Theo chương trình họp của Quốc hội, sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách.
Trước đó, chiều qua, ông Nguyễn Chí Dũng đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Kết luận phiên chất vấn chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có tới 46 đại biểu đang chờ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ở phiên sáng nay.
Một số nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bao gồm:̣ Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
-
'Nhiều bộ ngành vẫn thích ôm việc'
Phân tích về nguyên nhân của việc không tiêu hết tiền, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Luật Đầu tư công mới có từ năm 2015, còn nhiều lúng túng trong việc ban hành văn bản cho đến khâu thực hiện. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chưa có tiền lệ cho nên chưa có kinh nghiệm nhiều.
Nhu cầu đầu tư công rất lớn và bản thân kế hoạch mà Quốc hội phê duyệt theo nghị quyết 06 là 2 triệu tỷ đồng thì cũng phải cắt giảm 200.000 tỷ đồng . Các bộ ngành và các địa phương mất rất nhiều thời gian để rà soát sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nên cũng làm giảm tiến độ giải ngân. Có nhiều quy định thủ tục làm cản trở quá trình giải ngân.
Về chủ quan, vẫn đang chậm trong việc rà soát phát hiện để sửa đổi các vấn đề cần thiết. Đồng thời các bộ ngành địa phương chưa kiên quyết trong việc rà soát xử lý theo tinh thần của Quốc hội đề ra.
Trước hết phải đảm bảo thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản ứng trước. Phải ưu tiên tập trung cho các dự án quan trọng và cấp bách, các dự án đối tác công tư, đối ứng cho dự án ODA… Sau đó mới bố trí cho công trình khởi công mới.
"Bộ ngành cũng giằng xé giữa nhiều lựa chọn dẫn đến tình trạng việc nào cũng muốn nên việc cắt giảm các dự án rất khó khăn", ông nói.
Hơn nữa, phân cấp và ủy quyền chưa hợp lý. "Vẫn còn tình trạng thích ôm việc ở các bộ ngành, thấy việc gì cũng quan trọng nên chưa tin tưởng để phân cấp cho cấp dưới và địa phương. Công tác phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các địa phương còn yếu kém, không thể chối cãi được. Nhiều cán bộ nhũng nhiễu chưa được lãnh đạo ngành, địa phương xử lý nghiêm", ông thẳng thắn.
Nêu lại một số những việc đã triển khai, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ rà soát các nghị định thông tư về đầu tư công, đấu thầu xây dựng, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực các ban quản lý đề án kịp thời thanh toán kho bạc và đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tới đầu tư công.
Bộ ngành có quyết định phân bổ mà chưa giải ngân vốn tối thiểu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cắt giảm cho vào nguồn dự phòng chung. Tăng cường thanh tra, kiểm toán xử lý nghiêm cán bộ cấp nào làm chậm giải ngân, gây thất thoát, tiêu cực tham nhũng.
Ông Huệ cũng thay mặt Chính phủ đặt hàng Quốc hội "quan tâm thường xuyên, đôn đốc, giám sát công tác này".
-
'Có tiền mà không tiêu hết được'
Tham gia phiên chất vấn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực tế "chúng ta có tiền mà không tiêu hết được".
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 có cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng phải thẳng thắn mà nói là còn chậm và không phân bổ hết dự toán.
"Số tiền trong dự toán thì Chính phủ và Bộ Tài chính luôn bảo đảm nên chúng ta không tiêu hết được", ông nhấn mạnh.
Theo ông Huệ, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
"Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, xảy ra ở địa phương nào thì chúng tôi cúng nhận trách nhiệm là của Chính phủ và hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới", ông nói.
-
Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ chờ ngân hàng thu xếp vốn
Liên quan đến lý do chậm cao tốc Trung Lương - Cầu Thơ, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhường phần trả lời cho trưởng ngành Giao thông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ chỉ còn chờ ngân hàng đàm phán, cấp vốn để thực hiện. Ảnh: Duy Hiếu. Chia lửa tại phiên chất vấn, ông Trương Quang Nghĩa cho biết đoạn cao tốc này trải qua rất nhiều thăng trầm. Khởi công 2010 và có những khó khăn và điểm chưa hợp lý. Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm tra, làm lại.
Bộ trưởng lấy ví dụ đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trước kia quy mô mặt cắt ngang chỉ 13m trong khi đoạn TP.HCM - Trung Lương là 17m. Việc có một đoạn 13m khiến có nút thắt, không đồng bộ, vì vậy phải điều chỉnh lại, thu xếp thêm vốn.
Về cơ bản, hiện tại Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy mô chung 17m.
"Thời điểm này, dự án chỉ chờ ngân hàng đàm phán thu xếp vốn, ký cam kết tài trợ là có có thể triển khai bình thường", Bộ trưởng Nghĩa cho biết. "Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được thực hiện nằm trong gói cao tốc Bắc Nam trong thời gian tới".
-
Có hay không phân cấp ngược trong đầu tư?
Hai lần tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) không đồng tình với quan điểm : Tôi chưa đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về trách nhiệm phân bổ ngân sách của địa phương. Theo bà, không thể có chuyện chưa điều chỉnh được thì tùy từng địa phương áp dụng. Áp dụng pháp luật là phải nghiêm minh, thống nhất và đồng bộ, không thể tùy tiện được.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm hai lần tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liên quan đến cơ chế đầu tư công. Bà nhấn mạnh, đây là vấn đề thẩm quyền chứ không phải những điều luật đơn giản. Quyết định đầu tư công là dùng ngân sách nhà nước nên không thể tùy tiện nơi nào muốn làm kiểu gì cũng được.
Vị lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị rà soát toàn bộ Luật Đầu tư công để phân cấp mạnh hơn nữa. Theo bà, hiện nay đang là phân cấp ngược kéo về Bộ KHĐT nhiều hơn trước đây. Điều này là không hợp lý trong khi các địa phương đang rất khó khăn và lúng túng.
Trước đó, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận xét qua câu trả lời của Bộ trưởng, việc phân bổ chậm nguồn vốn đầu tư công dường như nói là trách nhiệm của địa phương. Bộ có tham gia sâu không? Thẩm định nguồn và cân đối nguồn, thì mọi thứ phải qua bộ. Bộ chỉ có nhân lực có hạn, gây ách tắc đầu tư.
Phản hồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại việc các dự án ở địa phương do HĐND hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định.
Về mặt luật pháp như vậy nhưng trên thực tế nó ảnh hưởng đến các địa phương, Bộ sẽ báo cáo để điều chỉnh. Tinh thần chung là chúng tôi cũng muốn hài hòa tạo mọi chủ động cho các địa phương.
Ông Dũng cũng khẳng định tinh thần của Luật Đầu tư công không đi ngược với việc phân cấp lại cho địa phương và cũng không phải cố gắng để kéo về cho Bộ KHĐT. Những cái thuộc về ngân sách nhà nước thì buộc phảo làm công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Bởi vì chính nó làm phát sinh nợ đọng xây dựng và đầu tư dàn trải. Luật Đầu tư công đưa ra để khác phục tình trạng này. Trước khi quyết dịnh phải khẳng định xem có nguồn hay không. Bộ KHĐT đang làm công việc thẩm định lại nguồn và khả năng cân đối với những dự án sử dụng ngân sách trung ương. Còn lại của địa phương thì vẫn thuộc thẩm quyền của địa phương thẩm định.
"Không có chuyện nguồn vốn của địa phương mà đưa lên trung ương làm", ông nói.
-
Tích tụ ruộng đất để thu hút đầu tư trong nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) về việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc này trong 30 năm qua hết sức hạn chế. Nguyên nhân do đặc thù tích tụ đất đai mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó làm được quy mô lớn. Không có quy mô lớn khiến các nhà đầu tư không áp dụng được cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hạ tầng vùng nông thôn còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực còn yếu kém. Việc kết nối các doanh nghiệp trong ngành còn thấp.
Vì vậy, lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước khác trong mắt nhà đầu tư còn thấp, chưa hấp dẫn. Hiện mới chỉ có khoảng 0,9% FDI thu hút vào nông nghiệp.
Bộ trưởng nêu hiện trạng một số dự án nông nghiệp trước đây chủ yếu là thất bại.
Ông đề xuất một số giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, mở rộng hạn điền, tích tụ diện tích lớn hơn, tạo điều kiện công nghệ cao, cơ giới hóa. Thứ hai, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định và rõ ràng. Thứ ba, xây dựng kết nối các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp. Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao. Thứ năm, sắp tới sẽ sửa nghị định 21 để thúc đẩy vốn đầu tư của cả khu vực.
-
Nhận trách nhiệm về tình trạng dàn trải đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng giải thích về trách nhiệm của Bộ KHĐT để xẩy ra tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn tồn tại.
Thừa nhận còn tình trạng này, Bộ trưởng phân trần nó diễn ra trong quá trình dài, từ lâu rồi, chứ không phải mới đây và hiện nay. Do vậy, chúng ta đã có nhiều chính sách, biện pháp khắc phục, trong đó có Luật đầu tư công. Tuy nhiên, việc khắc phục vẫn còn hạn chế. Hiện nguồn vốn bố trí cho đầu tư công vẫn dàn trải, chưa sát nhu cầu, dẫn đến lãng phí.
Trách nhiệm của Bộ là công tác tham mưu chưa tốt, chưa đưa ra đầy đủ các giải pháp đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Bộ cũng chưa chặt, để xảy ra thất thoát, lãng phí.
"Chúng tôi có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt như mong muốn, mới khắc phục được một phần chứ chưa triệt để. Thực tế vẫn còn nhiều vấn đề từ bộ ngành, địa phương", Bộ trưởng Dũng nói.
-
Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ bao giờ xong?
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 2,9 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa, 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Với 18 triệu dân của đồng bằng đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 45% sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản quốc gia.
Tuy nhiên, câu chuyện tải trọng vẫn là một bế tắc lớn do tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm, có vai trò động lực phát triển còn chậm. Trong đó có cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, dù đây là dự án trọng điểm.
Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu trong việc thực hiện huy động và công khai nguồn vốn đầu tư? Dự án khi nào mới hoàn thành?
Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ mời Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cùng giải đáp câu hỏi về chậm tiến độ cao tốc.
-
'Địa phương vẫn xin, Chính phủ không cho'
Trả lời câu hỏi của VTV về đánh giá trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: Tôi đánh giá là Bộ trưởng nắm sát vấn đề, nắm được yêu cầu chất vấn của đại biểu, nhưng chỉ trả lời khoảng 70% mong đợi của đại biểu. Thực tế, lĩnh vực Bộ Kế hoạch Đầu tư nắm là quá rộng.
Liên quan đến chuyện vẫn còn tình trạng xin-cho trong đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: Thực tế thì nhu cầu đầu tư quá lớn, 63 tỉnh thành tỉnh nào cũng có nhu cầu đầu tư. Nhưng hiện nợ công sát trần rồi. Chính phủ cũng không thể cho vì Quốc hội đã giới hạn rồi. Nên tôi thấy là địa phương vẫn có xin nhưng Chính phủ không cho.
-
Không nên chỉ trông chờ ngân sách
Nhắc tới dự án Tam Trúc, Ba Sao mà ĐB Trần Tất Thế nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ đây là dự án quy mô lớn, trong khi TƯ chỉ cân đối được 550 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 2846 tỷ đồng mà tỉnh đề nghị.
Người đứng đầu ngành dẫn ra quy định tổng vốn kế hoạch trung hạn được giao cho các địa phương, thẩm quyền quyết định toàn bộ nguồn lực đầu tư trung hạn 2016-2020 đều do địa phương quyết định.
Vì thế, địa phương cần xem xét, cân đối trong nguồn lực để lựa chọn dự án cần thiết, cấp bách, ưu tiên để bố trí.
Quyền chủ định và quyết định của địa phương. Nếu không đủ nguồn lực cho dự án quy mô lớn, nên điều chỉnh quy mô để giảm tổng mức đầu tư trong điều kiện không đủ nguồn vốn.
Đồng thời, các địa phương cần có chính sách huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
"Không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương hay trung ương", ông Dũng nói.
-
Giá trị địa tô tăng cần thuộc nhà nước, nhân dân
Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cũng tâm trước thực tế nhà nước xây dựng hạ tầng, tăng giá trị đất, tăng chi phí đầu tư trong khi hiệu quả lại rơi vào tay người quản lý đất.
Thực tế nhà nước mất nhiều tiền để đầu tư cho hạ tầng, giá trị đất tại 2 bên đường, thậm chí cả khu đó tăng lên. Bộ trưởng đề nghị suy nghĩ cách làm mang lại giá trị địa tô cho nhà nước, cho nhân dân.
Ví dụ, khi mở một con đường, nên giải phóng mặt bằng ở diện tích mở rộng so với nhu cầu cho con đường đó, sau đó bán đấu giá khu vực 2 bên để giảm thiểu đầu tư nhà nước. Một số địa phương đã làm tốt mô hình này, nên nhân rộng.
Thứ hai, giá trị đất của cả khu vực tăng lên thì làm gì?Chúng tôi có phương án nhà nước bỏ tiền làm quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Làm quy hoạch, thiết kế, hạ tầng giao thông, đô thị, sau đó mới đấu giá.
Nếu cứ để cho DN đấu giá làm hạ tầng, thiết kế, đổi lại DN lấy quyền sử dụng đất thì giá trị địa tô tăng lên lại thuộc về DN trong khi họ không có công sức nhiều trong việc đó.
-
Định giá lại đất khi chuyển đổi mục đích sau cổ phần hóa DNNN
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Văn Lâm, Bắc Giang về việc giá trị đất sau khi cổ phần hóa, khiến thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng thừa nhận đúng là có vấn đề giá trị của doanh nghiệp, liên quan đến đất trong cổ phần hóa DNNN.
Đây là vấn đề lớn, đại biểu, cử tri quan tâm.
Ông chỉ rõ, khi cổ phần hóa DNNN, giá trị đất hiện đang xác định đất thuê của nhà nước, không tính vào giá trị của DN. CPH xong, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lợi thế so sánh, giá trị địa tô tăng lên, lợi ích thuộc DN, không phải nhà nước.
Bộ trưởng KHĐT đề nghị trước khi cổ phần hóa, DNNN phải rà soát toàn bộ quỹ đất, sử dụng đất. Không có nhu cầu sử dụng phải trả nhà nước.
Khi cổ phần hóa, đất đang sử dụng phải định giá lại, công khai hóa, minh bạch để tính toán, quyết định giá trị của DN.
Sau CPH nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải đấu giá lại.
Ông cho biết Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý thực hiện theo hướng này.