Trong phiên thảo luận nhóm ngày 18/9, với chủ đề "Quản lý phương tiện cơ giới cá nhân: Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng vào Việt Nam" tại Hội nghị quốc tế về An toàn giao thông khu vực Đông Á lần thứ 12 (EASTS XII) đang diễn ra tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đề cập đến việc quy hoạch đô thị chưa hài hòa khiến hạ tầng giao thông quá tải.
Cao ốc mọc lên, hạ tầng quá tải
Đại diện doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, đầu tư công nghệ giao thông, ông Lâm Thiếu Quân (Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong) thẳng thắn cho rằng hiện nay tình trạng phát triển nhiều cao ốc trên cùng trục đường khiến hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp, dẫn đến quá tải, ùn tắc.
Ông Quân dẫn chứng một số tuyến đường hiện nay ở TP.HCM như Phổ Quang (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Mai Chí Thọ (quận 2), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)... hàng loạt công trình cao ốc đang mọc lên, trong khi hệ thống hạ tầng đã quá tải, giao thông công cộng lại chưa thể đáp ứng.
Các dự án cao tầng trên đường Nguyễn Văn Linh khá nhiều, khiến cửa ngõ phía nam của TP luôn ùn tắc. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Chia sẻ vấn đề với các chuyên gia trong khu vực, ông Quân cũng đặt thêm câu hỏi ở một số TP lớn tại Đông Á có thu phí chống ùn tắc hay không và việc tăng phí sử dụng phương tiện thì ảnh hưởng như thế nào đến việc người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang các loại hình vận tải HKCC.
Hiện công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong đang nghiên cứu xây dựng đề án thu phí ôtô vào nội đô TP.HCM để giảm ùn tắc giao thông. Đề án vừa được báo cáo với Sở GTVT TP.HCM và dự kiến áp dụng vào năm 2020.
Đồng quan điểm với chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân, ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho rằng việc xây dựng các chung cư cao tầng đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông và khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải.
Theo ông Đức, thành phố cần quy hoạch theo định hướng xung quanh các đầu mối giao thông như nhà ga, trạm xe buýt, chung cư,... đều gắn với vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, nếu xây dựng đô thị nén quá nhiều sẽ dẫn đến số lượng người, phương tiện, nhu cầu đi lại... tăng thêm và càng khó giải quyết bài toán ùn tắc.
Hạ tầng giao thông TP.HCM đang quá tải do nhiều dự án nhà cao ốc "mọc lên như nấm" trên nhiều tuyến đường cửa ngõ TP. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Đức đánh giá nhiều khu vực tại TP.HCM, hạ tầng giao thông xuống cấp là do việc quy hoạch kiến trúc, không gian đô thị chưa phù hợp. "Thành phố cần có giải pháp, phương án khả thi trong quy hoạch và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện hữu. Cần sớm hạn chế lượng xe cá nhân, song song là phát triển vận tải hành khách công cộng thì mới mong có đường cho xe chạy", ông Đức nói.
Quy hoạch đô thị phải có hạ tầng xã hội
Chia sẻ với câu chuyện hạ tầng giao thông quá tải do cao ốc, ông Võ Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng muốn giảm ùn tắc giao thông đô thị mà chỉ triển khai các giải pháp giao thông là chưa đủ. Đô thị là một “cơ thể sống” không ngừng biến động và phát triển từ không gian đô thị, quy mô dân số, kinh tế - xã hội…
Theo ông Võ Minh Trí để giải quyết vấn đề giảm ùn tắc giao thông đô thị cho thành phố có quy mô dân số trên mười triệu dân thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ở đây chỉ nói đến một giải pháp phân bố lại dân cư trên điạ bàn TP, nhằm giảm lượng người đổ dồn vào khu trung tâm tổng hợp chính hiện hữu đã quá tải cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đang gánh hơn 10 dự án cao tầng trên đoạn đường chỉ hơn 1 km. Ảnh: Lê Quân. |
Vị chuyên gia này cho biết muốn giảm ùn tắc giao thông TP, trước tiên cần triển khai thực hiện phát triển thành phố theo hướng đa tâm, với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển theo quy hoạch.
Đánh giá tổng thể về quy hoạch đô thị mới thời gian qua, ông Võ Minh Trí cho biết các đô thị đều phát triển mạnh như hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được hình thành tương xứng.
"Nếu có hình thành thì chủ yếu cũng chỉ phát triển các khu nhà ở mà chưa đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, dẫn đến người dân ra ngoại thành ở nhưng làm việc, học tập, khám chữa bệnh vẫn phải vào trung tâm", ông Trí nói.
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM trong 8 tháng đầu năm 2017 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các sở, ngành phối hợp kiểm tra không cấp phép xây dựng các dự án cao tầng có dân cư đông tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.