Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cảnh sát ứng xử đúng mực dân mới phục'

"Tôi thấy rất buồn, thương anh em, nhưng sao mà phải làm thế?", thượng tá Lê Đức Đoàn, công dân ưu tú Thủ đô chia sẻ với Zing.vn sau vụ CSGT bị xe tải tông, kéo lê.

Liên quan tới vụ tài xế xe tải vượt đèn đỏ, đâm gục cảnh sát ba ngày trước, thượng tá Lê Đức Đoàn (nguyên cán bộ Đội CSGT số 1 - Công dân ưu tú Thủ đô Hà Nội năm 2012) chia sẻ nhiều suy nghĩ trên cương vị một CSGT lâu năm trong nghề, được nhiều tài xế, người dân quý mến.

- Ông suy nghĩ gì khi đọc được tin CSGT bị ôtô cán, kéo lê hôm 11/12?

- Xem những hình ảnh trên mạng, tôi cảm thấy rất buồn, thương xót cho anh em. Nhưng sao mà phải làm thế, phải biết quý trọng bản thân mình chứ?

Gần đây xảy ra rất nhiều vụ tài xế không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát và chống người thi hành công vụ. Những hành vi đấy không chỉ tôi mà cả xã hội rất không đồng tình.

Nếu như tài xế chấp hành tốt, bình tĩnh xử lý các tình huống trên đường, tuân thủ sự hướng dẫn của CSGT thì sẽ không xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Còn CSGT cũng có nhiều cách xử lý vi phạm, không nhất thiết phải chặn đầu xe. Trên Quốc lộ 5 có nhiều tổ công tác được trang bị bộ đàm nên có thể thông báo cho chốt liền kề dừng xe. Ngoài ra, có thể báo về chỉ huy để dùng hình ảnh từ camera giám sát để truy tìm chủ phương tiện và phạt nguội.

Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, là cảnh sát cần có nụ cười và ánh mắt thân thiện với người dân. Ảnh: Hoàng Anh.
Hình ảnh quen thuộc của thượng tá Lê Đức Đoàn trước khi nghỉ hưu ở cầu Chương Dương (Hà Nội). Ông được cánh tài xế, người dân hay qua lại tuyến đường dành nhiều tình cảm và gọi thân mật là "bố Đoàn". Ảnh: Hoàng Anh.

- 20 năm trong ngành, ông đã từng quyết liệt chặn bắt trường hợp nào được coi là nghiêm trọng?

- Tôi có rất nhiều lần đối mặt với tình huống nguy hiểm tới tính mạng bản thân và cả của người dân.

Lần tôi làm nhiệm vụ ở huyện Đông Anh, nhóm thanh niên cầm hung khí tấn công phụ nữ đi một mình ở đoạn vắng để cướp xe máy. Khi phát hiện vụ việc, tôi kiên quyết truy đuổi.

Chúng dùng hung khí chống đối và đâm tôi bị thương nặng nhưng tôi vẫn khống chế được một tên. Đồng đội đến đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Sau vụ này, tôi là thương binh hạng 3/4, còn cảnh sát đã lần ra cả nhóm cướp giật.

Tuy nhiên, với các tình huống xử lý vi phạm giao thông, nhiều năm cắm chốt trên cầu Chương Dương, khi tôi ra tín hiệu, chưa từng có trường hợp tài xế bỏ chạy. Các tài xế dừng xe, tôi nhẹ nhàng thông báo lỗi vi phạm, lập biên bản.

Một số trường hợp tái phạm, tôi dừng xe nhắc nhở về mức độ nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác sau đó cho tài xế đi tiếp.

Có người tôi vừa nhắc vừa trêu: "Nếu chẳng may ngày mai em va phải anh, có phải em ân hận suốt đời không" thì tài xế cũng cười và thừa nhận lỗi. 

- Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng CSGT nhảy ra chặn đầu xe và bị bất lên capo, đu cần gạt nước, bất chấp tính mạng của mình và người khác?

Gần đây, nhiều tài xế lái xe bỏ chạy, bất tuân hiệu lệnh, hất cảnh sát lên capo. Nhiều chiến sĩ không kịp phản ứng hay né tránh đã phải bám cần gạt nước.

Hình ảnh cảnh sát bám cần gạt nước để yêu cầu tài xế dừng xe rất phản cảm. Trong nhiều tình huống có thể dẫn đến gây nguy hiểm cho bản thân cảnh sát và người tham gia giao thông. 

CSGT chỉ nên truy đuổi trong các vụ có tính chất nghiêm trọng như vận chuyển ma túy, hàng cấm, cướp giật, gây tai nạn liên hoàn... với nguyên tắc phải đảm bảo an toàn tính mạng bản thân cũng như người tham gia giao thông.

Còn các trường hợp vi phạm thông thường, cảnh sát có thể báo cho các tổ công tác, tuần tra liên tuyến, liên tỉnh là có thể dừng xe được. 

Người thực thi công vụ phải có niềm đam mê và tạo niềm tin cho người dân. Khi đó, lái xe thấy cảnh sát sẽ chấp hành tốt. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, cảnh sát không muốn phạt nguội nên tìm mọi cách dừng xe để có thể "phạt nóng"?

- Phạt nguội hay phạt nóng cũng như nhau, đều xử lý được các trường hợp vi phạm. Ở các nước phát triển, họ chủ yếu phạt nguội và chỉ phạt nóng các trường hợp đặc biệt nguy hiểm.

Có lẽ các đồng nghiệp trẻ được đào tạo bài bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng khi thực hiện còn chưa thuần thục, chưa thật chuẩn.

Bất cứ ngành nào, nghề nào cũng có một số người gây bức xúc và phiền hà cho dân. Tuy nhiên, số đó là số ít, chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" thôi.

Rất nhiều trường hợp cảnh sát bám cần gạt nước, nhảy lên nắp capo yêu cầu tài xế dừng xe. Ảnh minh họa.

- Ngày càng nhiều người chống đối cảnh sát, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi đi làm nhiệm vụ đều được đào tạo bài bản. Nếu cảnh sát nhẹ nhàng, ứng xử đúng quy định thì tôi nghĩ người dân sẽ tâm phục khẩu phục.

Khi cảnh sát quyết định dừng xe chắc chắn tài xế đã vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, ai cũng có lúc sơ suất, cảnh sát phải biết chia sẻ, truyền tải thông điệp vi phạm chứ không phải cứ ra dừng xe nói anh vi phạm lỗi này, lỗi kia rồi xử phạt.

Cảnh sát xử lý thế nào khi lái xe bỏ chạy?

Theo quy định ngành CSGT, sau va chạm, tài xế lái xe bỏ chạy tốc độ cao, không bắt buộc cảnh sát chặn đầu xe giữa đường. Cảnh sát có thể thông báo chốt liền kề dừng xe, xử lý.

- Vậy, làm thế nào để giảm bớt các vụ chống đối cảnh sát, tăng sự yêu mến của người dân?

- Nhiều cảnh sát vừa cầm gậy vừa thực hiện điều lệnh giơ tay chào khiến người vi phạm cảm thấy thiếu sự thân thiện. Nụ cười, ánh mắt, sự cởi mở chính là thông điệp giúp cảnh sát và tài xế hiểu nhau hơn.

Chiều 15/12, đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội quyết định khởi tố bị can, tạm giam Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi, trú huyện Văn Giang, Hưng Yên) để điều tra hành vi giết người.

Vì thế, cảnh sát khi dừng xe cần giơ tay chào, nở nụ cười, viện dẫn các lỗi vi phạm hợp tình hợp lý, chuẩn mực. Ngay cả khi xử lý xong, cảnh sát cũng nên chào, cám ơn và chúc tài xế thượng lộ bình an, lần sau không vi phạm.

Làm được những việc đó, ý thức người dân sẽ cải thiện rất nhiều. Mục tiêu của CSGT là làm sao người dân chấp hành tốt luật lệ, không để xảy ra ùn tắc, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.

Ánh mắt, nụ cười, tác phong là quan trọng nhất. Hãy cứ nở nụ cười, cho nhau nụ cười đi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế.

'CSGT đang nhầm lẫn giữa quyền hạn với quyền lực'

Trao đổi về vụ xe tải kéo lê CSGT, Phó giám đốc kênh VOV Giao thông cho rằng, sự “liều mình” của cảnh sát đã góp phần gây ra vụ tai nạn giao thông mà chính anh ấy là nạn nhân.

 

Ông Phạm Quang Nghị: 'CSGT nên rút kinh nghiệm'

Đề nghị xử lý nghiêm tài xế tông, cán qua người CSGT nhưng ông Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, lực lượng này nên rút kinh nghiệm và có kỹ năng xử lý tình huống thích hợp.





Tiến Dũng - Hoàn Nguyễn

Clip: Phan Anh

Bạn có thể quan tâm