Sáng ngày 20/8, buổi giao lưu với chủ đề “Mẹ và câu chuyện giáo dục” đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của GS.TS Thái Kim Lan và dịch giả Nguyễn Bích Lan.
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi NXB Phụ Nữ và Viện văn hóa Đức Geothe nhằm tạo cơ hội để diễn giả và bạn đọc cùng bàn về những thách thức trong giáo dục con thời hiện đại và việc giữ gìn văn hóa của người xa xứ, đồng thời giới thiệu hai cuốn sách mới của hai diễn giả là Thư gửi con và Màu của nước.
GS. TS Thái Kim Lan và dịch giả Nguyễn Bích Lan trong buổi giao lưu “Mẹ và câu chuyện giáo dục”. |
Theo như GS Thái Kim Lan, người đang sinh sống và giảng dạy môn Triết học tại Đức, người mẹ cần phải bộc lộ tình yêu với con nhiều chừng nào, tốt chừng ấy. Bởi chỉ có như thế mới tạo được niềm tin vững chắc trong tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, và ngược lại.
Qua câu chuyện về cách dạy con của bản thân mình trong cuốn sách Thư gửi con, bà cho rằng cách tốt nhất để đứa con không sợ hãi trước thế giới chính là việc người mẹ phải biết cách “thương con trong một chừng mực vô hạn". Yêu nhưng không đè nặng uy quyền của cha mẹ, yêu nhưng không dồn nén tâm lý cho các con, vì đó chính là một phần nguyên nhân dẫn đến phản kháng và bạo lực ở những đứa trẻ vẫn còn chưa hiểu hết tấm lòng của các bậc sinh thành.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng đồng ý một phần với quan điểm này và khẳng định rằng những bố mẹ hiện đại không nên yêu thương con theo kiểu cung phụng, chiều chuộng và phải để một khoảng không để các em cảm thấy tự do.
Bên cạnh câu chuyện cảm động về người mẹ của chính dịch giả, Nguyễn Bích Lan còn chia sẻ thêm câu chuyện về một người mẹ vĩ đại khác trong cuốn sách mới mà chị mới hoàn thành, cuốn Màu của nước của tác giả James McBride.
Cuốn sách Thư gửi con của GS Thái Kim Lan. |
Màu của nước là một cuốn tự truyện của McBride kể về người mẹ của chính ông, người đã chối bỏ tôn giáo Do Thái của mình để kết hôn với một người đàn ông da đen và nuôi dạy mười hai đứa con nhỏ trưởng thành và đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời.
Kể từ khi ra mắt vào năm 1995, Màu của nước đã trở thành một hiện tượng xuất bản với kỷ lục nằm trong danh sách Sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt hơn 100 tuần, được coi là tác phẩm kinh điển của Mỹ. Cuốn sách cũng đã được trao giải thưởng Anisfield - Wolf Book năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc nhất, và là cuốn sách về mẹ mà Amazon khuyên mọi độc giả nên đọc.
Trao đổi về phương pháp dạy con, cả hai diễn giả và các độc giả đều đề cập đến những ủng hộ thầm lặng của người cha và vai trò quan trọng của giáo dục hiện đại ngày nay. “Đừng dựa quá nhiều vào hệ thống giáo dục mà bỏ qua một tiềm năng vô cùng lớn của đứa trẻ, đó là tự học. Ngày nay, sự giáo dục hài lòng mà lại rẻ nhất chính là đọc sách”, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ khi khép lại buổi giao lưu.
GS. TS Thái Kim Lan sinh ra tại Huế và từng là giảng viên môn triết học so sánh Đông (Phật giáo) - Tây (Tri thức luận) tại Đại học Ludwig - Maximilian của Đức. Bà là tác giả của nhiều tiểu luận triết học, tôn giáo, nhiều bài ký sự, tùy bút... và tác giả của ba cuốn sách nấu ăn được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, Thái Kim Lan còn có tập thơ tiếng Đức Lạnh hơn xứ mình và cuốn sách tập hợp những lá thư gửi con viết bằng tiếng Đức và tiếng Việt Thư gửi con đã được xuất bản tại Việt Nam.
Nguyễn Bích Lan là một nữ dịch giả đặc biệt khi đã vượt qua khó khăn để tiếp tục sống như người bình thường sau khi mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ vô phương cứu chữa từ năm 13 tuổi. Đến nay, Nguyễn Bích Lan đã chuyển ngữ cho 32 cuốn sách bao gồm những tác phẩm nổi tiếng như Triệu phú khu ổ chuột, Nick Vujicic - Sống cho điều ý nghĩa hơn, Lời cầu nguyện từ Chernobyl, Trái tim em thuộc về đất,... và cuốn tự truyện Không gục ngã kể về cuộc đời của chính chị.