơi: trường học, nhà trẻ, chợ và căn bếp. Chóe tự đi học, tự về nhà, trên đường về ghé qua nhà trẻ đón em Hà, rồi dắt em vào cái chợ nằm ngay trên đường về nhà để mua ít thức ăn. Món Chóe hay mua nhất là chả, có khi mua thêm ít dưa, ít rau củ ở những hàng quen. Một tay Chóe dắt Hà, một tay xách túi thức ăn. Nói chung là Chóe tất ta tất tưởi chẳng kém mấy các bà nội trợ.
Khi đi chợ, Chóe hiếm khi trả giá mà chủ yếu tranh thủ trêu các bà bán hàng. Chóe hay mua rau ở hàng hai bà nọ. Hôm nay mua rau của bà này, ngày mai có thể nổi hứng mua rau của bà kia. Cái hay là hai bà này trông cứ na ná nhau. Mới đầu, Chóe cứ tưởng hai bà bán rau này là chị em sinh đôi, nhưng hóa ra không phải.
Có lần, Chóe hỏi một trong hai bà bán rau rằng:
- Bà ơi bà có bán khoai tây không?
Bà ấy xởi lởi:
- Đây đây, khoai ta ngon lắm!
Chóe cắc cớ:
- Không, cháu không mua khoai ta, cháu mua khoai tây cơ!
Bà ấy vẫn bảo:
- Ừ thì khoai tây đây này, nhưng mà là khoai ta!
Chóe vẫn bền lòng:
- Không! Cháu mua khoai tây cơ! Chỉ khoai tây thôi!
Nói xong, Chóe cười hi hi, còn bà bán rau sau phút giận xì khói vì thằng bé tinh tướng cũng hiểu ra mình bị trêu. Chóe xem việc trêu các bà bán hàng như niềm vui nho nhỏ khi đi chợ.
May là đường từ trường qua chợ về nhà không quá đông đúc xe cộ nên sự nghiệp đi học, đi đón em, đi chợ của Chóe diễn ra suôn sẻ. Nhưng chuyện bếp núc thì không may mắn như thế!
Mẹ đã truyền những ngón nghề bếp núc cơ bản cho Chóe, nhưng quãng đường từ lý thuyết đến thực hành chắc hẳn dài vài cây số. Những ngày đầu xông pha vào bếp, Chóe gặp thương tích không ít, nhất là khi làm các món chiên, dầu mỡ bắn tung tóe khiến Chóe nhiều phen phỏng tay, phải lôi kem đánh răng ra bôi lấy bôi để. Rút kinh nghiệm thương đau, những lần sau, khi làm món chiên, Chóe luôn dùng nắp vung hoặc lồng bàn để che chắn thân mình trước lũ mỡ nóng hổi.
Nhờ làm truyền nhân chợ búa, bếp núc của mẹ nên những món cơ bản như luộc rau, rán đậu, rán trứng chỉ là “muỗi” đối với Chóe. Ngoài nấu những món quen thuộc, Chóe còn không ngừng sáng tạo. Ví dụ như món chả, hai anh em Chóe ăn mãi với cơm cũng chán, thế nên Chóe nghĩ ra món chả sốt chua ngọt, tức xào cà chua với dầu ăn rồi cho chả vào, sau đó cho tí bột sắn hòa với nước vào để tạo độ sệt cho nước sốt, nêm nếm nữa là xong!
Hai anh em Đức Phúc khi còn nhỏ. |
Nhờ biết nấu nướng mà dù không có bố mẹ ở nhà, Chóe vẫn có thể tự lo bữa cơm cho hai anh em hoặc chuẩn bị được bữa cơm khá tươm tất đợi bố mẹ đi làm về.
Tóm lại, thời học lớp 2 của Chóe chỉ quanh quẩn trường – chợ – bếp (may mà không phải vườn – ao – chuồng). Nếu có mong muốn, Chóe chỉ mong muốn được học bán trú để được ở lại trường, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi với bạn bè. Vì bố mẹ còn vất vả chạy ăn nên đây là giấc mơ xa tầm với của Chóe. May mắn sao, có một thời gian ước nguyện này của Chóe đã thành hiện thực.
Trong cái hay dường như có chứa cái dở. Chính kỳ học bán trú trong mơ ấy lại là thời điểm đánh dấu sự tan vỡ mối tình kẹo mút của Chóe, khiến trái tim bé bỏng của Chóe thấm đau vì bị… phụ tình, khiến Chóe lần đầu tiên dẫm vào vết xe đổ trên đại lộ tình yêu đầy ổ gà, ổ voi của bố.
Chả là Chóe phát hiện nhỏ lớp trưởng dường như có “biểu hiện” tình cảm khác thường, ngồ ngộ với Chóe. Mỗi khi chỉ có Chóe và nhỏ với nhau, tạm gọi là những phút riêng tư, nhỏ thường tỏ ra thân tình, hỏi han Chóe đủ điều. Thái độ ấy, ánh mắt ấy, những câu hỏi ấy khiến… trái tim Chóe rung rinh. Chóe vốn hiền, ít nói, giờ ra chơi thường chỉ ngồi im ru trong lớp, ấy vậy mà nhỏ lớp trưởng ấy lại có thể khiến cái dây nói của Chóe nó bừng tỉnh và bắt đầu hoạt động hết công suất.
Chóe thấy mình như gặp được tri kỷ, siêu hợp cạ luôn. Chóe và nhỏ ấy có thể ngồi ríu rít với nhau hàng trăm thứ chuyện lớn nhỏ, linh tinh lang tang, chuyện nọ xọ chuyện kia, lia qua chuyện khác. Nói chung là buôn chuyện quên trời quên đất. Vì nói nhiều quá và nói theo kiểu thích gì nói nấy nên Chóe thường chẳng thể nhớ rõ hai đứa đã nói với nhau những chuyện gì mà nói lắm thế. Công nhận, độ nhiều chuyện của nhỏ và Chóe không phải dạng vừa đâu!
Ngày qua ngày, Chóe mơ hồ cảm thấy thinh thích nhỏ ấy. Rồi một loạt cảm giác ngồ ngộ khác kéo đến đánh úp trái tim bé bỏng vốn rụt rè, nhút nhát của Chóe: những khi vắng nhỏ, tự dưng Chóe thấy nhớ nhớ, thấy buồn buồn; những khi gần nhỏ, Chóe thấy vui tợn.
Cũng phải nói một chút về dung nhan của nhỏ nhỉ! Nhỏ có đôi mắt tròn xoe như hạt nhãn, mặt mày lúc nào cũng tươi như hoa mặt trời. Nói chung là nhỏ vừa xinh, vừa tươi, vừa ấm áp.
Chóe nghĩ mình đã “đổ ” nhỏ. Mà đã “đổ ” thì cần có hành động gì đó thể hiện cái sự “đổ ”này. Thế là có bao nhiêu kẹo mút, Chóe dù thèm thuồng cỡ nào, cũng cắn răng dành tặng nhỏ. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười “hoa mặt trời” của nhỏ là trái tim của Chóe nhảy tưng tưng, là nỗi tiếc nuối số kẹo mút phút chốc tan biến như bong bóng xà phòng. Bây giờ thì Chóe đã biết sức mạnh tình yêu ghê gớm thế nào.
Cậu nhóc Đức Phúc đã có "mối tình kèo mút" khó quên với cô bạn lớp trưởng. |
Nhưng đời không mãi là mơ, tình không mãi như thơ. Tình yêu kẹo mút của Chóe gặp sóng gió khi mẹ cho Chóe học bán trú. Khi ngồi ăn cùng các bạn trong lớp, Chóe phát hiện nhỏ ấy nói chuyện với mấy đứa con trai khác trong lớp cũng với phong cách thân tình hệt như khi nói chuyện với Chóe! Ơ, thế là thế nào?
Có lúc, nhỏ nói chuyện say sưa với bạn trai nào đó tới mức Chóe tưởng nhỏ quên béng rằng Chóe đang ngồi lù lù ở đây. Nhỏ ấy coi Chóe không nặng gram nào. Chóe liền bê phần ăn của mình đến ngồi ngay cạnh nhỏ. Ối giời ơi, nhỏ vẫn không thèm dành cho Chóe dù nửa ánh mắt liếc ngang.
Giận quá, Chóe bèn đứng dậy bê phần ăn, đi qua chỗ khác, vừa đi vừa lén ngoái nhìn xem nhỏ có biểu hiện gì hối lỗi vì dám lơ là người tri kỷ không. Thật bi đát, nhỏ vẫn đang say sưa tán dóc, chả tỏ vẻ gì quan tâm Chóe, như thể không hề biết Chóe đang ôm cục dỗi hờn to tướng.
Mối tình đầu của Chóe chấm dứt không kèn không trống ngay sau hôm định mệnh ấy. Chóe uất ức, bức xúc vì bị nhỏ ấy cho ra rìa. Chóe tiếc số kẹo mút ngọt ngào, thơm tho đã đứt ruột nhịn thèm để tặng nhỏ. Kẹo thì ngọt nhưng sao tình đầu lại đắng thế kia!