Bức ảnh đã tạo nên làn sóng phẫn nộ lan rộng khi khiến nhiều người liên tưởng đến những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại và những người da màu ở miền nam vẫn tiếp tục bị đàn áp dù chế độ nô lệ đã chấm dứt, theo AFP.
Ông Vernon Hale, cảnh sát trưởng thành phố Galveston ở bang Texas, cho biết người bị bắt giữ trong bức ảnh là Donald Neely với cáo buộc xâm nhập khu vực cấm. Người này lẽ ra nên được đưa đi bằng xe cảnh sát, nhưng ở khu vực đó chỉ có các sĩ quan cưỡi ngựa.
Người đàn ông da màu bị hai sĩ quan cảnh sát cưỡi ngựa áp giải bằng dây thừng trên đường phố giữa ban ngày ở Texas. Ảnh: The Daily Beast. |
Người đàn ông da màu sau đó bị áp giải bởi hai viên sĩ quan này. Ông Neely đi bộ, tay bị trói vào dây thừng trong khi hai sĩ quan cưỡi ngựa đi bên cạnh.
"Mặc dù đây là một kỹ thuật được đào tạo và có thể áp dụng trong một số tình huống, các sĩ quan của chúng tôi đã cho thấy khả năng đánh giá kém cỏi trong trường hợp này", ông Hale nói.
"Trước nhất tôi phải xin lỗi ông Neely vì đã bị làm xấu hổ một cách không cần thiết", ông Hale cho biết. Ông nói thêm rằng chính sách của sở cảnh sát đã được cập nhật, qua đó cách thức dùng dây thừng dẫn giải nghi phạm khi sĩ quan đang cưỡi ngựa sẽ không còn được áp dụng.
Tuyên bố của ông Hale đã khiến một số nhóm hoạt động xã hội thất vọng, cho rằng phản ứng của ông trước vụ việc là "yếu ớt".
Những người khác kêu gọi hai sĩ quan trong vụ việc cần phải bị phạt hoặc sa thải vì đã làm nhục ông Neely theo cách khiến người ta nhớ lại những hành vi phân biệt chủng tộc cực đoan của đất nước trong quá khứ.
"Đây là năm 2019 chứ không phải 1819", ông James Douglas, chủ tịch NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu) tại thành phố Houston, chia sẻ với báo Houston Chronicle.
Ứng viên tổng thống 2020 thuộc đảng Dân chủ, ông Beto O'Rourke, người đến từ thành phố El Paso của bang Texas, cũng lên án sự việc trên Twitter: "Khoảnh khắc này đòi hỏi trách nhiệm, công lý và sự trung thực - vì chúng ta cần phải gọi đích danh hành động này là gì: đó là sự phân biệt chủng tộc ở nơi làm việc".