Keangnam Hanoi Landmark Tower
Keangnam Hanoi Landmark Tower là dự án khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại (TTTM) đặt trên mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là vị trí được coi là "trái tim" của Hà Nội mới, sau mở rộng. Công trình do chủ đầu tư là Tập đoàn Keangnam, có trụ sở tại Hàn Quốc, khởi công vào năm 2007.
Với chiều cao 336 m, Keangnam Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam và đứng thứ 17 trên thế giới (lúc khai trương). Tổng mức đầu tư cho toàn bộ công trình là 1,05 tỷ USD, bao gồm 2 tòa chung cư cao cấp 48 tầng và tòa nhà tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm giải trí 72 tầng.
Phát biểu tại lễ khởi công năm 2007, ông Nguyễn Đức Kiên, khi đó là Phó chủ tịch Quốc hội, coi đây là một trong những dự án tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác, đầu tư Việt - Hàn. Còn ông Sung Woan Jong, Chủ tịch Tập đoàn Keangnam bày tỏ tin tưởng vào một tương lai sáng sủa và rộng mở khi đầu tư các dự án bất động sản vào Việt Nam.
Mang nhiều kỳ vọng, trong suốt một thời gian dài, công trình cao nhất Việt Nam thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng.
Tòa nhà dự kiến hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhắc tới tiến độ dự án, nhiều người vẫn chưa quên vụ cá cược giữa một nhóm người với chủ đầu tư xung quanh chuyện liệu công trình có hoàn thành đúng hẹn hay không.
Tuyên bố sẵn sàng cùng nhóm thách đố ký giao kèo cá cược, lãnh đạo Keangnam khẳng định, nếu thất hẹn sẽ nộp phạt 100 tỷ đồng. Vụ cá cược không thành, song những thông tin này mở màn cho nhiều sự cố của tòa nhà chọc trời trên đất Hà Nội.
Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng cũng nhiều rắc rối bậc nhất. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thực tế, suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam vướng phải những rắc rối lớn về an toàn xây dựng (khiến 7 công nhân tử vong), vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ với cư dân hai tòa chung cư cao cấp 48 tầng về vấn đề diện tích xây dựng, giá và chất lượng dịch vụ... Chưa hết, Tập đoàn Parkson cũng rút khỏi Landmark 72 do kinh doanh thua lỗ.
Phải xoay sở với hàng loạt thông tin tiêu cực về dự án trong một thời gian dài, đại diện truyền thông của Keangnam không giấu sự mệt mỏi khi tiếp xúc với báo giới. "Hình ảnh về Keangnam hiện nay thật khó để cải thiện trước dư luận", vị này chia sẻ với Zing.vn và đề nghị trả lời vào một dịp khác.
Đầu tháng 5/2015, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 được rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD). Lý do rao bán tòa nhà đến từ khó khăn của công ty mẹ tại Hàn Quốc.
Lotte Center Hanoi
Lotte Center Hanoi được xây dựng vào năm 2009, chính thức vận hành ngày 2/9/2014. Dự án của tập đoàn Hàn Quốc có tổng vốn lên đến 500 triệu USD, 65 tầng, trở thành tòa nhà cao thứ 2 tại Việt Nam (272 m), sau Keangnam Hanoi Landmark Tower.
TTTM Lotte. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong chia sẻ về chiến lược khi vào thị trường Việt Nam, Chủ tịch Lotte (Hàn Quốc) ông Shin Dong Bin cho biết, tập đoàn này sẽ tìm kiếm những vị trí có thể cho phép triển khai nhiều loại hình kinh doanh như siêu thị, khách sạn, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, giải trí, bất động sản…
Lấy hình ảnh áo dài làm cảm hứng thiết kế, đại diện Lotte thông tin, công trình vừa mang hình ảnh Việt Nam, vừa là biểu tượng của tập đoàn kinh tế Hàn trên đất Việt.
Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình kinh doanh của Lotte Center Hanoi dường như chưa có nhiều ấn tượng. Ở mảng bán lẻ, Lotte đang dần phải đối diện với nhiều khó khăn khi mà nhiều TTTM cao cấp ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh ế ẩm và phải đóng cửa như Parkson, Grand Plaza...
Trong bối cảnh nguồn cung về cho thuê văn phòng tăng mạnh, tòa nhà cao thứ hai Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy diện tích cho thuê. Trao đổi với Zing.vn, đại diện kinh doanh của tòa nhà thừa nhận, hiện tỷ lệ lấp đầy của diện tích văn phòng cho thuê mới đạt khoảng 50%. Vị này lý giải, tốc độ lấy đầy chậm do Lotte Center Hanoi chủ trương không giảm giá.
Bitexco Financial Tower
Từng giữ vị trí cao nhất Việt Nam rồi bị Keangnam Landmark 72 vượt qua, và giờ là tòa nhà cao nhất Sài Gòn, tháp tài chính Bitexco của Tập đoàn Bitexco được xem là một trong những dấu ấn bất động sản tốt nhất của thị trường Việt Nam năm 2010.
Với chiều cao 262 m, 68 tầng, chi phí xây dựng 220 triệu USD (4.600 tỷ đồng), Bitexco Financial Tower là tòa nhà cao thứ 110 thế giới vào thời điểm khánh thành.
Trong số 3 tòa nhà cao nhất Việt Nam, tháp tài chính Bitexco có hình ảnh khá tốt. Ngoài việc được coi như một biểu tượng năng động và hiện đại của TP HCM, tòa tháp cũng nhận được khá nhiều bình chọn của thế giới về kiến trúc. Một danh hiệu trong số đó là Top 25 tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng xây dựng do CNN bình chọn năm 2013.
Trao đổi với Zing.vn về tòa nhà Bitexco Financial Tower, đại diện Bitexco cho hay: “Khi xây dựng Bitexco, chúng tôi mong muốn tòa nhà sẽ trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp kiến trúc và sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam. Yếu tố hiệu quả kinh tế không hẳn là nhân tố quan trọng số 1 khi tính toán xây dựng”.
Tháp tài chính Bitexco là tòa nhà được coi là biểu tượng của Sài Gòn năng động, hiện đại. Ảnh: Hải An. |
Thế nhưng, sau tháp tài chính cao nhất Sài Gòn, Bitexco chưa có dự án nào đình đám tương xứng được hoàn thành. Một dự án được coi là sẽ nối tiếp tháp tài chính là Tháp đôi The One với hình tượng 2 con rồng. Đây là tòa nhà được khởi công tại khu đất vàng tứ giác Bến Thành trung tâm TP HCM vào tháng 4/2012.
The One có vốn đầu tư 500 triệu USD, chiều cao dự kiến 240 m với 55 tầng, diện tích xây dựng là 180.000 m2. Khi công bố dự án, đại diện Bitexco tuyên bố là đã thu xếp được tài chính.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay tòa tháp phải lùi tiến độ tới năm 2017 vì các trục trặc liên quan đến thi công. Chưa hết, The One cũng bị đồn gặp khó khăn về tài chính nên không thể đẩy nhanh được tiến độ.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Bitexco cho biết việc nhà thầu thi công gây sự cố khiến cho dự án phải tạm ngừng một thời gian để giải quyết.
“Chúng tôi lên kế hoạch xây tháp tài chính Bitexco, The One và nhiều dự án khác với một tầm nhìn chiến lược của toàn tập đoàn cùng kế hoạch tài chính rõ ràng chứ không có chuyện xây cái này ảnh hưởng cái kia. Còn việc tạm ngừng thi công không liên quan đến tài chính”, đại diện Bitexco khẳng định.