Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hốt bạc nghề 'tái chế dầu nhớt' ở Hà Nội

Bằng những công nghệ thủ công, số dầu thải này được tái chế sau đó tuồn ra thị trường với giá chẳng kém gì dầu mới. Nhớt tái chế có màu sắc đẹp, giống y như màu dầu nhớt xịn.

Nơi tái chế dầu nhớt lớn nhất Việt Nam

Hằng ngày có hàng nghìn lít dầu thải được người dân gom về xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để tiêu thụ. Bằng những công nghệ hết sức thủ công, số dầu thải này được tái chế sau đó tuồn ra thị trường với giá chẳng kém gì dầu mới. Nhớt tái chế có màu sắc đẹp, giống y như màu của dầu nhớt xịn, không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được, thậm chí cả những chuyên gia về động cơ.

Theo những thợ sửa xe thì các đầu nậu ở đây gom dầu nhớt cũ dùng vài thao tác đơn giản, nhớt sẽ đẹp như mới, sau đó lại tuồn ra thị trường. Việc làm này rất công khai và diễn ra một thời gian dài, không hề có cơ quan chức năng nào hỏi han.

Anh Vũ nói: "Mỗi ngày có hàng nghìn lít dầu thải được nhập về đây, sau khi được tái chế lại sẽ bán ra thị trường. Chẳng có cơ quan nào tới đây kiểm định chất lượng cả, hơn nữa vấn đề về môi trường cũng không ai quan tâm. Khách hàng cần bao nhiêu cũng có".

Những chiêu trò tinh vi của trùm tái chế dầu nhớt

Người có công trình tái chế này hoạt động khá tinh vi, nhà một nơi, gom dầu một nơi và tái chế dầu nhớt lại ở một địa điểm khác tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Mới về đến đầu xã An Khánh, có rất nhiều biển quảng cáo như "thu mua dầu nhớt" hay "chuyên bán dầu nhớt giá rẻ" được đặt ngay những quán cóc nhỏ cạnh lề đường. Rất nhiều thùng phuy, can dầu xếp thành đống khiến cho cả vùng này trở nên ngột ngạt vì mùi dầu mỡ. Việc mua bán hết sức công khai mà không mắc phải sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng. Với ý muốn mua số lượng lớn dầu đã qua tái chế tức dầu nhái, một chủ cửa hàng tên Minh đon đả hỏi dồn: "Anh chị mua bao nhiêu cũng có, nhà em không đủ em gom chỗ khác cho. Đảm bảo hàng đẹp, giống y như thật luôn".

Qua tìm hiểu của phóng viên, chủ thu gom dầu nhớt thải bán ra ngoài với giá thường gấp đôi giá mua nhớt thải vào. Chủ ở đây có 2 nguồn thu gom dầu nhớt thải, một là của những người gom nhỏ từ các quán sửa xe nhỏ, hai là thu gom nhớt mới do người từ công trình, nhà máy tuồn ra.

Rất nhiều thùng phuy chứa nhớt thải chờ mang đi tiêu thụ.
Rất nhiều thùng phuy chứa nhớt thải chờ mang đi tiêu thụ.

Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi thắc mắc tại sao ở khu vực này bỗng dưng thành "làng nghề thu gom và tái chế dầu nhớt", chủ cửa hàng bật mí: "Vài năm nay  ở đây là khu vực có rất nhiều công trình xây dựng, tài xế ôtô chở vật liệu, máy công trình ăn bớt dầu nhớt rồi mang đi bán. Họ có nhu cầu bán, mình mua thôi, mà mua một bán lãi 2, 3 lần là chuyện bình thường. Chính vì thấy có lời nên rất nhiều người đã đổ xô mở những cửa hàng thu gom dầu nhớt như thế này".

Ở khu vực xã An Khánh không chỉ tồn tại những người thu mua dầu nhớt rồi bán lấy chênh lệch, mà còn có những người mở cơ sở tái chế dầu nhớt cũ. Để tránh cái nhìn của khách hàng, cơ quan chức năng, nhiều hộ gia đình mở những xưởng tái chế một nơi, chỗ thu gom một nơi, chỗ bán hàng một nơi. Dầu nhớt cũ được cho vào thùng phuy sắt và đun bằng công nghệ thủ công cộng với một số hóa chất. Họ sẽ có được một loại dầu tái chế đẹp không kém gì dầu xịn của hãng. Bà Nguyễn Thị Bình, người dân An Khánh chia sẻ: "Cơ quan  chức năng mà động vào những cơ sở đó chắc chắn phạt nặng, họ pha chế bằng axít và nhựa thông. Sau đó họ dùng hai hóa chất màu nữa, có giời mà biết thật với giả".

Sau những câu chuyện "bán mua" chúng tôi lấy lòng được một chủ cửa hàng khác trên địa bàn tên T, đây là người khá nổi và giàu lên nhờ nhề "thu mua nhớt bẩn".  Ông T rỉ tai: "Chú ý nhé, những của hàng xấu xí, biển quảng cáo bẩn, cũ là nơi cung cấp nhớt tái chế. Còn những cửa hàng có biển mới toanh thì là hàng xịn của hãng đó".

Tại cơ sở của ông T. loại dầu nào cũng có, từ dầu thải từ máy móc cho đến những loại đã được đun, trộn hóa chất. Những loại nhớt cũ lấy từ máy móc với giá khoảng 2 triệu/200 lít. Những loại này sau khi được tái chế có màu sắc đẹp như hàng công ty sẽ có giá khoảng 3-5 triệu tùy theo chất lượng. "Ở đây chúng tôi gần như chỉ cắm biển để gom hoặc bán nhớt còn điểm tái chế phải xây dựng ở nơi khác, xa trung tâm. Nếu như bị phát hiện thì ăn phạt rất nặng". Điều đặc biệt nữa mà ông T. bật mí, nếu muốn mua dầu nhớt, đóng chai dùng cho động cơ xe máy, giả các hãng lớn cũng sẽ có nơi cung cấp cho. Đảm bảo người tiêu dùng không bao giờ nhận ra.

Công nghệ phù phép nhớt "bẩn" thành nhớt "xịn"

Được sự giới thiệu của một thợ sửa xe có uy tín tại khu vực, chúng tôi kết nối được với anh Dũng, anh này nổi tiếng tới mức người ta vẫn gọi là "Dũng nhớt". Chẳng ngần ngại, "Dũng nhớt" chia sẻ rất chân thật về công nghệ tái chế dầu nhớt của mình.

Theo như Dũng cho biết ở khu vực này có hai loại, nhớt tái sinh và nhớt xuyên chai. Nhớt tái sinh là loại chỉ qua lọc cặn bẩn, có màu sẫm. Loại này sơ chế rất đơn giản, chỉ cần cho máy khoắng lên là sẽ có sản phẩm. Với cách làm đơn giản nên giá chỉ khoảng 3 triệu đồng/phuy 200 lít. "Càng cho máy khoắng càng nhiều sản phẩm sẽ càng thật và có độ nhớt cao hơn. Đảm bảo khách hàng không thể nhận ra thật giả".

Loại nhớt thứ hai được được gọi là "nhớt xuyên chai", tức là nhớt có độ trong có thể nhìn từ bên nọ sang bên kia. Đây là loại nhớt được tái sinh bằng công thức công phu hơn rất nhiều. Giá của loại "nhớt xuyên chai" này dao động từ 4 đến 5 triệu đồng/phuy 200 lít.

Anh Dũng tiết lộ, để có được sản phẩm "nhớt xuyên chai" người làm phải sử dụng axít và nhựa thông, cùng với một vài phụ gia khác để biến nhớt bẩn thành nhớt có màu đẹp như nước chè. "Anh đảm bảo với chú là có tới 99% khách hàng không nhận ra. Kể cả những tay thợ về máy móc cũng khó lòng nhận ra được. Chỉ có những chuyên gia họ sử dụng máy móc để đo đạc chất nọ chất kia thì mới biết được đâu là thật đâu là giả”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đây là khu vực tập trung nhiều người hành nghề buôn bán, tái chế dầu thải nhưng họ đều hoạt động khá độc lập. Mỗi cơ sở đều có những mối làm ăn ruột với nhau. Chỉ cần những mối ruột điện thoại, số lượng bao nhiêu cũng sẵn sàng. Cũng có khá nhiều người kiêm luôn cả "kỹ thuật" cho khách hàng. Tức là đến tận nơi để đun, tái chế cho khách hàng. Thường thì giá cho mỗi lít tái chế thuê khoảng 20.000 đồng/200 lít.

Anh Dũng nói: "Kể ra đi tái chế thuê cũng được, không phải bỏ vốn không lo đầu ra đầu vào. Hơn nữa không sợ cơ quan chức năng nào nhòm ngó. Nếu đi tái chế thuê tiền triệu mỗi ngày cũng chả chơi".

Sau khi thu gom đủ nhớt thải những người này sẽ đem bán cho “dân tái chế”.
Sau khi thu gom đủ nhớt thải những người này sẽ đem bán cho “dân tái chế”.

Để tìm hiểu về sự ảnh hưởng và lợi nhuận "khủng" của những người đang hành nghề tái chế, thu mua dầu nhớt bẩn, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với anh Nguyễn Công Vũ, một nhân viên kỹ thuật của hãng xe Honda trên địa bàn quận Hà Đông.

Anh Vũ chia sẻ: Dầu nhờn chính hãng giá khá cao, khi các cửa hàng sửa chữa xe máy thay cho khách lãi rất ít chỉ vài nghìn đồng. Ngược lại giá của mỗi chai dầu tái chế với dung tích 0.8 lít chỉ có giá khoảng 40 nghìn, khi thay cho khách hàng họ thường lấy 80 - 90 nghìn đồng/chai. Như vậy họ đã lãi gấp đôi. Trong khi giá của những chai dầu xịn của hãng lên tới 80.000 đồng/chai, bán cho khách chỉ khoảng 85.000 đồng/chai.

Rất nhiều thợ sửa xe nhập cả 2 loại này, khi có khách đến thay dầu sẽ tùy cơ mà thay cho khách. Khách quen thân họ thay cho dầu xịn, còn khách lạ chắc chắn bị ăn dầu tái chế. Động cơ tốt đến đâu khi dùng nhớt thải dần dần cũng sẽ ảnh hưởng, tuổi thọ giảm. Dầu nhớt bẩn đôi khi sẽ gây nổ, tụt áp, hỏng xi lanh.

Một người làng An Khánh bức xúc: "Từ khi có cái nghề tái chế dầu nhớt này tôi thấy không khí ngột ngạt lắm. Cây cối xung quanh đó chả thể sống được. Nếu có làm thì tập trung vào một khu nào đó làm chứ không nên làm ở khu vực dân sinh thế này".

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/5/188034.cand

Theo Phong Anh/Báo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm