Trong những khu phố chật hẹp ở khu Sai Ying Pun - trung tâm của ngành buôn bán đồ hải sản khô của Hong Kong - hầu hết cửa hàng đều có bày bán một mặt hàng phổ biến: vây cá mập. Đặt trên kệ, nhét trong lọ hay xếp trong túi, vây cá mập xuất hiện ở mọi hình dạng và kích cỡ. Một số cửa hàng thậm chí còn ghi luôn cả cụm từ vây cá mập vào thương hiệu của họ.
Vây cá mập là ngành kinh doanh đầy lợi nhuận, một catty (đơn vị đo lường Hong Kong, bằng 604,8 g) vây cá mập có giá 6.800 HKD, tương đương 895 USD. Đặc khu là nơi nhập khẩu số lượng vây cá mập nhiều nhất thế giới, và là đích đến của 50% số lượng vây cá mập được khai thác trên thế giới.
Một cửa hàng bày bán vây cá mập ở Hong Kong. Ảnh: AFP. |
50 triệu con cá mập bị giết/năm cho nhu cầu của Hong Kong
Tại khu Sai Ying Pun có bán vây cá mập từ hơn 100 quốc gia với 76 loài cá mập và cá đuối khác nhau, một phần ba trong số này là những loài đang bị đe doạ tuyệt chủng.
Tháng 5 vừa qua, giới chức Hong Kong đã phát hiện và thu giữ lô vây cá mập kỷ lục với 26 tấn bên trong 2 container từ Ecuador. Ước tính số vây này được cắt ra từ khoảng 38.500 con cá mập đang bị đe doạ. Việc khai thác vây cá mập thường được thực hiện ngay sau khi con vật được đưa lên thuyền, vây của chúng được cắt đi, và con vật đáng thương, chảy máu bị thả xuống biển, khi chúng đang còn sống, không thể bơi, và chết dần dần vì mất máu.
Nhiều nước và các hiệp ước đánh bắt cá quốc tế đã cấm hành vi khai thác kiểu này, nhưng việc buôn bán và tiêu thụ vây cá mập vẫn là hoạt động hợp pháp tại Hong Kong. Mặc dù sản phẩm từ những loài cá mập đang bị đe doạ cần được đi cùng với một giấy phép mà chính quyền cấp cho, và tội buôn bán không có giấy phép có thể bị phạt 10 năm tù hoặc/và 10 triệu HKD (khoảng 1,3 triệu USD), nhưng hiếm khi có vụ việc nào bị truy tố.
Được cho là một món mỹ vị cũng như điều thể hiện đẳng cấp sang trọng, vây cá mập thường dùng để chế biến món súp phục vụ đám cưới cũng như tiệc gia đình.
"Bản thân vây cá mập không có vị gì. Vị của món ăn đến từ nước dùng. Và mọi người chỉ thích nước súp vây cá mập, và thích nó bởi sự xa xỉ. Đó là văn hoá tiêu thụ vì sự nổi tiếng. Người dùng muốn thể hiện sự giàu có và địa vị bằng cách đặt mua mặt hàng tốt nhất hoặc đắt nhất", bà Andrea Richey, giám đốc tổ chức bảo tồn Hong Kong Shark Foundation, nhận định.
Một điều tra được thực hiện năm 2018 của tổ chức cho thấy khoảng 85% nhà hàng Trung Hoa ở Hong Kong vẫn phục vụ món ăn có vây cá mập. Các container mặt hàng này được đưa đến thành phố hàng ngày, và thường được dán nhãn là một mặt hàng khác để tránh hải quan kiểm tra.
Cảnh sát Hong Kong thu giữ 26 tấn vây cá mập hồi tháng 5, ước tính trị giá hơn 1 triệu USD. Ảnh: Alamy. |
"Khi tôi biết rằng 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm, và một nửa trong số đó được đưa đến Hong Kong, tôi cảm thấy hoàn toàn kinh ngạc. Đây là một vấn đề toàn cầu mà chúng ta phải giải quyết. Trong vòng 50 năm qua chúng ta đã mất đi khoảng 90% số lượng cá mập trên các đại dương", bà Richey cho biết.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều vụ bắt giữ các lô hàng vây cá mập được đưa vào Hong Kong một cách trái phép. Tuy nhiên các tổ chức bảo tồn cho rằng chính quyền đặc khu cần phải làm nhiều hơn để kiểm soát ngành buôn bán đầy lợi nhuận này, nhằm chặn đứng việc khai thác quá mức.
"Điều cơ bản là chính quyền Hong Kong cần phải coi buôn lậu động vật hoang dã là một tội nghiêm trọng, và đưa nó vào danh mục 1 của Pháp lệnh về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng (OSCO), qua đó ngăn chặn các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sử dụng đặc khu làm điểm trung chuyển chính cho đường dây buôn lậu động vật hoang dã", bà Gloria Lai Pui-yin, chuyên viên bảo tồn của Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại Hong Kong, chia sẻ.
Giống như buôn bán ma tuý
Thêm vào đó, các chủ cửa hàng bán vây cá mập khô thường không biết sản phẩm họ đang bán là thuộc về những loài động vật đang bị đe doạ tuyệt chủng.
"Nếu bạn hỏi các chủ cửa hàng, nhiều người trong số họ không biết vây cá mập mình đang bán là thuộc loại nào, vì vậy họ không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật. Đó là lý do chúng ta phải đưa tất cả các loại cá mập vào danh sách cần được bảo vệ, nếu không thì họ sẽ cứ bán bất cứ loại vây nào họ có", bà Richey nhận định.
Ở trên đại dương, nhiều ngư dân cũng phụ thuộc vào ngành săn bắt cá mập, mặc dù họ chỉ được trả công bèo bọt. Bà Madison Stewart là một nhà bảo tồn đang làm việc ở Indonesia, quốc gia đánh bắt nhiều cá mập nhất thế giới, bà vừa thành lập Dự án Hiu (hiu nghĩa là cá mập trong tiếng Indonesia) nhằm giúp các ngư dân từ bỏ săn cá mập và sang làm việc trong ngành du lịch.
Bà Stewart chỉ ra rằng bất chấp việc vây cá mập là mặt hàng xa xỉ, những ngư dân bị bóc lột thậm tệ và một chuyến đi biển kéo dài 2 tuần chỉ giúp họ kiếm được khoảng 66 USD.
"Chẳng ai được nghe câu chuyện về những người đang thực sự chịu khổ vì ngành thương mại này. Tôi cảm thấy buôn bán vây cá mập cũng tương đồng với ngành buôn bán ma tuý. Nó diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Có quá nhiều tiền liên quan, nhiều thứ bất hợp pháp, tham nhũng và bóc lột. Và rõ ràng là nó vẫn có một sự vững chắc trong văn hoá của Hong Kong", bà Stewart cho hay.
Alex Hofford, một nhà điều tra buôn bán trái phép động vật hoang dã độc lập cho biết với sự chú ý hiện tại của truyền thông vào Covid-19 và làn sóng bất ổn ở Hong Kong, việc buôn bán vây cá mập ít được chú ý hơn bình thường.
Sau một chiến dịch phản đối bên ngoài các nhà hàng của họ, Maxim - chuỗi ẩm thực lớn nhất Hong Kong - đã đồng ý bỏ món súp vây cá mập ra khỏi thực đơn của họ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, các chuỗi khác trong đó có Choi Fook và Palace Banquet Group - 2 công ty bao trọn các đám cưới diễn ra ở Hong Kong - vẫn tiếp tục bán vây cá mập với số lượng lớn.
Các ngư dân Indonesia trong một chuyến đánh bắt cá mập, đất nước Đông Nam Á là nơi đánh bắt cá mập nhiều nhất thế giới, phần lớn trong số đó được đưa đến Hong Kong. Ảnh: WildAid HK. |
"Hai công ty này được cho là đóng vai trò lớn nhất trong sự suy giảm số lượng cá mập trên toàn cầu. Những thương lái, người mua vây cá mập từ những nơi như Ecuador, là bên cung cấp mặt hàng này cho 2 công ty", ông Hofford cho hay.
Sau vụ việc gây chấn động hồi tháng 5, cảnh sát Hong Kong đã bắt một người đàn ông 57 tuổi ở Sai Ying Pun do có liên quan đến vụ việc. Người này đã được thả sau khi trả tiền bảo lãnh và quá trình điều tra vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, bà Richey cho biết những gì mà người ta nhìn thấy ở các cửa hàng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng tôi muốn mọi người nhận ra rằng khi việc mua vây cá mập chấm dứt, vấn đề cá mập bị giết trên toàn thế giới cũng sẽ chấm dứt", bà Richey nói.