Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cảnh tượng gây choáng váng trong Quốc hội Pháp

Các nghị sĩ cánh tả và cánh hữu đã nổi giận sau khi biết chính phủ Pháp sử dụng các quyền hiến pháp đặc biệt để thông qua cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

phap tang tuoi huu anh 1

Các nhà lập pháp phủ kín phòng lớn của Quốc hội Pháp.

Họ đứng dậy khỏi những chiếc ghế màu đỏ thẫm, uốn thành hình bán nguyệt xung quanh căn phòng từng là nơi diễn ra các cuộc tranh luận dân chủ kể từ Cách mạng Pháp.

Bầu không khí căng thẳng có thể cảm nhận được rõ ràng.

Một dự luật kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi đã được Thượng viện Pháp thông qua. Thế nhưng, thay vì tiếp tục được chuyển đến quốc hội để bỏ phiếu, chính phủ Pháp hôm 16/3 đã sử dụng các quyền hiến pháp đặc biệt để thông qua.

Động thái này đã khiến quốc hội hỗn loạn. New York Times đưa tin các nghị sĩ cánh tả của đảng France Unbowed đã đột nhiên cất tiếng hát quốc ca. Họ giơ cao những tờ giấy trắng ghi dòng chữ: “64 năm, không thể”.

Bên kia phòng, các thành viên của đảng National Rally cực hữu - thường là đối thủ chính trị của France Unbowed - cũng đập bàn. Trong khoảnh khắc này, họ dường như là đồng minh của nhau.

Sự ồn ào lên đến đỉnh điểm khi chủ tịch quốc hội thông báo sự xuất hiện của Thủ tướng Élisabeth Borne.

“Thưa quý ông và quý bà”, bà Borne bắt đầu từ bục diễn giả. “Nếu mọi người bỏ phiếu theo bổn phận và tán thành với quan điểm trước đây, chúng ta sẽ không có mặt ở đây chiều nay”.

phap tang tuoi huu anh 2

Một số nghị sĩ giơ cao biểu ngữ và hát bài quốc ca Pháp Marseillaise khi Thủ tướng Elisabeth Borne phát biểu. Ảnh: Reuters.

Nhưng lời nói của bà gần như bị át đi giữa tiếng hát và tiếng đập bàn. Theo Guardian, các nghị sĩ cánh tả cấp tiến đã hát quốc ca Marseillaise hết cỡ để ngăn Thủ tướng Élisabeth Borne phát biểu.

Chưa đầy 10 phút sau, bà rời khỏi phòng, theo sau là các bộ trưởng với vẻ mặt không cảm xúc, trong khi một số nhà lập pháp đối lập giận dữ, xông xuống cầu thang để tố cáo chính phủ trước báo chí.

Làn sóng tức giận

Đó là cảnh tượng rất ít khi xảy ra trong nền chính trị hiện đại của Pháp. Một cảnh khiến người xem choáng váng và tự hỏi liệu họ có đang chứng kiến​ thời khắc quyết định, có thể gây nguy hiểm cho nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron hay không và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

“Hôm nay là ngày đầu tiên kết thúc nhiệm kỳ của ông Emmanuel Macron”, người đứng đầu cánh tả France Unbowed tại quốc hội, Mathilde Panot, hét lên trước đám đông phóng viên đứng chật cứng căn phòng lát đá cẩm thạch.

Đằng sau những micro khác gần đó, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu National Rally, đả kích tổng thống Pháp.

“Đó là một thất bại hoàn toàn đối với ông Emmanuel Macron”, bà cho hay.

Các đảng đối lập cam kết sẽ liên kết với nhau và hạ bệ chính phủ bằng một động thái bất tín nhiệm mà họ dự định đưa ra vào hôm 17/3. Sau đó, các nhà lãnh đạo công đoàn đã công bố một ngày đình công và biểu tình toàn quốc khác vào tuần tới - lần thứ 9 trong hai tháng.

phap tang tuoi huu anh 3

“Đó là một thất bại hoàn toàn đối với ông Emmanuel Macron”, bà Marine Le Pen, cho biết hôm 16/3. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, liệu những mối đe dọa đó có thành công và buộc chính phủ phải lùi lại hay không vẫn chưa rõ ràng. Trong lịch sử gần đây, chỉ có một phong trào bất tín nhiệm từng thành công.

Cảnh tượng tại Quốc hội Pháp đã kéo theo tâm trạng thất vọng, tức giận và hoài nghi về tương lai không chắc chắn trên khắp đất nước.

Nhiều người tràn qua sông Seine để đến Place de la Concorde, vòng xoay giao thông đông đúc mà 230 năm trước được đặt tên là Quảng trường Cách mạng. Chính tại đây, Vua Louis XVI và Marie Antoinette đã bị xử tử.

Đám đông sinh viên đứng sát nhau, diễu hành và hô vang: "Tất cả cùng nhau, tất cả cùng nhau, tổng đình công!". Trong khi đó, tiếng xe tải của các thành viên công đoàn vang lên ầm ầm, trên đầu họ là những quả bóng bay khổng lồ.

Nhiều người biểu tình khác đổ ra, giương cao tấm biển có nội dung: “Dân chủ trên đường phố” và “Đủ rồi”, trong khi đám đông ngày càng dày đặc.

Người dân bày tỏ sự tức giận trước việc chính phủ sử dụng quyền hiến pháp đặc biệt để thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu.

“Trong nhiều tuần, chúng tôi đã phản đối. Làm thế nào họ có thể bỏ qua điều đó?”, Romain Le Riguer, một sinh viên 20 tuổi, nói. “Thật quá khinh thường người khác”.

Lo ngại căng thẳng gia tăng

Giữa biển cờ và bóng bay tại quảng trường, những người biểu tình tụ tập thành nhóm và phân tán xung quanh. Một người đàn ông bán bánh mì jambon-beurre ngoài chiếc xe tải. Một người phụ nữ đưa sô cô la.

Một nhóm phụ nữ khác được gọi là “Les Rosies” đã dẫn đầu đám đông trong điệu nhảy được dàn dựng sẵn theo bài “I Will Survive” (tạm dịch: Tôi sẽ sống sót) của Gloria Gaynor.

Họ đã thay đổi lời bài hát để thể hiện sự phản đối: “Nấm mồ cho giai cấp công nhân. Không thể 64 năm”.

phap tang tuoi huu anh 4

Những người biểu tình giương biểu ngữ khi họ tập trung tại quảng trường Concorde gần Quốc hội để phản đối. Ảnh: Reuters.

Nhiều người tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nào đủ sức ép gây áp lực buộc chính phủ bãi bỏ luật cải cách hưu trí.

“Điều đó đã xảy ra trước đây”, Isabelle Mollaret, một thủ thư cho biết khi đề cập đến làn sóng biểu tình vào năm 2006, buộc chính phủ phải bãi bỏ một luật lao động gây tranh cãi.

Cô giơ tấm biển có nội dung: “(Tổng thống) Macron, ông không phải là ông chủ. Trả lại tiền”.

“Chúng tôi sẽ biểu tình tự phát trên khắp nước Pháp và ủng hộ những công nhân đang đình công, đóng cửa các cơ sở hạ tầng quan trọng”, Mollaret (47 tuổi), nói.

Bóng ma của phong trào “Áo gile vàng” vẫn còn ám ảnh trong tâm thức một số người Pháp. 4 năm trước, một nhóm người biểu tình thuộc tầng lớp lao động bất mãn đã gây hỗn loạn ở Khải Hoàn Môn, đập phá nhiều mặt tiền cửa hàng gần đó và đấu súng với cảnh sát chống bạo động, dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ khiến chính phủ choáng váng.

Liệu làn sóng giận dữ lần này có phát triển thành một phong trào tương tự hay không vẫn còn phải xem xét.

Nhưng những người biểu tình đã đốt các pallet gỗ và hàng rào sắt trên Place de la Concorde. Khi màn đêm buông xuống, cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay nhằm giải tán đám đông.

Mọi người chạy tán loạn, với một số nhóm nhỏ đi khắp phía tây Paris, lật xe scooter và đốt những đống rác không được thu dọn.

Hiện tại, một số người biểu tình đã kêu gọi tổng đình công, chỉ ra năm 1995 - thời điểm các cuộc đình công phản đối dự luật lương hưu trước đây làm tê liệt nước Pháp trong nhiều tuần - đã buộc chính phủ phải từ bỏ kế hoạch.

“Bệnh viện, trường học, rác thải, người thu gom, xe lửa - mọi thứ phải dừng lại”, Léa Martinez-Comelli, thành viên của CGT, công đoàn lớn thứ hai của Pháp, nói.

Người dân Pháp nổi giận Hơn 300 người đã bị bắt trên khắp nước Pháp khi các cuộc biểu tình lan rộng nhằm phản đối việc chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không bỏ phiếu tại Quốc hội.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao người Pháp nổi giận vì bị tăng tuổi hưu

Việc người Pháp phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ nằm ở vấn đề phải lao động lâu hơn, mà còn bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về những gì định nghĩa bản sắc dân tộc.

Tiếng hét lớn giữa Quốc hội Pháp khi thủ tướng muốn phát biểu

Chính phủ Pháp hôm 16/3 sử dụng các quyền hiến pháp đặc biệt để thông qua cải cách hưu trí - vốn gây nhiều tranh cãi - mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Minh An

Bạn có thể quan tâm