Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cao thủ hoạn 50 con lợn một ngày

Có cha là thợ hoạn lợn nổi tiếng vùng sơn cước nên sau hơn chục năm hành nghề, ông Tích đã đạt tới trình độ thuần thục, tinh tế trong nghề "hô biến" lợn con thành "lợn thái giám".

Cho đến giờ, ngày càng xuất hiện những tay thợ hoạn lợn tập tễnh bước vào nghề, thậm chí còn có các lớp học dạy hoạn lợn được tổ chức hằng năm. Lý do bởi những năm gần đây, nhu cầu hoạn lợn của người dân nơi đây càng nhiều, chính vì vậy nghề "tước đoạt bảo bối" lợn con này hiện đang rất "đắt sô".

Cao thủ hoạn lợn miền sơn cước

Nổi danh trong giới hoạn lợn đó là ông Mông Văn Tích (50 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Hơn chục năm hành nghề, hiếm ai có thể đạt tới độ thành thục, tinh tế như với cái nghề "hô biến" lợn con thành "lợn thái giám". Đã "tước đoạt bảo bối" hàng nghìn lợn con vùng sơn cước, nhưng đến giờ vẫn chưa có trường hợp nào bị rủi ro, trọng thương.

Ông Tích sinh ra ở huyện Trà Lĩnh nhưng do nhà đông anh em nên ông đành phải đến xóm Bản Khuông sống với gia đình nhà vợ. Ông có người cha vốn là thợ hoạn lợn nổi tiếng vùng sơn cước, có biệt tài hoạn được nhiều loài gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà… Một thời khắp các chợ phiên như chợ Mỏ, Trà Lĩnh, Thông Huề, Quảng Uyên, Trùng Khánh không ai là không biết đến cha ông.

Hồi nhỏ, ông Tích đã theo cha học nghề hoạn lợn tại các khu chợ phiên trong tỉnh. Sau giai đoạn quan sát không lâu, cha ông bắt đầu cho thực hành hoạn để quen tay. Tuy nhiên, cái giá của những bài học đầu tiên là một số con lợn lăn quay ra chết và hứng chịu sự sỉ nhục của người chủ nuôi lợn, thậm chí phải đền bù tổn thất ông gây ra.

Ông Mông Văn Tích đang hoạn lợn.
Ông Mông Văn Tích đang hoạn lợn.

Những lúc như vậy, đã bao lần ông định bỏ cuộc. May mắn, có người cha động viên và dốc tâm truyền nghề. Nhờ kiên trì mà không ít lâu ông Tích cũng thành thạo và tiếng vang ngày càng được nhiều người biết đến. Thời điểm đó, mặc dù nhu cầu hoạn lợn ít nhưng đối thủ cạnh tranh cũng không nhiều, do đó thu nhập từ nghề này cũng mang lại đủ để ông lo các khoản chi phí của gia đình.

Cho đến bây giờ, cứ đến các ngày chợ phiên (họp 5 ngày/lần) ông lại mang theo đồ nghề gồm kim chỉ, kéo, bột thuốc sát trùng và một con dao nhỏ đến đầu chợ để hành nghề. Giá cả đã định sẵn từ ban đầu: lợn đực là 15.000 đồng/con, lợn cái vì khó hoạn nên ông lấy thêm 5.000 đồng. Sau mỗi phiên chợ, số tiền ông thu được từ hoạn lợn ít nhất cũng trên 250.000 đồng.

Ông Tích cho hay: "Con lợn nào béo tốt thì càng dễ hoạn nhưng phải đúng thời điểm, nếu quá ngày thì tỷ lệ thành công rất thấp, thậm chí có thể làm chết lợn con. Nhu cầu hoạn lợn của người dân nơi đây rất nhiều, bởi vì theo kinh nghiệm nếu cứ để lợn phát triển tự nhiên thì khi đến độ trưởng thành chúng sẽ chậm lớn và quậy phá chuồng trại, nhất là lợn cái khi đến thời kỳ phát dục. Ngoài những ngày chợ, nhiều khách hàng còn gọi điện đến bảo tôi đi hoạn lợn tại nhà. Tính ra số tiền kiếm được từ nghề này cũng được kha khá, không uổng công sức bỏ ra".

Ông cho biết thêm, điều quan trọng khi hoạn là phải xác định chính xác điểm mổ lấy "hòn bảo bối", sau đó là cách khâu chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tránh khâu lẫn cả thịt và da vào nhau. Như vậy lợn con sẽ ít bị tổn hại sức khỏe và không ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng về sau. Ông bảo, mấy năm trước đây khi sức khỏe còn dẻo dai, kỷ lục hoạn lợn của ông còn được 50 con trong một ngày. Tuy nhiên, đến giờ do nhiều công việc gia đình nên ông hạn chế đi hoạn lợn, chỉ khi có người gọi đến mới không thể từ chối.

Nghề… "hốt bạc"

Những năm trước đây, nghề hoạn lợn ở vùng núi tỉnh Cao Bằng rất thịnh hành, phát triển bởi người dân có phong trào nuôi lợn thịt ngày càng nhiều. Thậm chí, ở nhiều xã của huyện Trùng Khánh còn có lớp học chuyên dạy về hoạn các loài gia súc, gia cầm do cán bộ Thú y huyện tổ chức. Vì vậy, sự cạnh tranh của các tay thợ hoạn ngày càng nhiều, không ít thợ hoạn mới vào nghề đứng giành khách cả buổi chợ phiên vẫn không hoạn được ca nào cũng chỉ vì chưa có danh tiếng. Cũng vì thế, hầu hết các tay thợ hoạn đều bỏ nghề do thiếu kiên trì hoặc không có năng khiếu hoạn lợn.

Dụng cụ, đồ nghề này đã theo ông Tích hai chục năm nay.
Dụng cụ, đồ nghề này đã theo ông Tích hai chục năm nay.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, mặc dù nhu cầu hoạn lợn tăng cao do có nhiều hộ gia đình tập trung vào việc chăn nuôi nhưng lại ít có thợ hoạn lợn xuất hiện. Sở dĩ như vậy, bởi vì bây giờ người dân chỉ quan tâm đến các công việc như đi làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt… Trẻ em, thanh niên đều được phụ huynh chăm lo, đầu tư cho việc học hành. Mặt khác, nghề hoạn lợn cũng cần có năng khiếu, sự kiên trì và khéo léo mới tạo được uy tín và danh tiếng.

Chính vì vậy, những thợ hoạn như ông Tích ở vùng sơn cước này hiện giờ rất "đắt sô". Đôi khi vì không tìm được người hoạn lợn, người dân thường mang lợn lên trạm thú y huyện hoặc gọi cán bộ đến tận nhà. Tuy nhiên, một phần do khó khăn trong việc vận chuyển, một phần cán bộ thú y cũng luôn bận việc nên hầu hết người dân thường tìm đến các tay hoạn lợn tự do. Tùy từng khoảng cách xa gần để ra giá khác nhau, vì thế khi đã được nhiều người biết đến, những thợ hoạn lợn lúc nào cũng thu lợi nhuận không nhỏ hằng tháng.

Anh Nông Văn Tậu ở xóm Sộc Riêng, xã Thông Huề - một tay thợ hoạn gà, lợn khác chia sẻ: "Thời buổi cạnh tranh nên ngành nghề gì cũng khó khăn cả. Với nghề hoạn lợn thì phải tạo niềm tin cho người dân mới có thể trụ lại được. Vượt qua giai đoạn đầu cũng chưa hẳn là sẽ thành công trong nghề đâu. Quan trọng là uy tín và sự chuyên nghiệp nữa. Chỉ có người yêu nghề thực sự mới có thể tồn tại và được nhiều người tin tưởng. Tuy đây không phải nghề chính để mưu sinh, nhưng lợi nhuận nó đem lại cũng không phụ công sức bỏ ra. Người giỏi nghề có thể kiếm được trung bình mỗi tháng vài triệu đồng".

Anh Trương Văn Hiếu, cán bộ Thú y huyện Trùng Khánh cho biết: "Hoạn lợn cũng là một kỹ năng cần bỏ nhiều thời gian để học và thực hành. Hiện giờ trên địa bàn huyện cũng có nhiều người hành nghề hoạn lợn, tuy nhiên không có trường hợp rủi ro nào đối với lợn con. Người dân khu lân cận thị trấn huyện khi có nhu cầu hoạn lợn thường hay tìm đến các cán bộ thú y chúng tôi, nhưng do công việc bận rộn nên cũng không thể đáp ứng được hết tất cả. Vì vậy, tại các buổi chợ phiên luôn thường xuất hiện các thợ hoạn lợn ở gần khu bày bán lợn giống".

Bà Nông Thị Tình ở Bản Khuông cho biết: "Khi có nhu cầu hoạn lợn thì chúng tôi thường tìm đến thợ hoạn ở xung quanh hoặc người có uy tín như ông Tích, anh Tậu chẳng hạn. Là người cùng làng, cùng xã nên khi cần thì tôi có thể gọi ông đến nơi hoạn lợn ngay tức khắc bởi họ rất trọng tình cảm đối với làng xóm. Đặc biệt, người có thâm niên trong nghề đến hoạn lợn, tôi thấy thực sự yên tâm không có rủi ro, sai sót xảy ra".

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/cuocsong/muonmaucs/2014/6/188262.cand

Theo Nông Lưu Vĩnh/Cảnh Sát Toàn Cầu

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm