Kieu nhiều lần bị mẹ ruột bán vào nhà chứa khi cô còn là một đứa trẻ. Ảnh: CNN |
Năm 12 tuổi, mẹ ruột yêu cầu Kieu làm việc này và cô đồng ý. Bà đưa cô tới khám tại nhà bác sĩ, người trao cho Kieu một tờ "giấy chứng nhận trinh tiết”. Sau đó, bé gái 12 tuổi được đưa tới khách sạn, nơi một người đàn ông trung niên liên tục cưỡng bức cô trong 2 ngày, CNN đưa tin.
Kieu cho biết, người mua sự trong trắng của cô là một đàn ông Khmer, khoảng 50 tuổi. Ông ta đã có gia đình và 3 đứa con. Giá bán trinh tiết là 1.500 USD nhưng cô chỉ nhận hơn 1.000 USD vì phải trả khoảng 400 USD cho người môi giới. Mẹ Kieu dùng số tiền này để trả nợ và mua thức ăn cho cá lồng nuôi dưới sàn nhà, nguồn sống chính của gia đình họ.
“Trước đó, tôi không biết việc mẹ ép tôi làm tốt hay không tốt với mình, nhưng bây giờ tôi đã nhận thức được nó hoàn toàn xấu. Tôi rất buồn sau khi bị mẹ ép bán đi sự trong trắng. Mẹ tôi thì rất xấu hổ nhưng bà vẫn đưa tôi tới làm việc trong một nhà thổ. Tôi không muốn đi nhưng cuối cùng vẫn phải tới đó. Họ giam tôi như tội phạm”, Kieu kể.
Trong 3 ngày ở nhà thổ, Kieu bị 3 tới 6 người đàn ông làm nhục mỗi ngày. Sau đó, cô tiếp tục phải tới 2 nhà thổ khác, bao gồm cả một nơi cách biên giới Thái Lan khoảng 400 km. Khi biết mẹ chuẩn bị bán mình một lần nữa, với khoảng thời gian 6 tháng, Kieu nảy sinh ý định trốn khỏi nhà.
Những mảnh đời như Kieu rất phổ biến ở Svay Pak, Phnom Penh, Campuchia. Tuy nhiên, Kieu là người đặc biệt vì câu chuyện của cô là cảm hứng của tác phẩm “Mỗi ngày ở Campuchia”, phim tài liệu xuất sắc của Quỹ Truyền thông Phụ nữ Quốc tế.
Trong năm 2013, Dự án Tự do tới Campuchia cùng Mira Sorvino, nữ diễn viên đoạt giải Oscar đồng thời là Đại sứ Thiện chí chống buôn bán người của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm. Sorvino gặp Kieu tại trung tâm hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của các hoạt động buôn bán người ở Svay Pak khi cô 14 tuổi.
Kieu được AIM, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động về quyền trẻ em, giải cứu khỏi nhà chứa. Câu chuyện của cô trở thành đề tài cho bộ phim tài liệu “Mỗi ngày ở Campuchia”, cái nhìn chân thực về các hoạt động thương mại tình dục trẻ em.
Sorvino cho biết, bộ phim giúp nâng cao nhận thức về nạn mại dâm trẻ em ở Campuchia và gây quỹ giúp AIM gia tăng các hoạt động bảo vệ nạn nhân nhí.