Ngày 11/10, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã có tờ trình gửi Cục Đường bộ Việt Nam về phê duyệt phương án tổ chức giao thông để đưa vào khai thác tạm hai đoạn tuyến thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tháng 11 tới.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn giao với quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) và Bến Lức (Long An). Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Cụ thể, VEC đề xuất đưa vào khai thác đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Long An) đến quốc lộ 1A (TP.HCM) dài 3,4 km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1 km.
Riêng đoạn tuyến từ quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (TP.HCM) dài 18,8 km được đề xuất khai thác trong quý 1/2025.
VEC cũng đưa ra các phương án tổ chức giao thông trên các đoạn tuyến khai thác tạm. Cụ thể, trên chính tuyến cho phép tất cả các ô tô đủ điều kiện lưu thông với tốc độ và giữ khoảng cách theo đúng quy định; vận tốc tối thiếu 80 km/h và tối đa 100 km/h.
Đối với đoạn qua nút giao tối đa 40 km/h và đường dẫn tối đa 60 km/h; không cho xe chạy ở làn dừng khẩn cấp và phần lề đường.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,1 km với điểm bắt đầu của tuyến từ huyện Bến Lức (Long An) và kết thúc tại huyện Long Thành (Đồng Nai). Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài 2,7 km, TP.HCM 26,4km và Đồng Nai 28,7 km.
Dự án được khởi công từ năm 2014 và có kế hoạch hoàn thành toàn tuyến vào tháng 9/2025 với tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A, 4 làn xe lưu thông, vận tốc 120 km/h.
Tổng mức đầu tư cập nhật hiện nay là 29.586,9 tỷ đồng, sử dụng bốn nguồn vốn gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 8.065,7 tỷ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 10.101,3 tỷ đồng. Còn vốn đối ứng từ ngân sách 3.872,4 tỷ đồng và vốn VEC tự thu xếp 7.547,6 tỷ đồng.
Đoạn 3,4 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối TP.HCM với Long An dự kiến khai thác trong tháng 11 với quy mô 6 làn xe. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những dự án giao thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực miền Tây với miền Đông Nam Bộ.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.