Ở hai kỳ trước, Zing.vn khai thác vấn đề thí sinh tham gia quá nhiều cuộc thi truyền hình dẫn đến việc khán giả nhàm chán và phân tích lý do game show “hút” người chơi như hiện nay.
Ở kỳ cuối, phóng viên đã tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất, những diễn viên kỳ cựu trước thực trạng chung.
'Không thể một bước thành sao'
Hơn chục năm trước, các cuộc thi âm nhạc như Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn… dành cho những ca sĩ có thực lực hoặc các game show chỉ mời những gương mặt nổi tiếng. Nhưng ngày nay chương trình truyền hình lại ưu ái cho mọi đối tượng.
Đạo diễn kiêm Tổng giám đốc Vũ Thành Vinh của Khang Media (đơn vị sản xuất loạt chương trình thuần Việt như Cười xuyên Việt, Solo cùng Bolero, Cùng nhau tỏa sáng…) thừa nhận truyền hình là phương tiện truyền thông đại chúng, giúp thí sinh có cơ hội giới thiệu tài năng của mình đến công chúng.
NSƯT cho rằng việc xuất hiện ở truyền hình ngoài việc để người chơi thể hiện khả năng, họ còn được rèn luyện kỹ năng, học hỏi thêm kinh nghiệm mới, khẳng định cá tính và chuyển tải thông điệp tích cực đến khán giả.
Cơ hội này mà những bạn trẻ sẽ khó thể tìm được ở bất kỳ đâu và hiệu quả hơn những sân chơi khác.
Bùi Anh Tuấn nổi tiếng chỉ sau một đêm nhưng sau đó lại tụt dốc không phanh. |
Cũng theo ông Vũ Thành Vinh, thực tế đã có rất nhiều gương mặt thành công bước ra từ những chương trình truyền hình nổi tiếng và có chỗ đứng trên thị trường giải trí. “Đó cũng chính là mãnh lực để hút rất nhiều bạn trẻ tìm đến các cuộc thi trên truyền hình mong muốn có cơ hội đổi đời”, vị đạo diễn nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Thị Bích Liên, giám đốc công ty Sóng Vàng, đơn vị sản xuất chương trình Gương mặt thân quen, cũng cho rằng game show là công cụ mang nghệ sĩ đến gần với khán giả.
Theo bà Liên, ngày xưa có các cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, Tiếng hát truyền hình… còn giờ đây xã hội phát triển nên hình thức có sự đa dạng. Tuy nhiên, bà cho rằng mục đích người tham gia đều giống nhau, đó là hướng đến sự nổi tiếng.
Thế nhưng, cơ hội nổi tiếng lại không dành cho nhiều người. “Để biến cơ hội thành hiện thực, ngoài tài năng thì thí sinh còn phải cố gắng rất nhiều. Không đơn giản một bước thành sao”, ông Vũ Thành Vinh nói.
Cát-xê của nghệ sĩ Việt chơi game show là không ít
Song song với việc thí sinh (người thường) tìm kiếm cơ hội ở các cuộc thi, người nổi tiếng cũng tìm cách bám trụ với nghề bằng game show. Khi sân khấu kịch “giãy chết”, diễn viên ngoài việc đóng phim thì tham gia game show là cách họ tồn tại với nghề.
Vì lẽ đó, bà Bích Liên nhận định nghệ sĩ chơi game show nếu may mắn sẽ đoạt giải, còn không cũng có cát-xê. Đây là lý do thiết thực nhất với các nghệ sĩ trẻ.
Sau scandal có con với em gái Thanh Thảo, sự nghiệp ca hát của Ngô Kiến Huy bị chững lại. Nhưng vài năm sau, khi truyền hình thực tế bùng nổ, “chàng Bắp” đã có cơ hội trở lại. Nhờ ngoại hình điển trai, lại khá hoạt ngôn nên nam ca sĩ sinh năm 1988 có cơ hội làm MC cho cuộc thi The Voice Kids đến Thách thức danh hài, Ai dám hát, Nhạc hội song ca, Người hùng tí hon…
Việc xuất hiện ở các game show giúp Ngô Kiến Huy trau dồi sự duyên dáng, khả năng ứng biến linh hoạt. Từ sau Ơn giời, cậu đây rồi!, bạn trai Khổng Tú Quỳnh tham gia hàng loạt các game show hài như Ai cũng bật cười, Bí mật đêm chủ nhật, Kỳ tài thách đấu, giữ vai trò phó phòng ở Ơn giời…
Ngô Kiến Huy từng phát biểu muốn chuyển hướng sang hình ảnh đa năng nhưng không thể phủ nhận giọng ca điển trai đã “lơ là” âm nhạc. Trường Giang từng “mỉa mai” đàn em khi cho rằng Ngô Kiến Huy đã tạm ngừng sự nghiệp ca hát, giờ chỉ tập trung chơi game show và đóng phim. Anh đã đính chính lại “còn đi hát chút chút”.
Từ sau khi đăng quang Gương mặt thân quen mùa 3, Thanh Duy đã chạy show trong và ngoài nước đến mức trầm cảm. Nam ca sĩ cho biết dù mang ơn Tổ nghiệp song cũng đã phải điều chỉnh lại lịch làm việc.
Nhờ nét duyên vốn có, lại khá thông minh trong cách xử lý tình huống nên anh dần đắt show khi tham gia các chương trình hài truyền hình. Nam ca sĩ gốc miền Tây trở nên quen thuộc ở các game show như Bí mật đêm chủ nhật, Ơn giời cậu đây rồi, Giải mã cơ thể, Người bí ẩn…
Ngô Kiến Huy từng phải đính chính "có đi hát chút chút" để bầu show không quên mình. |
Thế nhưng, việc xuất hiện không chọn lọc đã khiến Ngô Kiến Huy lẫn Thanh Duy trở nên “một màu”. Nếu “chàng Bắp” bị ảnh hưởng bởi cách dẫn chương trình của Trấn Thành thì giọng ca Tonight lại gây nhàm chán bởi “sự tăng động” ở hầu hết chương trình.
Dù rằng phải có sự đa năng, các nghệ sĩ mới có chỗ đứng ở lĩnh vực khác, nhưng yếu tố quyết định để họ “bán tên tuổi” cho game show chính là cát-xê. Mức cát-xê của các gương mặt kể trên không thể so sánh với Hoài Linh hay Trấn Thành, Trường Giang nhưng cũng dao động từ 200-500 triệu đồng cho một game show (quay khoảng 1-2 tháng) và trong khoảng thời gian này họ có thể chạy show ca hát.
Diễn viên Thân Thúy Hà từng tiết lộ chị được mời tham gia ba game show với mức cát-xê bằng một năm đóng phim. Nhưng vì con trai không thích xuất hiện nên chị từ chối.
Với mức cát-xê hấp dẫn, nhiều nghệ sĩ chỉ tập trung chơi game show, chỉ phát hành sản phẩm “cho có” vì thị trường nhạc Việt giai đoạn này bị chi phối bởi sự may rủi.
Nhưng về lâu dài, những người này rất dễ bị đào thải. Bởi suy cho cùng, diễn viên sống đời nhờ vai diễn, ca sĩ tồn tại được lâu phải nhờ đến bản hit. Diễn viên Tiết Cương khẳng định chỉ có tác phẩm mới làm nên tên tuổi của nghệ sĩ, nếu sống nhờ bằng game show sẽ dễ bị “bào mòn”. Cũng theo anh, sản phẩm của cá nhân mới đủ sức phản ánh khả năng của nghệ sĩ.
'Chiến thắng ở một game show chưa đủ để làm nghề'
Dù hàng triệu thí sinh lao vào các cuộc chơi trên sóng truyền hình, nhưng thực tế không mấy ai thành công. Nói về điều này, đạo diễn Vũ Thành Vinh thẳng thắn phát biểu: “Chiến thắng trong một show truyền hình chỉ là bước khởi đầu cho hành trình chinh phục khán giả"
"Bước nhảy sau đó có được cao và xa hơn hay không phụ thuộc chính vào sự nỗ lực và phấn đấu của các quán quân, á quân. Sân khấu lớn nhất vẫn là thực tế và giám khảo khó tính nhất chính là khán giả”, anh khẳng định.
Nổi tiếng chỉ sau một đêm, bị ảo tưởng trước sự tung hô quá đà của giám khảo và truyền thông, nhiều gương mặt mới đã không thể đứng vững sau thực tế. Nghệ sĩ Minh Nhí từng cảnh báo giới trẻ đừng rơi vào cạm bẫy của hào quang. Anh cho rằng danh hiệu quán quân chỉ là một bước đệm để vào nghề.
“Một vài bạn tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn rồi đi thi game show, đạt danh hiệu quán quân rồi cứ nghĩ bấy nhiêu đã đủ làm nghề. Nhưng thực tế, khi cần vào vai có sức nặng, họ lại bị đuối vì thiếu kinh nghiệm, chiều sâu. Thế nên, lúc nào cũng phải khiêm tốn để học hỏi. Muốn đi đường dài phải học, học mãi”, Minh Nhí nói.
Vũ Cát Tường sau The Voice đã chứng minh được thực lực trên thị trường nhạc Việt. |
Bà Vũ Thị Bích Liên cũng có lời khuyên cho giới trẻ trong việc tiếp cận các cuộc thi để nổi tiếng: “Nếu đã thi một vài chương trình mà thất bại, thí sinh nên tìm format mới lạ vì mình đã không đủ tiêu chí thì có thi nhiều cũng sẽ thất bại. Hơn nữa, việc tham gia quá nhiều sẽ khiến thí sinh bị nghèo nàn ý tưởng dẫn đến việc bị loại sớm”.
Trong “cơn lốc” truyền hình, từng có nhiều ý kiến nói về việc thí sinh bỏ tiền mua giải. Bà Bích Liên không ngại lý giải vấn đề này: “Đa số các thí sinh đi thi đều là những nghệ sĩ chưa thành danh, thì làm sao có tiền để ‘mua’ nhà sản xuất.
Mỗi game show hiện nay được đầu tư quy mô, hoàng tráng với sự đầu tư ít nhất khoảng 10 tỷ đồng, tôi nghĩ thí sinh không đủ giàu để bỏ ra ngần ấy tiền đâu. Tiêu chí của mỗi chương trình cũng khác nhau, không phải cứ hát hay mới được vào vòng trong, nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố như phong cách trình diễn, giao tiếp với khán giả…
Nhà sản xuất cũng sẽ tính đến những gương mặt nào có khả năng đoạt giải quán quân, thường chúng tôi sẽ chọn những ai có khả năng sẽ bật lên trong tương lai để hỗ trợ họ”.