Năm 2010, cảng Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Cảng đi vào hoạt động thu hút lượng lớn tàu thuyền trong khu vực và các địa phương lân cận, neo đậu, trao đổi hàng hóa. |
Tuy nhiên, chưa lâu sau, luồng lạch dẫn vào cảng dần bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân. |
Để tàu thuyền vào được cửa lạch, ngư dân phải nắm chu kỳ lên, xuống của thủy triều. Nhiều ngư dân còn phải luồn lách qua các doi cát để tìm đường vào nhưng chỉ một sơ suất nhỏ là tàu sẽ bị mắc cạn, gãy chân vịt, vỡ mạn, thậm chí bị chìm. |
Tình trạng luồng lạch cạn khiến tàu thuyền ngư dân bị mắc cạn, hư hỏng nặng xảy ra thường xuyên. |
Chịu cảnh "mắc cạn" giữa cảng do luồng lạch, cầu cảng bồi lắng. Ngư dân đành neo thuyền trên bãi cát chờ triều lên để ra khơi. |
Tàu neo đậu trong cảng hầu hết bị mắc cứng chân vịt, mạn tàu và các vị trí khác hư hỏng. |
Ông Nguyễn Văn Khoa (59 tuổi, thôn Hội Thái, xã Xuân Hội) nói rằng chuyện tàu vào cảng mắc cạn xảy ra như cơm bữa với ngư dân nơi đây. "Cát bồi giữ chặt chân vịt không ra vào được, có khi vào tới là chân vịt lại bị bẻ cong phải lấy ra từ lớp bùn để mang đi sửa. Nếu không nạo vét thì chẳng mấy chốc sẽ không còn thuyền nào vào được cảng này", ông nói. |
Cầu cảng Xuân Hội có chiều dài 127 m, với 5 nhịp tàu lên xuống nhưng hiện chỉ có 1 nhịp ở phía Tây là tàu có thể neo đậu được dưới nước. Những nhịp còn lại bị cát biển bồi lấp nghiêm trọng. |
Các tàu đánh bắt về hoặc mang sang cầu cảng ở Nghệ An phía đối diện tiêu thụ hoặc phải bỏ thêm chi phí thuê thuyền máy nhỏ tăng bo hải sản vào bờ. |
Hoạt động mua bán thủy hải sản trên cầu cảng cũng vì thế mà trở nên kém sôi động, vắng bóng vì không có thuyền vào ra. |
Ông Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng cảng cá Xuân Hội, cho biết gần 10 năm đưa vào sử dụng, cảng cá này chưa một lần được nạo vét luồng lạch khiến tình trạng bồi lắng càng nghiêm trọng. “Mỗi ngày cảng cá đón khoảng 20-25 lượt tàu thuyền ra vào, tuy nhiên các tàu thuyền đều phải chờ nước thủy triều lên mới vào được. Vì thế mà hầu hết tàu thuyền đều đưa hàng hóa về cảng bên phía Nghệ An tiêu thụ và đưa tàu không về cảng này để nghỉ...”, ông Long nói. |
Thiếu tá Hà Quang Sáng, Cán bộ Trạm Biên phòng Xuân Hội, thuộc Đồn Biên phòng Lạch Kèn, cho biết từng có một số đoàn kiểm tra của Trung ương và địa phương về kiểm tra việc cảng Xuân Hội bị bồi lắng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý. |
"Muốn đưa thuyền ra vào âu sau chuyến câu mực thì phải đợi từng đợt triều lên xuống, chứ không phải muốn là ra được đâu. Nay đang mùa mực, tôm nhưng cũng đành chịu, chỉ biết trám lại những vị trí thuyền bị hư hỏng khi vào âu gặp lạch bồi lấp", ông Xoan (58 tuổi, xã Xuân Hội) cho hay. |
Khi thủy triều xuống thấp, cảng cá lộ ra những bãi cát nhô hẳn lên khỏi mặt nước, tàu thuyền đang neo đậu đều nằm phơi mình trên cát. |