Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Câu chuyện chiếc ốc vít và nỗi oan cho ngành cơ khí Việt Nam

Ngành cơ khí Việt Nam chịu nỗi oan “không thể sản xuất đến cả chiếc ốc vít”. Trên thực tế, nhiều sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngành cơ khí Việt Nam chịu nỗi oan là “không thể sản xuất đến cả chiếc ốc vít”. Trên thực tế, nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng cao của Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ít ai biết rằng những chiếc Roto của nhà máy thủy điện Sơn La nặng 1.000 tấn - bộ phận quan trọng bậc nhất, đóng vai trò phát điện lại được vận chuyển và lắp đặt bởi một chiếc trục cẩu khổng lồ hoàn toàn “Made in Vietnam”. Chiếc trục cẩu có khả năng cẩu được cấu kiện lên tới 1.200 tấn được sản xuất bởi một xí nghiệp cơ khí ở Ninh Bình và vận chuyển lên Sơn La, lắp đặt thành công bởi chính những kỹ sư Việt Nam.

Điều này minh chứng rằng doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không phải “không sản xuất được đến cả chiếc ốc vít”, mà còn có khả năng tham gia sản xuất những sản phẩm cơ khí quan trọng, công nghệ cao, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.

Hiện tại, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể sản xuất được những sản phẩm đơn giản đến phức tạp. Ôtô “Made in Vietnam” có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Câu chuyện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không đáp ứng nổi đơn hàng là sạc pin, ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung bắt nguồn từ phát biểu của một đại biểu Quốc hội khóa 13. Theo đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) từng cho rằng: “Nước ta mỗi năm đào tạo bao nhiêu tiến sĩ, kỹ sư, mà tại sao không sản xuất nổi con ốc vít, vậy làm sao có thể tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu?”.

Ông dẫn kết quả nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp/năm. Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Công Thương, do công nghiệp hỗ trợ yếu kém, mỗi năm nước ta mất tới gần 70 tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất các ngành điện - điện tử, thép, dệt may, cơ khí…

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Sony, Toyota… thì nói rằng họ rất khó khăn tìm một nhà cung cấp đến từ Việt Nam do không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và giá thành.

Đây cũng là khởi đầu của “nỗi oan” ngành cơ khí Việt Nam không thể sản xuất nổi một chiếc ốc vít. Phát biểu của Đại biểu Quốc hội khiến nhiều người lo lắng bởi cơ khí và công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành cơ bản, then chốt, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của một nền kinh tế.

Nếu công nghiệp cơ khí không phát triển, Việt Nam khó có thể tự sản xuất những máy móc, thiết bị, vật tư… mà buộc phải nhập khẩu. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro nhất định, thậm chí bị phụ thuộc vào công nghệ gốc, công nghệ lõi của quốc gia khác.

Ngoài ra, khi công nghiệp hỗ trợ không phát triển, rất khó để tạo ra mối liên kết và tận dụng được khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vào thời điểm đó, ông Vũ Tiến Lộc, Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng việc Samsung công bố gần 170 linh kiện, như ốc vít, sạc pin và hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được. Ngay cả Canon, Sony cũng chỉ có thể sử dụng doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm bao bì...

Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, thực hiện chiến lược phát triển cơ khí trở thành một ngành mũi nhọn ở Việt Nam.

Chiếc trục cẩu có thể nâng cấu kiện nặng 1.200 tấn đến nay vẫn là niềm tự hào của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết cần cẩu được chế tạo có tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Không chỉ vậy, xí nghiệp đã làm chủ được công nghệ sản xuất cần cẩu nặng hàng nghìn tấn để phục vụ các công trình thủy điện, nhiệt điện… góp phần tiết kiệm hàng triệu USD cho đất nước.

Theo một số chuyên gia cơ khí, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nội địa mạnh dạn chi hàng tỷ USD để đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân cơ khí chất lượng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1,5 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động.

Hiện nay, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ từ các nước sang Việt Nam ngày càng rõ rệt. Ngành cơ khí đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Khu công nghiệp THACO Chu Lai, Quảng Nam. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí của cả nước.

Trên cảng Chu Lai vào một chiều cuối năm, hàng trăm chiếc xe sơ mi rơ móc tấp nập được tập kết, chờ bốc lên tàu vận chuyển đi Mỹ. Đây là một trong rất nhiều lô xe sơ mi rơ móc của THACO được bàn giao cho các đối tác. THACO là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công xe đi nước ngoài, giúp thu về hàng chục triệu USD ngoại tệ mỗi năm cho đất nước.

Sâu bên trong đất liền là các dây chuyền nhà máy đang tích cực làm việc nhiều ca một ngày để kịp các sản phẩm giao cho khách hàng. Từ khâu dập, hàn, lắp ráp, sơn… được các công nhân thực hiện chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho khách hàng ở Mỹ.

Những năm vừa qua, Khu công nghiệp THACO Chu Lai được coi là một trong những hình mẫu cho sự phát triển công nghiệp cơ khí ở Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất để phủ nhận nỗi oan “không thể sản xuất được cái ốc vít” mà ngành công nghiệp cơ khí phải chịu nhiều năm qua.

Từ năm 2003, THACO đã đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến nay, Khu công nghiệp THACO Chu Lai có tổng diện tích hơn 1.200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm: Khu công nghiệp Cơ khí và Ôtô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu Cảng và Hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai.

THACO Chu Lai được xem là Khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô lớn nhất Việt Nam và là Trung tâm logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng đầu miền Trung, thuộc top đầu trong khu vực ASEAN. Đến nay, THACO Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ôtô của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng trên thế giới với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%. Một số mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ôtô nội khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA. Các sản phẩm được sản xuất tại Chu Lai mang thương hiệu THACO và các thương hiệu quốc tế (Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Iveco, Volvo, Mercedes Ben-z, Foton, Mitsubishi Fuso…) phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước; một số sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Campuchia, Myanmar, Philippines...

Co khi Viet Nam anh 1

Năm 2022, THACO dự kiến đạt doanh số 142.000 xe, đầu tư thêm 42 showroom mới. Cũng trong năm 2022, THACO đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 30,300 tỷ đồng, tăng 58,4% với năm 2021, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Trong chuyến thăm THACO vào đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của THACO với triết lý phát triển cùng đất nước. Ông nhấn mạnh THACO đang đi đúng hướng và hiệu quả, tham gia vào quỹ giá trị toàn cầu, cung ứng toàn cầu. “Sản xuất ô tô quan trọng nhất là sản xuất cơ khí, nếu chúng ta phát triển công nghiệp cơ khí thì chúng ta làm chủ được ngành sản xuất ôtô”, ông đánh giá.

Trần Nguyễn

(Ảnh: Việt Linh) - Đồ họa: Tấn Lợi

Bạn có thể quan tâm