Chia sẻ với Zing, Giám đốc Nghệ thuật sân khấu Thế giới Trẻ Ngọc Hùng khẳng định sân khấu có thể chậm phát triển so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng vẫn có chỗ đứng và thế mạnh riêng. Vì vậy, sân khấu có thể chưa mang lại thu nhập ổn định cho diễn viên nhưng họ vẫn đam mê và gắn bó.
Cát-xê diễn viên đóng kịch cao nhất là một triệu đồng/đêm
- Trong cuộc chiến với nhiều loại hình giải trí, vì sao sân khấu Thế giới Trẻ vẫn giữ được lượng khán giả ổn định?
- Thế giới Trẻ có dàn diễn viên hài trẻ, xuất hiện nhiều trên truyền hình, mạng xã hội, được khán giả quan tâm như Nam Thư, Hải Triều, BB Trần, Minh Dự, Puka, Khả Như…
Những vở kịch của chúng tôi thường có nội dung bắt "trend" khá tốt, lồng vào các câu chuyện xã hội, mảng miếng hài thay đổi liên tục. Từng đêm diễn các vai diễn không có sự lặp lại. Vì vậy khán giả có thể tới sân khấu xem một vở kịch nhiều lần vẫn cảm thấy mới mẻ, thích thú. Trong khi đó phim ảnh, game show hay web drama không thể có sự thay đổi linh hoạt đó.
Hải Triều trong hậu trường sân khấu. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Nhưng thực tế sân khấu đang bị cho lỗi thời trong thời buổi công nghệ phát triển?
- Thực ra, sân khấu đang bị chậm hơn phim ảnh và các loại hình khác do cơ sở hạ tầng hạn chế nhiều, sàn diễn vẫn là kiểu đóng hộp, chưa áp dụng kỹ thuật mới. Trong khi đó, phim ảnh đã có bước tiến dài, cập nhật phương tiện về máy móc, công nghệ, dùng kỹ xảo hiện đại.
Ngay cả việc xây dựng một nhà hát tiêu chuẩn thì Việt Nam cũng chưa có. Trên thế giới, nhà hát được thiết kế rộng lớn, phục vụ kỹ xảo như bay trên không, thực hiện cảnh mưa, cảnh biển. Sân khấu Việt hiện vẫn tận dụng sức lực của diễn viên khá nhiều.
Nhưng vấn đề nhà hát lại thuộc quản lý, quy định của nhà nước. Một nhà hát tiêu chuẩn đòi hỏi có quỹ đất, kinh phí xây dựng… Những điều này tư nhân không thể đảm đương được.
- Để đầu tư một bộ phim điện ảnh hàng chục tỷ đồng, nhà sản xuất có thể thu về hàng trăm tỷ đồng. Còn sân khấu, mức độ đầu tư và thu hồi vốn thế nào?
- Với sân khấu, mỗi lần tăng giá vé một chút cũng là vấn đề bởi tăng 10-20 nghìn đồng có thể khiến khán giả so sánh hoặc không mua. Giá vé xem kịch ở nước ngoài có thể lên tới 100-200 USD như thế nhà sản xuất mới có thể đầu tư nhiều. Ở Việt Nam, đầu tư mỗi vở kịch đều phải gói ghém sao cho chi phí tiết kiệm nhất. Sân khấu Thế giới Trẻ chỉ có 350 ghế, như thế dù có đầy khán giả, số tiền thu về vẫn khá khiêm tốn.
Tôi không biết tương lai sẽ thế nào nhưng hiện tại sân khấu chỉ ở hoạt động ở giữ chân khán giả mà thôi. Các sân khấu cũng đa số làm kịch mang tính giải trí nhiều hơn nghệ thuật.
Với diễn viên, thu nhập và danh tiếng bên ngoài mang lại cho họ lớn hơn nhiều so với sân khấu. Đi show ngoài, họ nhận khoản tiền quá lớn, trong khi đó diễn một đêm, cát-xê cao nhất họ nhận được là một triệu đồng, thường là trên dưới một triệu.
Các nghệ sĩ trong một vở diễn. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Độ đầu tư và phủ sóng hạn chế nhưng vì sao sân khấu vẫn thu hút diễn viên. Họ vẫn coi sân khấu là thánh đường?
- Diễn ở sân khấu, người diễn viên được gần khán giả. Trong gần 3 tiếng, họ hóa thân thành một người khác và sống trọn vẹn với thế giới của nhân vật. Điều này khó có được khi diễn viên đóng phim bởi họ phải theo tiến bộ, bối cảnh, tâm lý thay đổi liên tục.
Trên thế giới, người ta luôn xem trọng diễn viên sân khấu. Diễn ở sân khấu luôn đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn các loại hình nghệ thuật khác. Ở Việt Nam, khả năng nghề nghiệp của họ cũng luôn được đánh giá cao. Thực tế, các diễn viên nổi tiếng hiện nay đa số xuất thân từ sân khấu. Diễn viên làm dàn bao, đảm nhận vai phụ đều là những ngôi sao kỳ cựu của sân khấu như anh Hữu Châu, chị Kim Xuân, Hồng Vân. Những nghệ sĩ trẻ hơn như Thu Trang, Diệu Nhi, La Thành, Puka cũng đều trưởng thành từ sân khấu.
Chưa bao giờ có trường hợp diễn viên hủy lịch
- Thu nhập từ sân khấu không đủ trang trải cuộc sống cho diễn viên. Vậy Thế giới Trẻ làm gì để giữ chân họ?
- Tôi và sân khấu không thể làm được điều đó. Hiện tại, có khá nhiều diễn viên đã rời sân khấu do thời gian không đảm bảo cho lịch diễn. Bản thân họ lại muốn bay xa hơn với nghề. Thực tế, lương từ sân khấu không thể đảm bảo thu nhập cho diễn viên nên tôi chấp nhận chuyện họ rời đi. Đến khi nào sân khấu chuyên nghiệp hơn, có thể ký hợp đồng với diễn viên, để họ cảm thấy sống được với nghề thì sẽ gắn bó lâu dài.
Bây giờ, họ chỉ đến với sân khấu ở giai đoạn khởi đầu, học hỏi kinh nghiệm, tạo dựng tên tuổi. Khi có tên tuổi họ làm sẽ chọn những công việc khác để mang lại nguồn thu nhập tốt. Mỗi diễn viên ở Thế giới Trẻ dù đắt show ngoài vẫn đóng góp cho sân khấu đều nằm đều do mối quan hệ tình cảm.
Đạo diễn Ngọc Hùng và BB Trần ở hậu trường sân khấu. Ảnh: NVCC. |
- Khi không có hợp đồng, cát-xê diễn tối đa chỉ là một triệu đồng, họ báo nghỉ đột ngột, hủy lịch diễn, anh đối diện ra sao?
- 10 năm qua tôi chưa từng chứng kiến diễn viên nào như thế. Không có ai bỏ đi đột ngột hay hủy show diễn phút cuối vì điều đó ảnh hưởng lớn đến đạo đức, tư cách của người diễn viên. Họ đều biết rằng làm điều đó, tiếng xấu sẽ lan rất nhanh và sau này ít ai còn dám làm việc với họ.
Với các diễn viên của Thế giới Trẻ, khi đã nhận lịch, họ sẽ đảm bảo thực hiện đúng. Có thể trong tháng, họ dành cho sân khấu lịch diễn rất ít nhưng sẽ giữ chắc chắn. Khi đó, dù có bận show ngoài, họ sắp xếp đều quay về. Họ biết rằng nếu không diễn, sẽ ảnh hưởng tới mọi người.
- Nghĩa là với các diễn viên trẻ như Minh Dự, BB Trần… chỉ cần anh mở lời, họ sẽ có mặt ngay dù cát-xê thấp?
- Đúng thế. Với dàn diễn viên trẻ như Khả Như, Puka, Minh Dự, BB Trần, khi tôi mời, họ đều tham gia diễn ngay. Thậm chí, thỉnh thoảng họ còn nhắc tôi sao lâu chưa làm kịch mới. Tới cuối tháng, tự động các bạn gửi lịch diễn tháng tiếp theo cho tôi. Tôi không biết các bạn sẽ còn gắn bó đến khi nào nhưng hiện tại luôn dành thời gian cho kịch.
- Cảm giác của anh thế nào khi một diễn viên ngôi sao trưởng thành từ sân khấu ra đi?
- Mỗi diễn viên đều có vị trí nhất định nên khi họ đi tất nhiên sẽ để lại một khoảng trống, sự hụt hẫng không chỉ với bản thân tôi mà cả ê-kíp. Ở sân khấu, luôn có những cặp diễn viên "hợp rơ" với nhau. Nếu một bạn rời đi, người còn lại phải diễn với người mới, như thế khó ăn ý như trước. Nhưng tôi luôn chuẩn bị tâm thế ai đó đều có thể rời sân khấu. Vì vậy, thời gian qua tôi đã tìm kiếm dàn diễn viên trẻ. Minh Dự, BB Trần được tôi phát hiện qua game show và mời họ về sân khấu đầu quân.
Minh Dự và Quang Tuấn trong buổi tập kịch "Ngược gió". Ảnh: NVCC. |
- Vậy một diễn viên linh hoạt ở game show có thể trở thành diễn viên giỏi trên sân khấu không?
- Tôi không thể khuyên diễn viên phải làm thế nào mà chính các bạn phải ý thức, tư duy phát triển nghề nghiệp lâu dài. Diễn viên xuất hiện trên game show, thường thể hiện những gì thuộc về bản năng, cá nhân của họ nhiều hơn diễn xuất, hóa thân. Các diễn viên game show đòi hỏi phải có sự hoạt ngôn, mang lại tiếng cười cho người xem. Không phải ai cũng có thể làm được điều đó đâu.
Tuy nhiên, có nhiều diễn viên nổi tiếng ở game show nhưng về sân khấu diễn lại không thể hóa thân được vào nhân vật. Các bạn diễn vai gì vẫn là hình ảnh của mình ở game show. Lúc đó, sân khấu khó có thể chấp nhận được họ.