Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vào đặc khu, nhà đầu tư không phải thích làm gì thì làm'

"Luật đặc khu tạo ra cơ chế thông thoáng nhưng không phải nhà đầu tư thích làm gì cũng được", ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Xem xét giảm thời hạn thuê đất cao nhất ở đặc khu xuống còn 70 năm Ông Bùi Văn Xuyền cho biết Quốc hội đang xem xét ý kiến của cử tri và đại biểu. Việc cho thuê đất có thể kéo xuống 70 năm như Luật Đất đai hiện hành.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 8/6, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) cho biết sau khi tiếp thu ý kiến, Quốc hội đang xem xét bỏ quy định cho thuê đất, giao đất 99 năm ở đặc khu, duy trì thời hạn tối đa là 70 năm như quy định của Luật Đất đai.

Giảm thời hạn thuê đất đặc khu xuống 70 năm

- Chiều qua (7/6), Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp để xem xét lại dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 15/6. Vấn đề cho thuê đất 99 năm tại đặc khu được xác định thế nào, thưa ông?

- Về vấn đề đất đai, khả năng là ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu theo hướng giảm thời hạn cho thuê đất, giao đất xuống 70 năm như các khu kinh tế khác hiện nay và Luật Đất đai hiện hành.

- Chính phủ đã có ý kiến chính thức về việc này chưa?

- Chúng tôi họp là để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chứ không phải theo đề xuất của Chính phủ. Chính phủ chỉ là một yếu tố còn ý kiến của đại biểu Quốc hội mới quan trọng. Đại biểu đã ý kiến rồi, giờ tiếp thu thì tinh thần dù chưa chính thức nhưng cái 99 năm sẽ bỏ, duy trì cao nhất là 70 năm như quy định của Luật Đất đai. Chính phủ chắc cũng như thế thôi.

giam thoi han thue dat o dac khu anh 1
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Bá Chiêm.

- Khi đã giảm cho thuê đất xuống 70 năm, việc gia hạn thuê đất cho nhà đầu tư hạ tầng có thời hạn sử dụng dài hơn 70 năm như cảng biển, sân bay hay không sẽ được thực hiện ra sao?

- Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu giờ giao cho họ 50 năm hoặc 70 năm tùy dự án, kể cả luật đang giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là 20 năm. Luật hiện hành quy định rất rõ là sau 20 năm hết thời hạn giao đất, người dân vẫn có nhu cầu, sản xuất kinh doanh hiệu quả, chấp hành nghĩa vụ thì vẫn gia hạn để họ sử dụng.

Như đất nông nghiệp giao từ 1993, đến 2013, dư luận cứ đồn là xóa đi, giao lại nhưng không phải. Cái đó phải giữ ổn định, không phải sau 20 năm lại rũ ra giao lại. Làm như thế là chết.

Nên với dự án có niên hạn kéo dài hơn 70 năm người ta tiếp tục được gia hạn để yên tâm đầu tư. Vì có những khách sạn 5 sao, hạ tầng như cảng biển, nhà ga, sân bay có niên hạn sử dụng trên trăm năm. Cái đó không ngại gì cả.

giam thoi han thue dat o dac khu anh 2
Nhà đầu được gia hạn thời gian thuê đất nếu làm ăn hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhà đầu tư không phải thích làm gì thì làm

- Nhiều chuyên gia cho rằng các ưu đãi về đất và thuế ở đặc khu là quá lớn. Quốc hội đã xem xét việc này như thế nào?

- Các ưu đãi được Chính phủ đưa ra đã được xem xét rất kỹ, mình làm sẽ phải xem xét, cân đối với các ưu đãi trong nước hiện nay và ưu đãi trong các đặc khu xung quanh để đảm bảo cạnh tranh. Sẽ phải có những ưu đãi lớn hơn thì mới cạnh tranh được, nếu mà ưu đãi thấp thì thành lập đặc khu rất khó.

Mục đích của mình là có những nhà đầu tư chiến lược cam kết làm ăn lâu dài vào cơ sở hạ tầng với số vốn lớn. Họ rất mong muốn được như thế (thuê đất 99 năm) nên Chính phủ trình phương án như vậy. Đương nhiên mình sẽ có quy định rất chặt chẽ. Thẩm quyền đó không phải giao cho Chủ tịch đặc khu, Chủ tịch UBND tỉnh mà của Thủ tướng.

Quy định chặt chẽ rồi nhưng ý kiến của đại biểu và cử tri vẫn được xem xét, có thể sau này sẽ tính trên cơ sở tham khảo ý kiến. Tôi nghĩ cái đó rất bình thường, việc người dân quan tâm, góp ý đến luật là rất tốt. Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ giúp Quốc hội thu lượm, chắt lọc các ý kiến.

6 ưu đãi thuế đặc biệt đối với đặc khu kinh tế Ngoài doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi đặc biệt, cá nhân có thu nhập từ đặc khu kinh tế cũng được miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo.

- Dư luận đang lo lắng tất cả các dự án đó do một nhà đầu tư ngước ngoài thâu tóm. Quy định nào đảm bảo không một quốc gia nào đầu tư độc quyền ở đặc khu?

- Có thể dư luận chưa hiểu. Cái gì ưu đãi luật quy định rất rõ, cái gì không quy định trong luật này thì anh phải thực hiện theo các luật hiện hành khác. Như tất cả các luật về quốc phòng - an ninh, anh phải chấp hành hết. Đặc khu có cơ chế thông thoáng không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Không phải một nhà đầu tư mua hết cả đặc khu. Nó còn theo quy hoạch của chúng ta, chỗ nào làm cảng biển, chỗ nào làm sân bay, dịch vụ nghỉ dưỡng. Quyết định là của mình nên theo tôi, không có vấn đề gì phải ngại cả.

Cái này trên thế giới hay cạnh ta là Trung Quốc làm rất nhiều, người ta rút kinh nghiệm và tạo ra cực tăng trưởng. Còn với chúng ta, việc này không phải giờ mới đặt ra mà từ rất lâu rồi. Luật này cụ thể nội dung Hiến pháp, là tiến trình chung phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng nói sẽ rút thời gian thuê đất đặc khu, không giữ 99 năm

Bên hành lang Quốc hội sáng 7/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.


Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm