Tháng 1/2016, hình ảnh cậu bé Murtaza Ahmadi chơi bóng ở khu đổ nát với chiếc áo làm bằng túi nylon màu trắng xanh có ghi tên Messi cùng số 10 lan tỏa khắp thế giới.
Cậu bé người Afghanistan trải qua hành trình như mơ sau đó khi gặp Messi, thậm chí được siêu sao người Argentina dắt tay ra sân đấu.
Tuy nhiên, Murtaza không đổi đời như nhiều người nghĩ. Ngược lại, cuộc sống của cậu bé Afghanistan và gia đình bị đẩy vào nguy hiểm, bởi chính sự nổi tiếng mà họ có sau cơ duyên với siêu sao của Barca.
Cậu bé 5 tuổi Mutarza nổi tiếng trên toàn thế giới với chiếc áo in tên Messi làm bằng túi nylon. Ảnh: BR. |
Thần tượng Messi
Người giúp Murtaza trở nên nổi tiếng ngày đó là anh trai Hamayoun. Nhặt được chiếc túi nylon màu xanh bên đường, Hamayoun lấy bút vẽ sọc trắng lên và viết tên Messi lên đó. Cậu gọi Murtaza về nhà, mặc cho em chiếc áo tự chế trước khi cả hai ra sân chơi bóng.
"Em hạnh phúc vì đã trở thành cầu thủ bóng đá", Murtaza cười khi nói với BR.
Mutarza được Messi gửi tặng một chiếc áo số 10 của ĐT Argentina kèm chữ ký. Ảnh: Getty. |
Bức ảnh cùng đoạn video quay cảnh Murtaza mới 5 tuổi đá bóng với chiếc áo bằng túi nylon tự chế được Hamayoun đăng tải lên mạng xã hội và lập tức gây bão với hàng trăm nghìn lượt thích và chia sẻ.
Cả thế giới hào hứng với hình ảnh cậu bé thần tượng Messi, song người dân xung quanh cậu bé 5 tuổi không nghĩ vậy.
Anh trai Hamayoun thừa nhận: "Murtaza bị châm chọc nhiều vì mặc áo bằng túi nylon". Bố của cậu bé, Arif tiết lộ hàng xóm láng giềng đều có những cái nhìn ái ngại vì cho rằng gia đình Murtaza quá nghèo để mua một chiếc áo tử tế cho con.
"Mọi người cứ châm chọc và bắt nạt em", Murtaza nói. "Nhưng em hạnh phúc".
Điều cả Murtaza và Hamayoun không dám nghĩ đã tới. Rất nhiều phóng viên đã tới ngôi làng Jaghori để gặp cậu bé mặc chiếc áo bằng túi nylon. Tin đồn Messi muốn gặp Murtaza cũng xuất hiện.
Vài ngày sau, hai chiếc hộp lớn được Messi gửi tới cho Murtaza. "Tôi không mở khi thấy chúng. Tôi nghĩ một chiếc hộp sẽ có đồ chơi cho thằng bé", bố của Murtaza nói. "Hộp còn lại có thể là tiền". Tin đồn gia đình Murtaza được Messi gửi tiền lan rộng.
"Người dân Afghanista luôn tin rằng nếu ai có bất kỳ mối liên hệ nào với người nước ngoài, họ sẽ nhận được tiền", chú của Murtaza nói với BR.
Tuy nhiên, gia đình Murtaza không nhận được xu nào từ Messi. Bên trong hai chiếc hộp lớn được El Pulga gửi tới chỉ là một quả bóng và một chiếc áo số 10 của Argentina cùng chữ ký.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin Messi gửi tiền cho gia đình Murtaza. "Họ cứ hỏi tôi đã nhận được bao nhiêu từ Messi. Có nhiều người thậm chí lởn vởn quanh nhà tôi khi đêm xuống ", bố của Murtaza kể lại. "Tôi thấy rất phiền".
Bạn bè khuyên gia đình Murtaza nên nhân cơ hội này xin tỵ nạn ở phía Tây. Sau khi bán nhà và ôtô, gia đình Murtaza đăng ký tỵ nạn tại Pakistan.
Đơn xin tỵ nạn của gia đình Murtaza bị từ chối. Họ phải trở lại Jaghori. "Cuộc sống của gia đình tôi trở nên khốn khổ", ông Arif nói với AP.
Messi không như Ronaldo
7 tháng sau, Murtaza cuối cùng cũng rời Afghanistan, Tuy nhiên, đó không phải dạng tỵ nạn. Cậu bé và bố được Qatar mời tới dự trận giao hữu của Barca với CLB Al-Ahli.
Murtaza được gặp Messi, thậm chí cậu được siêu sao người Argentina nắm tay dắt ra sân.
"Thằng bé nói Messi rất dễ gần. Anh ấy còn xoa đầu nó", anh trai Murtaza kể lại. "Đây là một giấc mơ. Em bảo muốn ở lại với Messi và muốn chơi bóng cùng anh ấy", Murtaza nói. "Messi có trả lời, nhưng em không hiểu anh ấy nói gì".
Murtaza được ra sân cùng Messi trong trận giao hữu tại Qatar vào tháng 12/2016. Ảnh: Getty. |
Truyền thông thế giới một lần nữa phát sốt vì câu chuyện của Murtaza và Messi. Bố của Murtaza cũng "hạnh phúc" vì con trai đạt được giấc mơ, nhưng ông kỳ vọng hơn thế.
"Tôi nghĩ Messi sẽ giống Ronaldo", ông nói. CR7 trước đó được cho là giúp một cậu bé Syria tới tỵ nạn tại Tây Ban Nha, thậm chí cung cấp tiền để gia đình của cậu bé này sống được tại châu Âu. Bố của Murtaza tin việc gặp gỡ Messi tại Qatar là cơ hội để cả gia đình ông đổi đời.
Thực tế không như kỳ vọng của ông Arif. Ngay hôm sau trận đấu, ông và Murtaza tay trắng trở về quê nhà Afghanistan. "Chúng tôi tới Qatar để Messi có thể làm điều gì đó vì Murtaza là một CĐV nhiệt thành, nhưng không may là Messi chẳng làm được gì", ông Arif nói.
"Messi chẳng thể sánh với Ronaldo. Lẽ ra anh ấy nên giúp đỡ thằng bé".
Người dân quanh vùng không tin gia đình Murtaza ra về tay không khi gặp Messi ở Qatar. "Họ nói cháu có nhiều tiền từ Messi", Murtaza kể lại.
Mẹ của cậu bé chia sẻ như sau: "Họ cứ nói gia đình tôi đã gặp Messi và có tiền. Tuy nhiên, sự thật là anh ấy chẳng cho chúng tôi gì cả. Một đồng cũng không".
Điều tệ hại hơn còn tới sau đó. Một nhóm người lạ mặt gửi thư tới nhà Murtaza, đe dọa sẽ bắt cóc cậu bé để đòi tiền chuộc. Murtaza từng bị chặn lại trên đường tới trường. Người lạ mặt hỏi cậu bé có phải con trai của Arif không. Murtaza phải nói dối đấy là anh trai mình và được thả.
Gia đình Murtaza không cho cậu đi học nữa. Murtaza sau đó được gửi tới nhà một người chú tại Kabul, cách nhà gần 300 km. Trong gần một năm, Murtaza chỉ ở trong nhà chơi bóng cùng anh trai và các anh em họ.
Kabul bị đánh bom. Tính mạng của Murtaza lại bị đặt vào tình trạng nguy hiểm. Cậu bé muốn trở về quê nhà Jagohri. Tuy nhiên, ông Arif bảo con trai cứ ở lại Kabul. Gia đình muốn Murtaza tỵ nạn ở nước ngoài, nhưng mọi chuyện không thành.
Murtaza rơi vào vòng luẩn quẩn, không lối thoát. "Em không có bạn", cậu nói.
"Trước khi tới Qatar, thằng bé luôn vui vẻ. Nó luôn miệng chuyện với mọi người", chú của Murtaza nói. "Giờ thì không. Thằng bé có thể có nhiều cơ hội nếu ở các quốc gia khác. Tại đây, sự nổi tiếng ấy khiến chúng tôi bị đe dọa. Điều ấy lẽ ra không nên tới".
Bố của Murtaza nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể sống yên ổn trong suốt từng đấy năm qua".
Khi được hỏi liệu có từng ước bản thân chưa từng mặc chiếc áo bằng túi nylon in tên Messi, Murtaza nói: "Em vẫn sẽ mặc nó, vì em yêu Messi".