Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về đầu tư, xây dựng và kinh doanh, cấp phép kinh doanh chung, giấy phép kinh doanh vận chuyển trong lĩnh vực hàng không.
Theo đó, đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn. Đồng thời, hàng không cũng là một ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông.
Kinh doanh hàng không ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Do đó, theo Phó thủ tướng, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép kinh doanh lĩnh vực hàng không cần được xem xét thận trọng và đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không trong mọi tình huồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan. Bộ cần rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp phép kinh doanh hàng không chung, vận chuyển hàng không trước khi trình Thủ tướng.
Cơ cấu góp vốn vào Vietstar Airlines, một trong những hãng hàng không đang xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, gia nhập thị trường vận chuyển hành khách . Đồ họa: Hiếu Công. |
Phó thủ tướng cũng cho ý kiến về việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không với một số doanh nghiệp.
Đối với Công ty cổ phần dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đúng quy định pháp luật, sau đó trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Với Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air (Công ty GTA) về việc gia hạn giấy phép, Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ xem xét, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, các đơn vị này rà soát các quy định pháp luật như điều kiện, thủ tục, cơ chế quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất và vốn đầu tư của Nhà nước.
Yêu cầu đối với các quy hoạch này là đảm bảo chất lượng, an toàn hàng không, quốc phòng, an ninh. Sau khi rà soát, các đơn vị báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/8.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lên kế hoạch “cất cánh” tại thị trường Việt Nam. Cuối tháng 3, hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia đang lên kế hoạch thành lập một hãng hàng không giá rẻ liên doanh tại thị trường Việt Nam.
Giữa tháng 5, Vietstar Airlines có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, gia nhập thị trường vận chuyển hành khách.
Cuối tháng 5, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng gây bất ngờ khi tuyên bố thành lập hãng hàng không với tên gọi Bamboo Airways.
FLC cho biết thay vì tập trung vào các thành phố lớn như các hãng bay hiện tại, hãng sẽ khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, từ các thành phố lớn đến các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau.