Carlsberg thâu tóm thị trường bia Việt
Hàng loạt thương hiệu bia đình đám của Việt Nam lần lượt đổi “quốc tịch” hoặc bị bán cổ phần cho đối tác ngoại.
Thương vụ đình đám nhất gần đây chính là việc “đổi quốc tịch” của bia Huế. Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập vào năm 1990 dưới tên gọi nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn. Họ tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các Công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ.
Bia Huế luôn muốn khẳng định thương hiệu của mình nên cố gắng tìm cách đi khác. Tuy nhiên, tới năm 1994, đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn. Từ đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời.
Bia Huế đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài |
Bia Huda nhanh chóng trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung và công ty bia Huế hiện được đánh giá là 1 trong 4 đại gia của làng bia Việt Nam (3 tên tuổi còn lại là Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam).
Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Hãng bia Đan Mạch này đã bỏ ra 1.875 tỉ đồng để mua lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bia lớn nhất miền Trung, công ty bia Huế. Trong đó, 775 tỉ đồng trả cho giá trị hữu hình là cơ sở vật chất của 2 nhà máy và hơn 1.100 tỉ đồng trả cho giá trị thương hiệu bia Huda.
Đình đám là vậy nhưng đây không phải lần đầu tiên Carlsberg có sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp bia Việt. Carlsberg thâm nhập thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993 thông qua việc thiết lập liên doanh với Công ty Bia Việt Hà và Carlsberg sở hữu 60% cổ phần của liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á. Tỷ lệ vốn góp ban đầu của Carlsberg tại Việt Hà chỉ là 35%.
Năm 2007, Carlsberg đã mua lại 30% cổ phần của công ty bia Hạ Long và cuối năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng nhau thành lập liên doanh mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nhà máy công suất 50 triệu lít/năm.
Năm 2008, Carlsberg đã được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco và mua lại 16,07% cổ phần của Habeco. Thời gian này, Carlsberg mua cổ phần của Habeco với mức giá 50. 015 VND/cổ phiếu vào tháng 3/2008 (mức giá đấu giá bình quân thành công của phiên IPO).
Chưa hài lòng ở tỷ lệ sở hữu dưới 20%, Carlsberg bày tỏ tham vọng tiếp tục đổ vốn vào doanh nghiệp ăn nên làm ra này. Mới đây, Bộ công thương Việt Nam đã công bố quyết định của mình sau khi cho phép hãng bia Carlsberg tăng cổ phần tối đa lên tới 30% trong Habeco. Tuy nhiên đến nay chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.
Theo một số công ty chứng khoán, giá giao dịch cổ phiếu Habeco dao động mức 25.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu, Carlberg Breweries A/S cho biết sẵn sàng mua ở mức cao hơn gấp 2 lần, tức khoảng 50.015 đồng/cổ phiếu. Nếu thương vụ này thành công, Habeco sẽ thu về khoảng 1.507 tỷ đồng.
Thâu tóm để cùng có lợi
Nếu như một số vụ như Colgate mua Dạ Lan chỉ nhằm mục đích mua rồi xóa sổ thương hiệu để loại bớt đối thủ cạnh tranh thì các thương vụ thâu tóm bia Việt lại được đánh giá là “đôi bên cùng có lợi”.
Tổng giám đốc nhà máy, ông Andre Van Den Berg, cho biết việc mua lại các thương hiệu bia Việt Nam là bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường về phía Nam của Carlsberg và Habeco vì mặc dù đã chiếm giữ phần lớn thị trường bia ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nhưng thị phần của Carlsberg tại thị trường miền Nam còn khá khiêm tốn.
Ngoài ra, để có mặt tại thị trường miền Nam, sản phẩm phải vượt qua một quãng đường dài làm cho chất lượng không được bảo đảm. Còn vận chuyển bằng máy bay để rút ngắn thời gian thì giá cả bị đội lên cao. Điều này đã gây ra nhiều bất lợi cho thương hiệu bia này trong việc cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, thương vụ mua lại phần vốn tại bia Huda của Carlsberg được đánh giá là bước đi vững chắc để đại gia nước ngoài này dần tiến tới thâu tóm toàn bộ thị trường bia miền Trung. Về phía bia Huế, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc chuyển nhượng vốn cho đối tác Carlsberg nhằm giữ vững thương hiệu và góp phần đẩy mạnh đầu tư để bia Huế phát triển thêm.
Ông Nguyễn Mậu Chi, tổng giám đốc công ty bia Huế lại cho rằng: “Tỉnh đầu tư cho bia Huế 9 triệu USD từ năm 1994, bây giờ bán giá tương đương 93 triệu USD là lãi đã cao hơn nhiều so với các công ty bia khác”. Không chỉ có vậy, ông Chi khẳng định: “Đến thời điểm này càng có cơ sở để khẳng định rằng quyết định chuyển giao này là đúng đắn, hợp thời điểm và bước đầu đang cho thấy hiệu quả”.
Hiệu quả được thể hiện rõ qua các con số. Riêng năm 2010, công ty lãi 409 tỉ đồng, trừ hơn 100 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi bên thu lợi chừng 150 tỉ đồng. Ngoài ra, sức tiêu thụ bia Huda không chỉ chiếm vị trí số 1 tại thị trường Thừa Thiên - Huế (98%) mà còn hàng đầu ở khu vực Bắc miền Trung: 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh, 20% ở Nghệ An... Hơn 16% vốn góp của Carlsberg Breweries A/S tại Habeco cũng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% của Carlsberg vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do.
Ông Nguyễn Tuấn Phong, chủ tịch HĐQT của Habeco cho biết, quá trình cổ phần hóa tổng công ty vẫn còn vướng mắc về quyền sử dụng khu đất 183 Hoàng Hoa Thám, chính là trụ sở hiện tại của Habeco. Nhưng điều quan trọng là Carlsberg vẫn chưa đủ làm an lòng lãnh đạo cùng các cổ đông khác tại Habeco.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% tại Habeco, Carlsberg Breweries A/S sẽ có cơ hội đứng ở vị trí số 1, thống lĩnh toàn bộ thị trường bia Việt Nam. |
Hiện Carlberst Breweries A/S đã thâu tóm thành công Bia Huế và sở hữu 100% cổ phần, đồng thời nắm 60% cổ phần tại Bia Đông Nam Á (Halida), 55% cổ phần Bia Hà Nội - Vũng Tàu và 30% cổ phần tại Bia Hạ Long. Nhìn các con số kể trên, không ít người e ngại, khả năng cao Carlsberg sẽ không dừng lại mà tiếp tục thâu tóm Habeco.
Theo VTC News