Cán bộ phụ trách phòng khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho biết, hiện cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng để thu hút người vay đang diễn ra khốc liệt. Cụ thể, với một khoản vay, khi ngân hàng của ông chào lãi suất 8,5%/năm thì sẽ có ngân hàng khác chào với mức thấp hơn 8%/năm hoặc thậm chí là 7%/năm. Điều đáng quan tâm là ở một số ngân hàng nhỏ, họ không chỉ giảm lãi suất mà còn sẵn sàng chi tiền để trả khoản nợ cũ cho khách hàng ở ngân hàng khác để có thể vay ở ngân hàng mình, với lãi suất thấp hơn.
Trong khi đó, tâm lý của khách hàng luôn muốn lãi suất thấp, mà không nghĩ đến những khoản phụ phí kèm theo (phí phạt trả nợ trước hạn, phí thẩm định, phí quản lý tài sản…) nên họ sẵn sàng chọn mức lãi suất ưu đãi hơn, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Đây cũng là lý do dù lãi suất cho vay của các ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, Agribank, BIDV và một số ngân hàng cổ phần lớn) ổn định, có phần ưu đãi, cũng như có cơ chế giảm lãi suất ở mức tối đa cho phép, nhất là đối với lãi suất áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… nhưng vẫn bị mất khách hàng.
Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh Bà Rịa -Vũng Tàu, các doanh nghiệp lớn luôn yêu cầu lãi suất phải ở mức thấp, trong khi cơ chế phê duyệt của ngân hàng cổ phần nhỏ nhanh gọn hơn nên nhiều doanh nghiệp muốn chuyển qua vay ngân hàng nhỏ.
Không chỉ ở các thành phố lớn cạnh tranh tín dụng giữa các nhà băng mới gay gắt mà ngay cả khu vực nông thôn, cho vay nông nghiệp cũng ngày một nóng lên khi có nhiều nhà băng tham gia. Hiện tín dụng nông nghiệp, nông thôn không chỉ Agribank “độc chiếm” mà các NHTM cổ phần (Sacombank, ACB, MB, ABBank...) cũng từng bước “vươn” rộng, đẩy mạnh cho vay ở mảng khách hàng này.
Đơn cử trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, có đến 45 ngân hàng hoạt động, với số điểm giao dịch, chi nhánh lên đến gần 200 điểm. Cạnh tranh về lãi suất cũng như nới điều kiện tín dụng được xem là lợi thế của các NHTM cổ phần nhỏ để thu hút khách hàng vay vốn.
Lãi suất cạnh tranh, điều kiện cho vay “thoáng” hơn là lợi thế của ngân hàng nhỏ. |
Còn tại địa bàn của huyện Long Điền (Bà Rịa -Vũng Tàu) có 31.251 hộ dân, Agribank chi nhánh huyện Long Điền cho vay chiếm 12% trên tổng số hộ này, 9 NHTM còn lại cho vay chiếm khoảng 37%. Điều kiện cho vay của các NHTM nhỏ “thoáng” hơn, một số sản phẩm cho vay có lãi suất ưu đãi hơn nên dễ thu hút khách hàng so với Agribank.
Thêm vào đó, các NHTM nhỏ không cần có chi nhánh, điểm giao dịch mà chỉ cần cử cán bộ, nhân viên đi đến tận nơi, đến các hộ gia đình để chào mời các gói vay, với điều kiện khá cởi mở, lãi suất lại có phần ưu đãi nên khả năng cạnh tranh khá mạnh.
Phó giám đốc Agribank Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, thông thường chênh lệch lãi suất huy động và cho vay 2,5% thì ngân hàng mới có lãi, song thực tế hiện nay khoảng cách này chỉ thu hẹp còn 1,5-2%. Lý do là bởi ngân hàng không thể hạ lãi suất huy động (bình quân 6-6,5%/năm), trong khi, cho vay đối với doanh nghiệp chỉ khoảng 7-8%/năm.
Thậm chí, đối với các doanh nghiệp lớn, có dự án kinh doanh khả thi tại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lãi suất còn thấp hơn nên khó kỳ vọng lợi nhuận trong hoạt động tín dụng ở mức cao, chưa kể đến việc vì lo sợ mất khách hàng nên buộc phải hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn thì không còn lãi.
Đáng chú ý, có trường hợp thông tin khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) cho thấy có lịch sử nợ xấu nên Agribank, BIDV không thể cho vay, trong khi một số ngân hàng khác vẫn rót vốn, thậm chí dành lãi suất ưu đãi để có khách hàng.
Lãnh đạo một ngân hàng tỏ ra e ngại rằng, nếu không thận trọng trong cho vay, các nhà băng sẽ tự rước họa vào thân. Vì khách hàng chỉ “chạy” từ bên này qua bên khác, nguồn tiền di chuyển nhưng thực tế dư nợ của khách hàng không tăng lên, do tình hình kinh tế còn những khó khăn nhất định.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cảnh báo, nếu không thận trọng, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp rủi ro, bởi bỏ qua một trong các điều kiện của quá trình thẩm định và dễ dãi trong cho vay sẽ là “con dao hai lưỡi”.
Chẳng hạn, trường hợp những doanh nghiệp làm ăn không bài bản, thiếu minh bạch, không dễ tiếp cận được vốn vay ở nhà băng lớn, kiểm soát chặt chẽ rủi ro sẽ phải tìm đến các ngân hàng quy mô nhỏ để mượn vốn. Mặt khác, việc ồ ạt đẩy vốn không kiểm soát chặt rủi ro dễ dẫn đến nợ xấu như với tín dụng bất động sản thời gian qua.
Thực tế đã chứng minh, trong cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng thời gian qua, đã có không ít ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém, thậm chí “ăn” thâm vào vốn đành phải bán lại với giá 0 đồng. Nguyên nhân chính do khâu quản trị yếu kém, trong đó có cả hoạt động tín dụng, với một số hợp đồng cho vay tiềm ẩn rủi ro.