Theo báo cáo của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, lớp bê tông nhựa mặt chính cầu Chương Dương đã bị nứt vỡ, chủ yếu trên dầm ngang cầu và khe nối của các bản bê tông lắp ghép gây thấm nước. Lớp bê tông dưới mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong.
Cầu Chương Dương được hoàn thành vào năm 1985, nối quận Long Biên với trung tâm Hà Nội. Ảnh: Hải Quân. |
Đơn vị nhận thấy sự hư hỏng và xuống cấp của kết cấu thép đã rất rõ rệt và tiến triển mạnh. Trên cầu còn một số khe giãn cũ và lan can có chiều cao thấp (khoảng 1 m), gờ bê tông nhỏ gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP, những hư hỏng trên chưa gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp cải tạo, sửa chữa kịp thời thì trong tương lai gần, công trình có thể xuống cấp nhanh hơn.
Đơn vị này kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo UBND TP phê duyệt chủ trương dự án sửa chữa cầu Chương Dương để bảo đảm an toàn giao thông và kéo dài tuổi thọ của cầu.
Nếu được UBND thành phố chấp thuận, dự án sửa chữa sẽ được thực hiện ngay trong giai đoạn 2020-2021.
Nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế thủ đô. Tuy nhiên, cầu chịu nhiều sức ép và bị xuống cấp do lưu lượng giao thông lớn.
Ngoài cầu Chương Dương, Hà Nội còn có 6 cầu khác bắc qua sông Hồng gồm: Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối giữa quận Long Biên và Hoàn Kiếm. Ảnh: Google maps. |