Lộn nhiều vòng trên không với đủ mọi kiểu dáng, múa gậy, đấm bao cát, gương mặt anh Bùi Văn Hải lấm tấm mồ hôi. Anh hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ cascadeur Bảo An với hàng chục thành viên.
Nhìn những màn võ thuật và nhào lộn đẹp mắt, ai cũng xuýt xoa nhưng anh Hải cười bảo: “Dù đẹp thế nào chúng tôi cũng chỉ là diễn viên đóng thế. Có diễn viên đóng thế nào sống được bằng nghề đâu?”.
Diễn viên đóng thế thu nhập cao nhất 6 triệu/tháng
Anh Hải kể mình gắn bó với nghề diễn viên đóng thế đã hơn 20 năm qua. Nhìn lại 20 năm, anh cho rằng nghề đóng thế ở Việt Nam không phát triển vì không ai sống được với nghề. Nếu diễn viên chính nhận cát-xê hàng tỷ đồng mỗi phim thì diễn viên đóng thế chỉ nhận cao nhất 20 triệu đồng. Mức 20 triệu đồng từ phim Dòng máu anh hùng mà đã cách đây 10 năm.
Đạo diễn võ thuật Bùi Văn Hải trong giờ tập luyện. Ảnh: Bá Ngọc. |
Bản thân anh Bùi Văn Hải là con nhà võ. Anh từng vô địch Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc các năm 1995, 1996, 1997, 1999. Vì thế anh Hải gắn bó với võ thuật, nghề đóng thế như duyên nợ.
Hiện anh đảm nhận trách nhiệm trụ cột kinh tế gia đình từ công việc kinh doanh mở công ty vệ sĩ, truyền thông, chứ không phải từ nghề diễn viên đóng thế. Tôi thắc mắc nếu không đem lại thu nhập anh mở câu lạc bộ cascadeur làm gì? Anh Hải cho biết: “Tôi dạy các em từ xưa đến nay chưa từng lấy học phí bao giờ. Ai thích học thì tôi dạy. Nếu không có học trò, tôi tự tập. Đó là đam mê của tôi”.
Nói như thế không có nghĩa bất cứ học trò nào xin học anh cũng dạy. “Ai đến xin học tôi đều hỏi có việc làm chưa. Nếu chưa, đến học để nhằm theo nghề kiếm tiền thì tôi từ chối ngay. Còn học vì vui, vì thích thì tôi dạy”, anh kể.
Nhắc đến cuộc sống của diễn viên đóng thế, anh Hải khẳng định: “Họ làm gì có cuộc sống. Đâu có ai sống được với nghề này”.
Anh kể vào thập niên 1990, anh em diễn viên đóng thế đời đầu quy tụ nhiều người giỏi võ, lửa nghề chảy bỏng. Nhưng chẳng bao lâu "cơm gạo không đùa với khách thơ" đã làm tắt lụi lửa nghề trong họ. Không có phim hành động để đóng, họ chuyển qua biểu diễn sân khấu. Việc kiếm sống bằng nghề múa minh họa đó khiến dân đóng thế đau lòng nhưng không còn cách gì khác.
Năm 2007, bộ phim Dòng máu anh hùng được thực hiện với kinh phí 2 triệu USD, anh Bùi Văn Hải cho hay đã làm sống dậy nghề cascadeur ở Việt Nam. Không chỉ được đóng phim trong 3 tháng, mà anh em cascadeur còn nhận được cát-xê hậu hĩnh hơn trước.
Trước đó, mỗi phim, diễn viên đóng thế chỉ nhận được 1-1,5 triệu đồng cho 3 ngày làm việc thì đến Dòng máu anh hùng họ được nhận 700.000 đồng cho một ngày làm việc. Riêng ngày tập họ cũng nhận được cát-xê dù thấp hơn là 250.000 đồng.
Anh Hải khẳng định diễn viên đóng thế không thể sống được với nghề. Ảnh; Bá Ngọc. |
10 năm trôi qua mọi thứ đều tăng cao, lương diễn viên chính lên tới hàng tỷ đồng nhưng diễn viên đóng thế vẫn nhận mức lương như xưa. “Lương diễn viên đóng thế chỉ tăng chút đỉnh, một ngày làm 12 tiếng, chúng tôi nhận được 800.000 đến một triệu đồng. Có nhà sản xuất còn chèn ép, nhận giá đó nhưng lại bắt quay 24 tiếng. Ấy vậy, anh em không ai dám bỏ vì bỏ thì việc đâu mà làm”, anh Hải xót xa cho biết.
Vừa băng bó chấn thương cho học trò sau pha nhào lộn khó, anh Hải khẳng định thu nhập của nghề diễn viên đóng thế giỏi và đắt show nhất cũng chỉ đạt 6-7 triệu/tháng bởi số lượng phim điện ảnh ít, phim hành động càng ít hơn nữa.
“Bây giờ không còn phim hành động nào đầu tư lớn như Dòng máu anh hùng. Hành động bây giờ chỉ như gia vị thêm màu sắc cho phim nên số ngày quay của diễn viên đóng thế rút gọn trong 2-3 ngày”, anh nhấn mạnh.
Không đủ tiền trang trải cuộc sống, diễn viên đóng thế không còn cách nào khác phải chuyển nghề. Anh Hải tiết lộ đa số học trò của anh hiện phải chạy Grab, Uber và xe ôm để kiếm sống.
Công việc đó linh động thời gian nên khi có show phim, anh em lại nghỉ chạy xe, ra phim trường. Anh nói: "Thực tế nếu một ngày chạy xe chăm chỉ cũng kiếm được 500.000 -700.000 đồng nhưng cũng vì là đam mê anh em lại bỏ chạy xe đi đóng phim".
Tai nạn, chấn thương, diễn viên đóng thế tự chịu
Nhận mức cát-xê thấp trong khi phải đối diện với vô vàn đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng trên phim trường, điều mọi người thắc mắc là diễn viên đóng thế được bảo hiểm thế nào? Nếu tai nạn xảy ra, họ sẽ được hỗ trợ, đền bù ra sao?
Anh Hải tập nhào lộn mỗi ngày. Ảnh: Bá Ngọc. |
Cũng như với câu hỏi về mức cát-xê, anh Hải mỉm cười nghẹn ngào. Anh cho biết: “Không có bảo hiểm nào bán cho người làm nghề diễn viên đóng thế. Nếu có thì rất cao, tới hơn 10 triệu/năm, vậy ai mua được? Bảo hiểm diễn viên đóng thế được mua chung với cả đoàn phim là khi tai nạn chết người xảy ra thì được bảo hiểm trả 20 triệu đồng. Mạng người rẻ lắm chỉ 20 triệu đồng thôi. Thực hiện một cú nhảy đánh đổi tính mạng từ tầng 2 xuống đất giá chỉ 4 triệu đồng và làm nhiều lần”.
Anh Hải tâm sự gắn bó với nghề diễn viên đóng thế là chấp nhận đón nhận đau đớn, chấn thương. Bản thân anh khắp người bị chấn thương. Anh từng bị gãy tay, chân, nứt gót chân, gãy xương vai, thoái hóa cột sống, đốt sống cổ. Có lần anh thực hiện cú nhảy từ tầng 22 sang tầng 23, cách xa 4 m mà không có bất cứ thiết bị nào hỗ trợ nên bị nứt hai gót chân.
Với đồng nghiệp, anh từng chứng kiến không ít những tai nạn thương tâm hơn. Không hẳn là máu, tính mạng nhưng hậu quả sau những pha hành động ấy nguy hiểm hơn nhiều. Đó là việc một số diễn viên đóng thế bị ảnh hưởng thần kinh, đầu óc không thể trở lại bình thường.
Đối với tai nạn xảy ra trên phim trường, diễn viên đóng thế được nhà sản xuất hỗ trợ nhưng đây hoàn toàn là do tình nghĩa chứ không phải trách nhiệm. “Nếu họ không lo thì cũng không sao vì không có điều kiện gì ràng buộc”, anh Hải nói.
Anh Hải tập võ khi mới 5 tuổi. Ảnh: Bá Ngọc. |
Theo anh nghề diễn viên đóng thế bạc bẽo không chỉ vì thu nhập thấp, nguy hiểm cao mà còn đó là cách nhìn nhận của đoàn phim. “Ra phim trường có ai tôn trọng diễn viên đóng thế đâu”. Bạc bẽo là thế nhưng anh Hải khẳng định bản thân và nhiều đồng nghiệp vẫn gắn bó với nghề vì đam mê đó đã thấm vào máu.
Anh Bùi Văn Hải thuộc thế hệ cascadeur đầu tiên tại TP.HCM. Anh từng tham gia đóng và đạo diễn hành động hàng trăm phim tại Việt Nam và tại các nước như Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan như Duyên trần thoát tục, Huyền thoại bất tử, Để Mai tính, Long Ruồi, Lửa Phật, Hiệp sĩ mù, Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Trận đấu định mệnh.