Lưu lượng đường truyền Internet quốc tế sẽ được khôi phục sau khi hoàn tất các công đoạn sửa chữa cuối cùng trong ngày 5/1. Như vậy, đến hết ngày 5/1, các nhà khai thác viễn thông Việt Nam sẽ khôi phục đầy đủ dung lượng đường truyền Internet quốc tế bị thiếu do sự cố tuyến cáp AAG.
Đường đi tuyến cáp AAG. |
Trước đó, vào 18h01 chiều ngày 20/12/2013, tuyến cáp AAG, phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278 km. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.
Trước đó, hồi tháng 3/2011, tuyến cáp AAG này cũng từng bị đứt trong khoảng 2 tuần, khiến khách hàng sử dụng dịch vụ ADSL khu vực phía Nam bị giảm tốc độ kết nối hướng quốc tế so với ngày thường khoảng 20 - 25%, khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nhẹ. Sau đó, vào tháng 8/2012, tuyến cáp quang AAG tiếp tục bị đứt và cũng mất khoảng nửa tháng mới khắc phục được xong. Tuy nhiên, người dùng Internet tại Việt Nam từ khoảng 8 năm về trước chắc chắn sẽ không thể quên được sự cố mạng Internet tại Việt Nam hầu như bị cô lập so với thế giới sau khi hệ thống cáp quang từ châu Á nối đi Mỹ có tên Trans Pacific đã gần như bị tê liệt ngay sau trận động đất ở phía nam Đài Loan tối 26/12 năm 2006.
Khi đó, hầu như toàn bộ mọi truy cập từ Việt Nam tới các website được đặt ở các máy chủ ngoài Việt Nam đều bị tê liệt. Các dịch vụ Internet phổ biến tại thời điểm đó như Yahoo Messenger, Yahoo Mail, Blog Yahoo 360... đều không thể được truy cập được từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Rất nhiều công ty tại Việt Nam có quan hệ hợp tác với các công ty nước ngoài đã bị ngừng trệ công việc vì không thể liên lạc qua thư điện tử hay điện thoại.
Nối cáp quang biển TVH bị cắt trộm ngoài khơi biển Kiên Giang năm 2007. Ảnh: VTC. |
Cáp quang biển được nối thế nào?
Không giống như mọi người thường nghĩ về việc hàn nối cáp quang biển sẽ được thực hiện bởi các thợ lặn và máy móc lặn xuống đáy biển. Trên thực tế, công việc hàn nối cáp quang phải thực hiện trên mặt nước bởi tàu nối cáp quang chuyên dụng. Các thợ lặn cũng không thể lặn xuống tới đáy biển sâu tới hàng vài km, mà phải dùng máy móc của tàu chuyên dụng để tời kéo bó cáp quang từ đáy biển lên mặt nước, sau đó cố định đầu cáp bị đứt bằng phao nổi. Sau đó, tàu nối cáp tiếp tục tìm đầu bị đứt còn lại của tuyến cáp để tiến hành nối từng sợi cáp quang trong phòng kỹ thuật đặc biệt trên tàu.
Trong sự cố tuyến cáp quang biển TVH bị cắt trộm gần 100 km ở Kiên Giang vào tháng 6/2007, gây thiệt hại gần 6 triệu USD, gây ảnh hưởng tới thông tin liên lạc các dịch vụ viễn thông của Việt Nam, các chuyên gia của Singapore đã phải hàn nối từng sợi cáp quang nhỏ xíu như sợi tóc, mỗi mối hàn nối sợi quang cần phải chụp kiểm tra từ 16 góc.
Sau khi nối hoàn tất các sợi cáp quang, bó cáp bảo vệ sẽ được bọc lại như cũ và được rải trở lại đáy biển. Tuy nhiên quá trình rải cũng đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng để thổi cát dưới đáy biển, tạo thành rãnh đặt cáp quang vào và phủ lấp cát lại lên trên để giảm thiểu khả năng bị va chạm.