Cao tốc TQ ngày Tết: Mất một giờ xếp hàng mới ăn được bát mì
Thứ hai, 12/2/2018 16:54 (GMT+7)
16:54 12/2/2018
Từ 26 tháng Chạp, hành trình về quê ăn Tết của người dân Trung Quốc bước vào giai đoạn cao điểm khi lượng xe trên cao tốc tăng cao, các trạm dừng chân ken đặc người.
Ngày 11/2, tức 26 Tết, "xuân vận" ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cao điểm khi hầu hết người dân bắt đầu nghỉ Tết. Tình trạng đông đúc, tắc nghẽn xuất hiện nhiều nơi, nhất là tại các trạm dừng chân dọc đường cao tốc. Trong ảnh là cảnh tại một trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Nhật Chiếu - Lan Khảo, đoạn qua huyện Phí, tỉnh Sơn Đông.
Đường bộ là lựa chọn của 80% người dân có nhu cầu đi lại trong kỳ "xuân vận", thuật ngữ chỉ việc di chuyển trước và sau Tết ở Trung Quốc.
Theo QQ, tại trạm dừng chân huyện Phí, rất đông người xếp hàng để lấy nước nóng pha mì ly tự phục vụ.
QQ dẫn lời một phụ nữ từ Giang Tô cho biết người ghé trạm rất đông, nhất là vào giờ ăn trưa. Hầu hết đều phải xếp hàng từ chờ nước nóng đến chờ chỗ ngồi. Cô và người nhà phải mất một tiếng mới ăn được "bát mì ấm ấm".
Bàn ăn xong chưa được dọn dẹp, người mới đến đã phải "tranh thủ" mới có chỗ.
Những người không tìm được chỗ ngồi thì phải ăn ở bên ngoài.
Những khu bán thức ăn khác tại trạm dừng chân này cũng thu hút đông khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người không chờ đợi được đành phải bỏ đi.
Tình trạng nhếch nhác xuất hiện vì lượng người quá đông. Tết Nguyên đán là một trong ba kỳ nghỉ lớn trong năm của người Trung Quốc, gọi là "tuần lễ vàng", bên cạnh dịp quốc khánh (1/10) và Quốc tế Lao động (1/5).
Theo nhà chức trách Trung Quốc, ước tính xuân vận năm nay có đến 2,98 tỷ lượt đi lại trên toàn quốc trong thời gian 40 ngày từ 1/2 đến 12/3.
Giá chăm sóc thú cưng ngày Tết cao hơn nhiều so với ngày thường, đem về thu nhập không nhỏ trong tuần lễ nghỉ Tết cho những người làm dịch vụ này tại Trung Quốc.
Giữa dòng người hối hả tại các sân bay, ga tàu, bến xe... ở Trung Quốc dịp Tết, không ít người giết thời gian bằng cách đánh bài, đan len, đắp mặt nạ, thậm chí tổ chức sinh nhật.
Hành trình về quê ăn Tết của những công nhân nhập cư tại Trung Quốc qua các năm cũng là câu chuyện về sự biến chuyển của kinh tế và xã hội tại đất nước này.