Nhịp sống đang dần trở lại bình thường tại Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát từ 7 tháng trước. |
Để chứng kiến sự đổi thay ấy, phóng viên New York Times gần đây đã thực hiện hành trình 300 km từ Kabul tới Kandahar. |
Trong nhiều năm liền, đây là hành trình ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì bom đạn, tội phạm và nạn trấn lột luôn rình rập. Vô số người phải bỏ mạng dọc đường. Nhưng lúc này, mọi chuyện đã đổi khác. |
Hành trình 300 km bắt đầu với việc xuất trình giấy tờ cá nhân tại chốt kiểm tra do Taliban lập nên ngay ngoài thủ đô Kabul. Tiền đồn này bị chiến binh Taliban chiếm được ngay trước khi Kabul thất thủ. |
Chặng dừng đầu tiên là thành phố Ghazni. Trước khi Mỹ bỏ ra hàng triệu USD để lát đường, chuyến đi từ Kabul tới Ghazni thường mất gần 20 giờ. Gần đường cao tốc qua Ghazni, người dân có thể bắt gặp cảnh thanh niên cười đùa chơi bóng chuyền. Nếu là nhiều tháng trước, đây sẽ là cảnh tượng dường như không thể xảy ra vì tình trạng bạo lực quá nghiêm trọng. |
Tại Ghazni lúc này, nhiều người đang tìm mua đồ để dành cho mùa đông. Do tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ và việc biên giới bị đóng cửa, giá cả các mặt hàng như dầu nấu ăn đã tăng vọt. Nhiều người không có tiền mặt để mua đủ thức ăn cho gia đình. |
Rời xa Ghazni, đường sá dần hiện ra hình hài nham nhở. Đoạn đường này từng là đỉnh điểm trong nỗ lực xây dựng nhà nước Afghanistan của Mỹ nhưng sau đó đã bị phá hủy và xuống cấp. Taliban mới đây đã thuê một công ty xây dựng sửa đường nhưng công nhân không được trả tiền. |
Nhóm người đợi lên xe buýt tại một bến đỗ dọc đường. Họ chỉ là một phần nhỏ trong số hàng nghìn người trên đường rời Afghanistan. |
Những xác xe trơ trụi và những mảng tường đầy vết đạn liên tục nhắc nhở người quan sát về cuộc chiến đã qua. |
Gần đoạn cao tốc ở Zabul, một trong những tỉnh xảy ra giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến, là cảnh tượng mới mẻ của những nông dân trồng nho đang bình thản cuốc đất và thưởng trà. “Trước kia, chúng tôi không thể nào làm việc gần đường đến vậy”, anh Nur Ahmad, 18 tuổi, nói. |
Đối với Hafiz Qadim, 32 tuổi, chủ một cửa hàng bên đường, chiến tranh kết thúc và một hố bom gần đó lại là cơ hội kinh doanh hoàn hảo. Nguyên nhân là hố bom này buộc xe cộ phải chậm lại khi đi qua đây. Nhưng bố mẹ và em gái của Qadim không còn trên đời để chúc mừng anh. Họ đã thiệt mạng vì đạn lạc. |
Không phải chỗ nào của con đường cao tốc này cũng là cảnh hố bom và cầu sập. Trên đó vẫn có những đoạn đường phẳng lặng khi gần đến Kandahar. |
Trong thời chiến, con đường cao tốc này không chỉ là nơi đặt bom của Taliban mà còn là địa điểm biểu tình của người yêu hòa bình. Dù có xuống cấp và bị phá hủy đôi chỗ, con đường vẫn kiên trì bám trụ, giống như những người dân Afghanistan vẫn hàng ngày qua lại phía trên. |