Brazil đã bắt đầu trận đấu đầu tiên tại World Cup 2022 vào rạng sáng 25/11 với mục tiêu giành danh hiệu vô địch thế giới lần thứ sáu. Nhưng khoảnh khắc vui vẻ và mong chờ thường thấy ở quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh đã trở nên mờ nhạt do sự chia rẽ kéo dài sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10, theo Washington Post.
Kể từ khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và những người ủng hộ sử dụng chiếc áo đấu màu vàng - xanh trong các chiến dịch chính trị và tranh cử, nhiều cổ động viên đã quyết định từ bỏ chiếc áo.
Đối với người Brazil, việc các "Bolsonarista" (biệt danh gọi người ủng hộ ông Bolsonaro) sử dụng màu vàng xanh đang làm xấu đi chiếc áo đấu nổi tiếng từng gắn liền với các thế hệ từ Pelé đến Ronaldinho.
“Tôi có một chiếc áo sơ mi màu vàng. Tôi từng mặc nó nhưng bây giờ thì rất khó. Cách họ chiếm đoạt chiếc áo khiến tôi thấy xấu hổ khi mặc nó. Chiếc áo màu vàng đã trở thành biểu tượng của cực hữu Brazil”, Omar Monteiro Jr., chủ một quán bar tại Rio de Janeiro, nói.
Chính trị hóa chiếc áo bóng đá
“Hãy bỏ phiếu với chiếc áo vàng”, vị tổng thống 67 tuổi nói trước cuộc bầu cử.
Ông Bolsonaro đã biến chiếc áo của đội tuyển quốc gia trở thành vũ khí chính trị. Biểu tượng về sự thống nhất lại trở thành mặt trận của một cuộc chiến văn hóa chính trị. Điều này thậm chí chỉ xảy ra vài tuần trước khi giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh khởi tranh, theo Athletic.
Tổng thống cánh hữu của Brazil đã vấp phải sự chỉ trích vì đánh giá thấp đại dịch Covid-19. Ông ủng hộ khai thác thương mại rừng nhiệt đới Amazon, có những lời nói không phù hợp khi đề cập tới phụ nữ, dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBTQ.
Ông Bolsonaro thua sít sao vòng hai và vòng cuối cùng của cuộc bầu cử ngày 30/10. Những người ủng hộ ông đã tràn vào các căn cứ quân sự để phản đối kết quả, cho rằng cuộc bầu cử đã xuất hiện gian lận nhưng lại không có bằng chứng.
Với một quốc gia cuồng bóng đá cùng giấc mơ đạt danh hiệu thứ sáu trong lịch sử, việc nỗ lực giành chức vô địch thế giới đang đặt ra câu hỏi: Liệu cuộc chạy đua cho chức vô địch có thể giúp đất nước đoàn kết trở lại hay không.
Đội tuyển quốc gia Brazil được coi là ngọn hải đăng của niềm tự hào dân tộc. Nhưng nó cũng là một mô hình thu nhỏ của nền chính trị phân cực của đất nước Nam Mỹ.
Một số cầu thủ ngầm ủng hộ Bolsonaro, điển hình là ngôi sao lớn nhất của đội bóng: Neymar. Trong khi đó, huấn luyện viên đội tuyển Brazil Tite từng phàn nàn về việc chính trị trở thành một vấn đề của các cầu thủ.
Nếu Brazil một lần nữa vô địch, ông cam kết phá vỡ truyền thống bằng cách từ chối tham gia bất kỳ chuyến thăm nào của đội đến thủ đô để gặp tổng thống đương nhiệm, cho dù là ông Bolsonaro hay ông Lula.
Màu sắc chia rẽ
Tình hình Brazil hiện tại trái ngược hoàn toàn với không khí lễ hội nồng nhiệt đã càn quét cả nước vào năm 2002. Người Brazil khi ấy như hòa làm một, cổ vũ đội tuyển quốc gia giành kỷ lục vô tiền khoáng hậu, lên ngôi danh hiệu World Cup lần thứ năm.
Sau cuộc bỏ phiếu bị những người ủng hộ ông Bolsonaro tuyên bố gian lận, một số người đã kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp cánh tả. Thậm chí, họ còn gợi ý đánh dấu những doanh nghiệp này bằng ngôi sao đỏ của đảng Lao động để người mua hàng biết.
Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người cánh tả. Họ cho rằng điều này không khác gì ngôi sao vàng David được vẽ trên tường các doanh nghiệp Do Thái trong thời kỳ trỗi dậy của đảng Quốc xã Đức.
Chiếc áo vàng xanh có mặt khắp nơi khi hàng nghìn người ủng hộ ông Bolsonaro tập hợp để phản đối kết quả bầu cử tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự Đông Nam Brazil ở São Paulo. Một số người biểu tình đã yêu cầu can thiệp quân sự để giữ ghế cho ông Bolsonaro.
Những người bán bỏng ngô cho đám đông cũng sử dụng túi giấy màu vàng xanh, in mang logo World Cup 2022 Qatar.
Luiz Cláudio Pereira là một trong những người mặc chiếc áo đội tuyển quốc gia biểu tình bên ngoài căn cứ quân sự São Paulo. Ông khẳng định đó là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc hơn là thể thao.
“Đối với tôi, chiếc áo đấu đại diện cho Brazil, không phải đội tuyển quốc gia”, ông nói.
Ông Luiz Cláudio Pereira nhận định rằng những người ủng hộ ông Lula đang xa lánh chiếc áo đấu vì thiếu niềm tự hào dân tộc.
“Tôi nghĩ đó là thiếu lòng yêu nước. Đó là lý do tại sao họ không muốn mặc nó. Tôi cho rằng đó không phải là biểu tượng của Bolsonaro”, ông nói thêm.
Nike, công ty sản xuất áo đấu cho đội tuyển Brazil, không trả lời yêu cầu của Washington Post về số liệu bán hàng. Các báo cáo trên báo chí Brazil cho thấy sự gia tăng doanh số bán hàng trước cuộc bầu cử, một phần được thúc đẩy bởi những người ủng hộ ông Bolsonaro.
Nhưng áo đấu sân khách của Brazil màu xanh đậm cũng trở nên phổ biến. Nhiều người cảm thấy không thoải mái với thông điệp chính trị đi kèm chiếc áo vàng xanh.
“Sự chia rẽ trong xã hội Brazil vẫn sẽ tồn tại. Nó không biến mất chỉ vì một kỳ World Cup. Ngoài ra còn có một cuộc chiến của cánh tả để giành lại chiếc áo. Có lẽ cuộc chiến ấy sẽ thành công, nhưng mọi người vẫn sẽ có một cái nhìn khác đối với chiếc áo đội tuyển quốc gia”, Marcos Nobre, một nhà phân tích chính trị, nói.
Trong 4 năm qua, chiếc áo đấu đã trở thành thương hiệu của cánh hữu với sự khuyến khích của ông Bolsonaro. Nhưng một số người cánh tả Brazil đang cố gắng giành lại chiếc áo.
Vợ ông Lula đã đăng những bức ảnh selfie với chiếc áo và làm chữ L bằng tay, thể hiện sự ủng hộ cho vị tổng thống mới đắc cử. Nhiều người khác mặc chiếc áo được trang trí bằng một ngôi sao đỏ hoặc số 13, con số đại diện cho đảng trên lá phiếu bầu cử.
“Chúng tôi không phải xấu hổ khi mặc chiếc áo vàng xanh. Nó không thuộc về bất kỳ ứng cử viên hay đảng phái nào. Màu xanh vàng đại diện cho 213 triệu người Brazil”, ông Lula nói.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...