Cảnh sát giao thông trẻ cương quyết không nhận hối lộ
Dù phải nằm viện chữa trị vì xe của người vi phạm giao thông va gãy chân phải, nhưng Thiếu úy Vũ Văn An vẫn nén đau, ngồi xe lăn rồi nhờ mẹ đưa đến địa điểm thi của học viện Cảnh sát.
Gãy chân khi làm nhiệm vụ
Đã hẹn gặp trước nhưng tôi vẫn phải chờ đến lúc Thiếu úy CSGT Vũ Văn An (SN 1988, Đội CSGT số 3, Công an Hà Nội) học hết giờ tại lớp học đại học liên thông của học viện Cảnh sát nhân dân.
Dáng người cao gầy, khuôn mặt đen sạm, đượm buồn, trông An như già hơn cái tuổi 25 của mình. Trong khi ngồi nói chuyện, có thể do thời tiết thay đổi, thi thoảng An lại lấy tay xoa bóp vào chiếc chân phải đau nhức do bị gãy cả hai xương, vẫn còn chưa rút được đinh nẹp.
Thiếu úy Vũ Văn An, Đội CSGT số 3, Công an Hà Nội. |
Về hoàn cảnh vụ tai nạn gây gãy chân, theo lời An kể lại, khoảng 16h30, ngày 25/11, nhận được nhiệm vụ của lãnh đạo giao tăng cường, An vào tổ công tác Y3/141, Công an Hà Nội do Trung tá Nguyễn Trường Giang, Đội phó đội CSGT số 3 làm tổ trưởng.
Khi tổ công tác đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Minh Khai - Kim Ngưu, gần khu vực cầu Mai Động, Hà Nội thì phát hiện một nam thanh niên (sau này xác định tên Lê) điều khiển xe máy Wave không đội mũ bảo hiểm. Thấy vậy, tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên người này không dừng lại mà càng tăng tốc xe, lạng lách vượt qua 2 chốt.
Khi đến chốt chặn cuối cùng của tổ công tác, do chạy với tốc độ lớn, cua gấp nên xe máy do Lê điều khiển bị đổ ra đường, đúng chỗ chốt của An đang trực. Xe của Lê văng ra đúng vào chân An làm gãy cả 2 xương của chân phải. Liền sau đó, An nằm gục ngay tại chỗ và được đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, rồi tiếp tục được chuyển về điều trị tại bệnh viện 198 trong suốt thời gian 3 tháng.
“Hiện tại chân phải của em đã liền xương, vết mổ cũng liền sẹo nhưng việc đi lại còn phải nhẹ nhàng do chân vẫn còn đau nhức. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi là vết thương đau nhức rất khó chịu, những lúc như vậy em lại tự xoa bóp cho chân giảm đau”, An cho hay.
Cương quyết không nhận hối lộ
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là khi An cho biết: "Trong thời gian em nằm viện, chân vẫn còn phải bó bột thì nhận được giấy báo thi vào lớp đại học liên thông của trường học viện Cảnh sát nhân dân. Trong khi đang còn đắn đo thì em được mẹ động viên là bằng mọi cách phải quyết tâm đi thi. Ngày thi đến, mẹ em mượn chiếc xe lăn của bệnh viện rồi nhờ thêm một người bạn để đưa em đến địa điểm thi".
Với sự nỗ lực An đã thi đỗ vào lớp đại học liên thông của trường học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm cao. “Khi thấy mẹ đẩy chiếc xe lăn đưa em vào địa điểm thi, em càng thương mẹ nhiều hơn và cố kìm những giọt nước mắt vì sợ mẹ em buồn... Khi biết em thi đỗ mẹ vui mừng lắm”, An thổ lộ.
Sinh năm 1988, quê ở Kiến Xương, Thái Bình, khi học xong trường trung cấp Cảnh sát nhân dân, An được tổ chức điều động về công tác tại Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội. Nhà có hai anh em, là con trai cả trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để giúp đỡ gia đình An đã hạn chế chi tiêu, tiết kiệm những đồng lương ít ỏi để gửi về giúp đỡ mẹ có tiền nuôi em gái đi học. Bản thân An thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự ôn thi để được tham dự lớp đại học liên thông.
“Vừa rồi, cô em gái em cũng đã tốt nghiệp ra trường và mới xin được việc làm tại công ty tư nhân. Hôm em gái xin được việc, em gọi điện báo cho mẹ, mẹ em đã khóc vì vui mừng”, An cho hay.
Công việc của người cảnh sát giao thông vất vả nhưng An không quản khó nhọc, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều lần cương quyết không nhận hối lộ của những người vi phạm luật giao thông.
An nhớ lại, khoảng 12h một ngày trung tuần tháng 6/2012, trong lúc làm nhiệm vụ tại chốt ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, phát hiện thấy nam thanh niên (tên là Khuất Hữu Chiến, SN 1988), điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiển. An đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra và phát hiện Chiến không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe máy.
Lúc đầu Chiến xin xỏ, nài nỉ để An tha, bỏ qua nhưng An vẫn cương quyết lập biên bản xử lý. Xin xỏ không được, Chiến rút ra 3000.000 đưa cho An rồi bảo “em biếu anh, mong anh tha cho”. An cương quyết không nhận nhưng Chiến vẫn nài, đưa tiền hối lộ mong An bỏ qua. Nhắc nhở không được, An đã lập biên bản về hành vi đưa hối lộ của Chiến chuyển về đội xử lý.
“Đó là vụ đầu tiên khi em mới nhận nhiệm vụ trực chốt tại Đội cảnh sát giao thông số 3, còn một vài vụ lập biên bản về hành vi đưa hối lộ của người vi phạm giao thông khác nhưng em không còn nhớ”, An khiên tốn nói.
Theo Trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 3, việc cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông bị thương, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ không phải chuyện hiếm gặp. Thậm chí không ít trường hợp người cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ còn xả thân, vì nhân dân quên mình tham gia bắt cướp và bị thương tích nặng.
Theo Infonet