Lễ hội Đền Sái, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) diễn ra chiều 7/2 với nhiều trò vui nhộn để tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa.
Đền Sái tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) trong ngày diễn ra lễ hội đầu xuân Đinh Dậu.
Ngày 7/2, dân làng Thụy Lôi tổ chức lễ hội Đền Sái để tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa.
Lễ hội diễn ra cả ngày 11 tháng Giêng âm lịch nhưng sôi động nhất là vào buổi chiều với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra Đền Sái và ngược lại.
Sự kiện thu hút hàng trăm du khách từ các xã lân cận đổ về đón xem.
Người vinh dự được vào vai vua năm nay là ông Nguyễn Phú Quý (71 tuổi). Đây là một trong hai cụ cao niên trong làng được bà con tuyển chọn kỹ càng (con cháu hạnh phúc, đầy đủ nội ngoại, gia đình văn hoá).
Sau buổi sáng tổ chức lễ rước từ đình làng ra Đền Sái. 13h chiều, "vua" đi bộ ra đền Thượng để chuẩn bị cho lễ rước lần thứ hai trở lại đình.
Tại lễ hội này năm Bính Thân (2016), ông Quý được vào vai quan. Còn lần này cụ cao niên được "thăng chức" lên ngôi "vua".
Đi ngay dưới chân kiệu "vua" là "hoàng hậu" - bà Lê Thị Tình, vợ của ông Quý. Bà chia sẻ năm nay gia đình rất vui và hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn khi chồng mình được làm "vua".
Người vào vai chúa là ông Lê Quang Bản (69 tuổi). "Chúa" được vẽ mặt đỏ để dễ phân biệt so với "vua". Buổi sáng sớm, ông Bản phải có mặt tại đình làng để hóa trang trong thời gian hơn hai tiếng.
Trước khi vào lễ rước, "chúa" ra sau sân đền làm thủ tục chém gà tượng trưng. Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Trong lễ rước, kiệu chúa đi đầu tiên. Đám trai tráng khoảng 15 người vừa khênh vừa tung hô nghiêng ngả. Do vậy, kiệu và người phải được bảo hiểm chặt chẽ tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngồi trên kiệu, "chúa" liên tục khua kiếm để tạo sự sôi động cho cuộc rước. Thỉnh thoảng ông ngoái cổ lại xem tình hình của "vua" đi phía sau ra sao.
Năm nay, đoàn rước còn xuất hiện thêm nhóm múa lân sư rồng. 4 thanh niên này làm nhiệm vụ mua vui cho "vua" và "chúa" trong suốt quãng đường từ Đền Sái về đình làng.
Đi theo mỗi kiệu "vua, chúa" và 4 vị "quan đại thần" là các thành viên trong gia đình, họ hàng nội ngoại... Ngoài ra còn có đội âm nhạc, dâng lễ, cầm cờ, thổi tù và rộn rã suốt cung đường.
Do thời tiết khá lạnh, các thiếu nữ diện áo dài đỏ phải khoác thêm áo rét bên ngoài tham gia vào hành trình rước "vua".
Đi sau kiệu vua là quan Tán lý, một trong 4 vị "quan" ngồi võng tham gia lễ rước. Người đóng vai này là ông Ngô Tiên Đặng (66 tuổi), có gia cảnh hạnh phúc, được dân làng tuyển chọn từ cách đây vài tháng.
Ngoài ra còn ba vị "quan" khác được mệnh danh là "tứ trụ triều đình" gồm quan Thự vệ, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ (tất cả các quan đều trên 60 tuổi).
Các ông được ngồi võng cho 'lính' rước suốt hành trình.
Trên đường về gần tới đình, khi qua cầu, một phụ nữ cầm sẵn bọc tiền lẻ để cho "vua" rải xuống đường.
Trời nắng, lính liên tục dùng ô và lọng tìm cách che chắn cho "vua" khỏi chói mắt.
Khi "vua" tung tiền lẻ xuống đường, hàng chục người trong đó có cả trẻ em, thanh niên, phụ nữ thi nhau lao vào bắt với mong muốn được gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Nơi đây vẫn đang lưu giữ được bản gốc tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ...
Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái một hòn của Thất Diệu Sơn. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. Hàng năm, lễ rước "vua sống" lại diễn ra vào 11 tháng Giêng.
Thanh niên trai tráng ngâm mình dưới nước lạnh để khiêng kiệu lội ao là hình ảnh tại lễ hội chùa Phượng Vũ (xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình) chiều mùng 9 tháng Giêng (5/2).
Sáng 6/2, hàng nghìn phật tử, du khách đã đổ về Yên Tử trẩy hội xuân 2017. Cảnh tượng mây vờn, núi hùng vĩ ẩn hiện khiến nhiều người cho rằng đây là đất Phật đẹp nhất Việt Nam.
Liên quan đến việc sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp tháng 1 và 2/2025 trong cùng kỳ chi trả vào tháng 1, sẽ có hơn 3,3 triệu người được nhận luôn hai tháng.