CAO TỐC 12.000 TỶ ĐÁNH THỨC THƯƠNG CẢNG VÂN ĐỒN
Cao tốc gần 54 km chạy xuyên núi, đồi nối sân bay mới với Hạ Long sắp hoàn thành, giúp thời gian đi lại giữa Hà Nội và Vân Đồn chỉ còn 2,5 giờ.
Lau vội dụng cụ sau cơn mưa rào bất chợt giữa trưa hè, anh Nguyễn Văn Quang, công nhân bê tông của Tập đoàn Phương Thành, cùng nhóm thợ 7 người của mình tiếp tục hoàn thiện nốt những đoạn dải phân cách cứng cuối cùng của cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh).
Sau cơn mưa rào, thời tiết thêm oi nồng giữa cái nắng 38 độ C, anh Quang lau mồ hôi kể rằng nhóm thợ của mình đã hoàn thành gần hết dải phân cách cứng suốt chiều dài 53,6 km của cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Hiện tại, chỉ còn khoảng 1 km dải phân cách nằm rải rác suốt tuyến đường, nhóm của anh đang tăng tốc để kịp tiến độ và thông xe vào cuối tháng 7.
Những ngày này, vài tuần trước thời hạn thông xe, dọc cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, không khí thi công nhộn nhịp khắp nơi. Từng nhóm thợ thi công ở nhiều hạng mục, nhiều gói thầu khác nhau như trải thảm bê tông nhựa, hoàn thành dải phân cách cứng, thi công hệ thống thoát nước, lắp đặt đèn đường, gia cố mái taluy, sơn kẻ đường…
Nhóm thợ của anh Nguyễn Văn Quang hoàn thiện nốt những đoạn dải phân cách cứng cuối cùng của cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua huyện Hoành Bồ. |
Những đoạn dải phân cách cứng cuối cùng được nối liền. |
Khi hoàn thành, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nơi dự kiến xây dựng đặc khu với các vùng kinh tế trọng điểm là Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội. Thời gian đi lại giữa Hà Nội và Vân Đồn chỉ khoảng 2,5 giờ.
Tuyến cao tốc này chỉ là một trong rất nhiều công trình đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt của Vân Đồn. Một vị lãnh đạo Quảng Ninh từng nói Vân Đồn được ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp, không kém gì các danh thắng trên cả nước. Có thêm các công trình hạ tầng sẽ giúp đánh thức nơi từng là thương cảng sầm uất vùng Đông Bắc, đánh thức tiềm năng của Vân Đồn.
Cao tốc Vân Đồn - Hạ Long gần 12.000 tỷ đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành chia sẻ với Zing.vn rằng đây là một công trình thành công trong việc thu hút các dự án đối tác công - tư của tỉnh.
Theo đó, tổng vốn đầu tư cho cao tốc Hạ Long - Vân Đồn là 12.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ dùng một khoản vốn mồi (10% tổng dự toán) để làm công tác giải phóng mặt bằng. Phần còn lại là của các nhà đầu tư.
Nút giao Minh Khai - điểm đầu của cao tốc Hạ Long - Vân Đồn địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Nơi đây giao với quốc lộ 18 và là điểm đầu của tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối dài thành một trục tới cầu Bạch Đằng và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Bên phải là quốc lộ 18, bên trái là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang trong quá trình hoàn thiện. |
Sau gần 3 năm triển khai, vùng rừng núi hoang vu nối từ Hạ Long, huyện Hoành Bồ, thành phố Cẩm Phả đã gần như hoàn thiện một tuyến cao tốc. Nhìn từ trên cao, tuyến đường như một dải lụa uốn lượn xuyên qua các vùng núi rừng tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, khác với vẻ đẹp khi đã hình thành, đại diện ban quản lý các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ giai đoạn đầu, việc bắt tay làm dự án rất khó khăn. Đường đi qua các vùng đồi núi, địa hình phức tạp, lại đòi hỏi phải có thiết kế đạt chuẩn cao tốc, có thể chạy với vận tốc 100 km/h. Do đó, để tuyến đường “mềm mại nhất” khi chạy vận tốc cao, các đơn vị thi công phải đào đắp một khối lượng đất đá khổng lồ.
Ước tính, hàng triệu mét khối đất đá đã được đào đắp. Việc xẻ núi, bắc cầu thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Đó là chưa kể do đi qua nhiều vùng đồi núi, việc gia cố mái taluy chống sạt lở cũng khiến đội ngũ công nhân phải làm một khối lượng công việc khó đo đếm.
Dọc tuyến đường, nhiều người dân địa phương dùng đá chặn các phương tiện qua lại. |
Hầu hết tuyến đã hoàn thành thi công lớp nhựa polyme mặt đường. |
Sân bay Vân Đồn đang dần hoàn thiện. |
Sau khi hoàn thành, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ cùng với sân bay Vân Đồn, các cung đường nội đảo, bến cảng cơ bản thay đổi bộ mặt của nơi dự định làm đặc khu kinh tế, là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển vùng đất này.
Theo Ban quản lý các dự án giao thông tỉnh Quảng Ninh, tiến độ dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn lùi thời hạn thông xe 1 tháng (trước đây là cuối tháng 6) so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là còn 1 hạng mục gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng và nhà thầu đang tích cực khắc phục, dự kiến hoàn thành và đảm bảo thông xe cùng với cầu Bạch Đằng vào cuối tháng 7.
Khi đó, toàn tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng (giáp ranh Hải Phòng - Quảng Ninh) tới Vân Đồn sẽ thông suốt.
Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tỉnh về tiến độ thi công các hạng mục còn lại, trong đó phải hoàn thành việc lắp đặt rào hai bên đường cao tốc trước 15/6, đồng thời phối hợp với Sở GT-VT, Ban ATGT tỉnh để lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo ATGT đảm bảo đồng bộ, đúng quy chuẩn.
Khu vực cầu Vân Đồn mới băng qua biển có màu nước xanh ngắt. |
Công nhân vượt khó tăng tốc tiến độ
Sau cơn mưa lớn của miền ven biển, nhóm thợ của anh Võ Huy Hoàng (Công ty cổ phần Nam Hòa) ngay lập tức trở lại công việc trên tuyến cao tốc. Anh Hoàng vẫn nói vui, công việc của nhóm anh chính là bảo vệ cao tốc trước những cơn mưa lớn trong tương lai.
Nhóm thợ này phụ trách việc khoan neo dự ứng lực các đoạn mái taluy có nguy cơ sạt lở xuống đường cao tốc. Anh Hoàng cho biết nhiều quả đồi, núi phải khoét đi một phần khi đường chạy qua, từ đó dẫn tới nguy cơ sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa.
Công việc của nhóm thợ anh Hoàng là khoan sâu vào lòng đồi, núi, sau đó bắn dây cáp vào bên trong, níu giữ kết cấu để tránh sạt lở. Mặt ngoài được gia cố bằng bêtông để tránh xói mòn. Đây là công nghệ khoan neo dự ứng lực trước.
“Cao tốc đang vào giai đoạn nước rút, lại đúng mùa mưa. Chỗ này gần biển, cứ mây đập vào núi là có mưa, mưa lớn lắm, việc thi công lại càng khó khăn. Nhưng anh em vẫn phải cố gắng để hoàn thành tiến độ”, anh Hoàng nói.
Việc giữ ổn định địa chất hai bên sườn núi mà tuyến đường đi qua là điều khá khó khăn. |
Hai công nhân Võ Đắc Đức và Võ Huy Hoàng (phải) kéo cáp dự ứng lực trên công trình cao tốc Vân Đồn - Hạ Long. |
Nhóm công nhân của anh Hoàng cùng hàng nghìn công nhân khác của nhiều nhà thầu, nhiều gói thầu vẫn lao động nhiều ca liên tục để cao tốc sớm về đích. Mỗi gói thầu lại có một khó khăn khác nhau, đặc biệt là thi công giữa mùa hè, đồng thời là mùa mưa.
Không những vậy, nơi thi công lại đi qua các vùng hẻo lánh, không có nhiều tiện ích của Quảng Ninh. Công nhân xa nhà chủ yếu ở trong những khu lán tạm bợ giữa vùng đồi núi.
Vân Đồn như một bức tranh đẹp
Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía đông và đông bắc vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ khoảng 20 đảo đất có người ở. Theo sử sách, với vị trí cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên năm 980 ở đây đã có đồn Vân trấn giữ của quân đội nhà Tiền Lê.
Năm 1149, vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời biến nơi đây thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt. Cảng nhộn nhịp với các thương nhân từ các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...
Đến thời Trần, chính sách ngoại thương cởi mở đã tạo điều kiện để nơi đây trở thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp và hưng thịnh nhất một thời. Nhiều bến thuyền neo đậu phục vụ cho việc giao thương được hình thành.
Tuy nhiên, bước sang thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, Vân Đồn không còn được chú trọng phát triển như trước. Bến cảng rơi vào cảnh suy thoái và bị lãng quên. Vùng này dần trở nên hoang vắng. Hòn đảo chỉ còn những người bản địa, chiếm phần lớn là người Sán Chỉ sinh sống.
Đến những năm 60-70 của thế kỷ XX, nhiều đợt di dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ra Vân Đồn khai hoang. Dù không quá xa đất liền, các hòn đảo tại đây, đặc biệt là Cái Bầu vẫn biệt lập tương đối so với những vùng đất xung quanh.
Trước năm 2006, thời điểm những cây cầu nối Cái Bầu với đất liền hoàn thành, việc tìm mua xăng tại hòn đảo này là điều xa xỉ. Đường xá cũng hầu hết men theo biển và đường mòn dân sinh. Kinh tế khu vực đến nay chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản và một phần rất nhỏ của du lịch.
Từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng, luôn đau đáu về bài toán phát triển của huyện Vân Đồn. Địa phương với phần lớn diện tích là đảo Cái Bầu, cũng là hòn đảo lớn nhất Quảng Ninh. Ngoài ra, huyện cũng có 2.000 hòn đảo lớn nhỏ khác, trong đó có những đảo nổi tiếng như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…
Theo ông Hưng, Vân Đồn có vẻ đẹp kỳ vĩ như một bức tranh nhưng lại chưa được nhiều người biết tới. Nơi đây có vịnh Bái Tử Long đẹp không kém vịnh Hạ Long nhưng chưa được đánh thức tiềm năng du lịch.
Ông cho biết rất nhiều thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh đã nhìn ra tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn, từng bước phát triển cho đến ngày nay. Nếu dự án Luật đặc khu được thông qua, với hệ thống hạ tầng được đầu tư, chắc chắn nơi đây sẽ chuyển mình và có sự phát triển vượt bậc.
Khu vực cảng Cái Rồng. |
Mỗi hòn đảo nhỏ mang mỗi vẻ khác nhau, mờ mờ ảo ảo, thấp thoáng cánh chim biển chao liệng trên mặt nước, tạo nên một không gian yên bình. |
Nơi đây nước biển phẳng lặng như lòng chảo, tấp nập tàu đánh bắt cá với gần 150 nhà bè, hàng chục tàu gỗ và rất nhiều mủng, mảng, thuyền nan của cư dân neo đậu. |
Vịnh Bái Tử Long, điểm du lịch được nhiều nhà đầu tư hướng tới kinh doanh resort, khách sạn phục vụ nghỉ dưỡng. |
Khu dân cư nằm dưới chân núi, gần bờ biển. |
Những thửa đất đã được phân lô bán. |
Biển Bái Tử Long cát vàng, bãi thoai thoải, không có sóng vỗ bờ. |
Những khoảnh đất phân lô tại trung tâm thị trấn Vân Đồn. |
Một resort giá rẻ trồng cây ăn quả bạt ngàn, rộng gần chục ha. |
Chùa Cái Bầu tọa lạc gần khu du lịch Bãi Dài - Vân Đồn, nơi có bãi biển dài vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ quý giá. |
Đảo Cái Bầu rộng 1.712 ha, địa hình rất phong phù, cảnh quan kỳ vĩ. Nơi đây có cả vịnh, cả núi, cả đồng bằng, cả địa hình ven biển, cả núi đá vôi, hồ nước… Phía đông có dãy núi Cao Đài cao trên 300 m như mọt trục xương sống, nhìn ra vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp.
Phía tây là các vùng rừng núi hoang sơ, xen lẫn là các vịnh biển nhỏ. Phía nam đảo là thị trấn Cái Rồng, đây cũng là nơi sầm uất nhất trên đảo. Cái Rồng nổi tiếng với cảng phía đông bắc, kết nối các tuyến tàu đến các vùng đảo ngoài khơi. Đây cũng là cảng cá nhộn nhịp với sản lượng đánh bắt hàng nghìn tấn mỗi năm.
Vân Đồn với vẻ đẹp của mình, với những lợi thế hoàn toàn có thể bứt phá trong tương lai, khi đặc khu được thành lập. Đây cũng hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trên cả nước, thu hút khách du lịch khám phá.
Các cây cầu Vân Đồn 1, 2 và 3 nối các đảo nhỏ tại Vân Đồn. |
Tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản du lịch sinh thái quy mô lớn (giai đoạn 2016-2020) và nhiều dự án nhằm phát triển 4 trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên. |
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cầu Bạch Đằng của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long được đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội phát triển của địa phương, tạo nên sức bật mới cho một cực trong tam giác kinh tế của vùng Đông Bắc Bộ.