Trong đồ án vừa được UBND Hà Nội phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Quy mô là gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%). Bản quy hoạch chi tiết của phân khu này chia thành các khu vực R1-R2, R3-R4 và R5, được gắn với các chức năng cụ thể. |
Một đoạn đê Hồng Hà nằm trong trục cảnh quan của khu R1-R2. Khu vực này có mật độ cao là đất đô thị, đất bãi và khu vực bãi giữa. Do đó, nơi đây được định hướng là khu vực đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây - Cổ Loa. |
Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng (tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) nằm trong khu chức năng R1 của tổng thể đồ án đô thị sông Hồng. Giai đoạn 1 của dự án này dự kiến được hoàn thiện cuối năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ. Trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội dự kiến xây dựng các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Hồng và sông Đuống. |
Một đoạn đê Nguyễn Khoái ở nút giao khu vực Minh Khai, hướng lên cầu Vĩnh Tuy. Theo đồ án quy hoạch, các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô được định hướng trở thành đường liên khu vực quy mô 4-6 làn xe, gồm đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái. Bãi sông nằm dọc các tuyến đường này là vùng không được phát triển đô thị. |
Dự báo, quy mô dân số tối đa tại phân khu đô thị sông Hồng đến năm 2030 khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người. Với giao thông công cộng, thành phố yêu cầu mạng lưới buýt đảm bảo không trùng lặp trên hành lang đường sắt đô thị, kết nối dễ dàng với các ga đường sắt đô thị. |
Trong đồ án chi tiết của phân khu sông Hồng, Hà Nội cho biết các khu vực đất ở hiện có sẽ được cải tạo chỉnh trang, đảm bảo hạn chế san lấp hồ, ao; quỹ đất trống ưu tiên bố trí các công trình sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe, trạm điện, điểm tập kết rác… Các không gian giáp ranh sẽ tổ chức thành nơi chuyển tiếp giữa khu ở mới và cũ, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững của khu vực làng xóm đô thị hóa. |
Ngoài 6 cầu bắc qua sông Hồng sẽ được xây mới, Hà Nội đang xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long và cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng. Cầu Vĩnh Tuy 2 đang ở giai đoạn thi công với khối lượng công việc hoàn thành được 43%. Dự kiến giữa năm 2023, cây cầu này được đưa vào vận hành. |
Thành phố cũng dự kiến xây mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Các bãi đỗ xe công cộng được bố trí kết hợp trong các khu cây xanh, công cộng, có thể bố trí trong các nút giao khác mức, gầm cầu cạn đường bộ, nhằm tận dụng quỹ đất trống. |
Khu vực dự kiến thi công cầu Mễ Sở nằm trong tổng thể khu vực R5. Nơi đây được định hướng trở thành không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, khu vực nuôi trồng thủy sản, làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử. |
Trong đồ án phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội cũng dự kiến nâng cấp, xây dựng mới các cảng địa phương theo quy hoạch bao gồm cụm cảng Chèm – Thượng Cát, cảng Tầm Xá, cảng Thanh Trì, cảng Bát Tràng. Cảng hành khách và vị trí bến thủy phục vụ giao thông thủy trên sông Hồng sẽ được thực hiện theo dự án riêng và được nghiên cứu bố trí trong giai đoạn sau. |
Toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng (R5) có tổng diện tích khoảng 579 ha, dân số trên 34.800 người, gồm các khu dân cư tập trung và các bãi Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Nơi đây được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển, làng nghề… |
Phối cảnh hướng tây của phân khu đô thị sông Hồng theo đề án được UBND Hà Nội phê duyệt. Ảnh: VQH. |
Bình luận