Trao đổi với Zing.vn, Cát Tường thẳng thắn đánh giá về các chương trình hẹn hò hiện tại cũng như vai trò, khả năng MC của mình trong Bạn muốn hẹn hò. Nữ diễn viên tự tin về khả năng MC dù có ý kiến trái chiều cho rằng chị thẳng thắn, sỗ sàng quá.
'Nhiều người chê cách dẫn của tôi sỗ sàng'
- Bạn muốn hẹn hò đã bước sang năm thứ 5 phát sóng, theo chị đâu là lý do khiến chương trình có sức sống như vậy?
- Nếu là game show có kịch bản thì sẽ bị lặp lại vì hết nội dung khai thác. Còn Bạn muốn hẹn hò là chương trình truyền hình thực tế, mọi thứ trên sân khấu tự nhiên, phụ thuộc vào người chơi. Bản gốc của chương trình ở Nhật Bản phát sóng hàng chục năm và MC của chương trình đã làm việc đến già luôn.
Sức hấp dẫn của chương trình còn nằm ở tính chân thật, khả năng kết nối thật sự cho những người cô đơn, độc thân. Có những cặp đôi khiến tôi rất xúc động khi trở thành ông mai bà mối cho họ. Ví dụ một anh chàng gãy đổ và có con trai nhưng cô gái vẫn chấp nhận.
Ngược lại cô gái có con, trải qua đổ vỡ rồi nhưng chàng trai độc thân vẫn bấm nút. Mỗi số phận, cuộc đời đến với chương trình đều khác nhau vì vậy làm cho chương trình tồn tại lâu, không có sự lặp lại.
Cát Tường trong buổi ghi hình Bạn muốn hẹn hò. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Chứng kiến nhiều câu chuyện về tình yêu, đem tới cho chị những trải nghiệm gì trong cuộc sống và tình cảm?
- Khi bắt gặp những tình cảm đẹp, tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Chuyện tình yêu không có bất cứ quy tắc, tiêu chuẩn nào, quan trọng nhất vẫn là cảm xúc.
Trên sân khấu, hai người tưởng như hợp nhau mọi chuyện nhưng khi trò chuyện họ lại quyết định không bấm nút. Ngược lại có những cặp tưởng như không hòa hợp nhưng cuối cùng lại chọn hẹn hò.
Cuộc sống muôn vẻ không ai giống ai, vì thế không thể nhìn mọi thứ qua vẻ ngoài mà đánh giá toàn diện được.
- Bên cạnh những lời khen có ý kiến trái chiều về cách dẫn của chị trong Bạn muốn hẹn hò hơi thẳng và sỗ sàng quá?
- Trên Facebook có nhiều lời bình luận về vai trò MC của tôi, có khen và cũng có lời chê. Làm dâu trăm họ thì làm sao có thể hài lòng tất cả. Vài người đánh giá tôi hỏi sỗ sàng, nói chuyện vô duyên.
Tôi chỉ nghe và tiếp thu ý kiến cái gì mình thấy đúng. Tại sao tôi làm được chương trình 5 năm nếu không phù hợp tiêu chí của nhà sản xuất? Số đông khán giải yêu thích tôi cũng là câu trả lời.
Khi làm việc gì tôi cũng phải đưa cá tính vào công việc. Mình không thể nhận lương để nói những điều mình không thích. Tôi không thích thì sẽ nói không. Làm việc không có cảm xúc thì khác gì robot. Ví dụ thấy bạn trai xuất hiện vô duyên, cợt nhả quá thì tôi phải nói không thích chứ.
MC cá tính thì chương trình mới mời, chứ ai lên MC cũng vuốt khen thì lại không đúng. Người mai mối phải có tâm chứ. Tôi đã làm việc gì thì hết lòng, có khi còn khóc trên sân khấu, xúc động với những gì họ chia sẻ.
- Có ý kiến khác lại cho rằng MC của Bạn muốn hẹn hò mà gãy đổ trong hôn nhân thì chưa thuyết phục?
- Đó là suy nghĩ của một số người. Gãy đổ trong hôn nhân lại có quá nhiều kinh nghiệm tình trường, đưa ra những lời khuyên, chia sẻ với người tham gia. Ý nghĩ là gãy đổ hôn nhân thì không nên dẫn dắt kỳ cục lắm. Chuyện gãy đổ đâu có nói lên phẩm giá, đạo đức của mình. Gãy đổ do mình không may mắn thôi. Tôi vẫn tự tin về kinh nghiệm cuộc sống, tình yêu của mình.
Tôi luôn hi vọng mình và anh Quyền Linh muốn theo chương trình đến cuối cùng nên không có khái niệm làm hời hợt để rồi bị thay thế giữa chừng.
Nói thật không phải tự khen mình, tôi đã làm chương trình bằng cả cái tâm và đạo đức. Người dẫn dắt là người cầm trịch chương trình phải chú ý lắng nghe và tạo chất xúc tác cho người tham gia. Lợi thế của tôi và anh Quyền Linh là nắm bắt tâm lý của người chơi rất nhanh.
Nhận cát-xê cao sẵn sàng tham gia các chương trình hẹn hò
- Khán giả khó tin rằng tình cảm của hai người tham gia chương trình có thể bắt đầu từ vài câu nói tìm hiểu về quan điểm sống trên sân khấu, còn chị?
- Tôi tin chứ. Hai người chỉ cần nhìn nhau là biết cảm xúc dành cho nhau thế nào. Người tham gia chương trình đa số muốn tìm được một nửa nhưng cũng có trường hợp không thật tình, chỉ là muốn xuất hiện trên tivi. Với những trường hợp này tôi nhìn thấy liền, sẽ chỉ trích ngay trên sân khấu và khuyên người kia không cần thiết thì không bấm nút.
Không ít khán giả lại thắc mắc về tính chân thật của các cặp đôi. Nói thật, nếu họ tự tạo được cơ hội thì họ đã không ế, không cần tìm đến chương trình. Ở đây ban biên tập tìm kiếm những hồ sơ phù hợp và ghép đôi cho họ. Vì thời lượng có hạn, chương trình chỉ cho các cặp đôi 20-30 phút trên sân khấu tìm hiểu nhau. Đây là cơ hội đầu tiên, giúp họ có chiếc cần câu.
Còn đi tới hôn nhân được hay không là do họ. Vì thế những người bấm nút trên sân khấu nhưng không phải tất cả đều đi tới hôn nhân. Bấm nút chỉ là để trao cho nhau cơ hội hẹn hò mà thôi.
Cát Tường và Quyền Linh được khán giả yêu thích trong Bạn muốn hẹn hò. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Người tham gia chương trình đa số là 9x, có nghề nghiệp tốt. Điều này khó tin là họ cần phải có người mai mối?
- Chương trình mong muốn có nhiều đối tượng hơn nữa như người đã qua đổ vỡ, chưa tìm được tình yêu ở tuổi U40, U50. Tuy vậy những người như thế họ vẫn ngại, chưa dám tham gia chương trình.
Tôi cũng từng thắc mắc về điều này và hỏi ý kiến của vài bạn trẻ, đẹp xinh như vậy mà sao phải tìm đến chương trình. Họ cho biết là cảm thấy chương trình là chiếc cầu nối nghiêm túc, uy tín. Tìm ở ngoài có khi gặp những mối không tử tế.
- Nếu làm phép so chương trình giữa Bạn muốn hẹn hò và các chương trình khác, chị sẽ nói gì?
- Mỗi chương trình có một fomat khác nhau, ý nghĩa và đặc thù khác nhau. Tôi thấy, đa số các chương trình khác là gameshow đều cần có kịch bản. Còn Bạn muốn hẹn hò là truyền hình thực tế nghĩa là mọi thứ phụ thuộc vào người chơi. MC chỉ dẫn dắt, kết nối họ với nhau. Họ chọn gì mình cũng không tham gia được.
Đôi khi kết thúc buổi ghi hình, tôi và anh Quyền Linh xuống sân khấu còn bàn tán sôi nổi việc chọn bấm nút hoặc không bấm của người tham gia.
- Gần đây các nhà sản xuất ồ ạt thực hiện các chương trình hẹn hò, khán giả bị bội thực và đa số trong đó bị đánh giá là dàn dựng và giả tạo. Ý kiến của chị thế nào?
- Gần đây có nhiều nhà sản xuất làm chương trình hẹn hò mang tính giải trí. Đã giải trí thì phải có chiêu trò để lôi cuốn lượt xem của khán giả. Mỗi nhà sản xuất có chiến lược riêng, có người làm theo mùa, có khi làm nhiều mùa. Một khi cạn ý tưởng, show phải tạm ngưng.
Truyền hình thực tế, không sợ sự lặp lại nên có thể làm hoài. Ví dụ chương trình Bạn muốn hẹn hò ban đầu làm 1 tuần/1 số nhưng khi nhu cầu tăng thì một tuần làm tới 2 số. Sức hấp dẫn của chương trình đo bằng sự quan tâm của khán giả, tuổi thọ và rating.
- Việc người nổi tiếng tham gia làm chương trình hẹn hò bị đánh giá thiếu chân thật. Nếu được mời, chị có đồng ý?
- Cát-xê cao thì họ làm thôi. Các chương trình giải trí nếu trả cát-xê hợp lý và mời thì tôi cũng làm. Cảm xúc thật sự hay không thì tôi không bình luận. Có khi đến quay hình họ có cảm xúc thật thì càng tốt, không thật thì hoàn thành yêu cầu với nhà sản xuất. Miễn là chương trình có khán giả thích thì nhà sản xuất vẫn làm.
Tôi không cứng nhắc là không tham gia chương trình này mà chỉ tham gia chương trình kia. Có những cái tôi làm không vì lợi nhuận nhưng cũng có cái phải có lợi nhuận mới đủ kinh phí trang trải cuộc sống.
Cát Tường từng bị đàn anh trong nghề sàm sỡ. |
- Nhưng tham gia chương trình dàn dựng, giả tạo, sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi nghệ sĩ?
- Không. Kịch bản giao cho nghệ sĩ giống nhau nhưng mỗi người sẽ thực hiện nó một cách khác nhau. Điều đó mới tạo nên đẳng cấp của diễn viên. Đâu phải ai cũng làm giống ai, tiền nào của nấy mà.
Nhà sản xuất có quyền lựa chọn những người phù hợp. Diễn viên có nhiều giá lắm, ăn thua là nhà sản xuất mời ai thôi.
Nhiều lần bị đàn anh sàm sỡ
- Showbiz Việt và thế giới thời gian qua ồn ào với các câu chuyện quấy rối tình dục và bị sàm sỡ. Chị có từng trải qua chuyện này?
- Trong quá khứ tôi cũng bị nhiều lần. Tùy cá tính mỗi người mà dẫn dắt sự việc đến mức nào thôi. Tính cách tạo nên số phận mà. Có những người chấp nhận hi sinh, đánh đổi thì họ phải chịu chứ. Còn tôi thì phản ứng ngay từ đầu.
Thời tôi mới đi làm, bị đàn anh trong nghề đưa tay sờ mó. Lúc đó, dù còn lơ ngơ trong nghề thì tôi vẫn hất tay ra và chỉ thẳng: “không được làm thế”. Nếu mình im lặng thì họ sẽ tiếp tục. Có lẽ vì phản ứng thẳng nên sự nghiệp của tôi mới như hoa nở muộn đó. Có khi tôi chấp nhận đánh đổi, có được bàn đạp thì có lẽ giờ đây đã là hạng A rồi?
Sau này, tôi hỏi bạn bè: "Tại sao mời tôi mà không nhìn tài năng của tôi". Họ giỡn bảo: “Ai bảo tướng em sốc làm chi”. Thôi, cứ coi như mình đẹp thì bị người ta "dê" đi.
- Sau này, gặp lại những người từng 'dê" mình, chị phản ứng thế nào?
- Kệ thôi. Có khi họ không nhớ từng sàm sỡ mình đâu nhưng tôi nhớ từng người, làm gì mình. Chuyện quá khứ rồi, giờ vẫn là anh em đồng nghiêp chứ cần gì phải chỉ điểm. Nhắc lại có khi người ta cũng không nhớ vì có khi họ làm với nhiều người.
Nói như vậy không có nghĩa là ai trong giới này cũng vậy. Cũng có nhiều người rất tốt, dẫn dắt tôi vào nghề tận tâm và rất chân thành. Ngoài cuộc sống, tôi nghĩ cũng nhiều ngành nghề có những người không tốt như vậy.